Nhà Trắng đau đầu vì Lầu Năm Góc

Thứ bảy, 29/11/2014 08:54

(Cadn.com.vn) - Hành trình tìm người kế nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel vấp nhiều khó khăn khi lần lượt các ứng viên sáng giá tuyên bố rút lui.

Nhà Trắng thật sự đang rất đau đầu trong vấn đề lớn: tìm người thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, vốn được cho là bị ép phải từ chức hôm 24-11.

Kể từ khi bà Michele Flournoy - hiện là Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh Mỹ mới - rút tên khỏi danh sách các ứng cử viên sáng giá thay thế ông Hagel, người ta càng có cảm giác, nhiều ứng viên tiềm năng tỏ ra rất ngần ngại với vị trí quyền lực nhưng cũng đầy gian nan và thử thách này.

Việc bà Flournoy rút lui cũng được đánh giá là quyết định khá bất ngờ vì đây là cái tên được kỳ vọng sẽ trở thành nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ. Trọng tâm chú ý giờ chuyển sang cái tên khác - cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter - người từng ghi dấu ấn rộng rãi với chính sách cải cách vũ khí cồng kềnh và các chương trình, thủ tục mua lại vũ khí đắt đỏ. Tuy nhiên, “dấu ấn” của ông Carter, hiện 60 tuổi là việc từng đụng độ với Nhà Trắng.

Nhà Trắng bị rơi vào tình cảnh này sau khi ông Hagel tuyên bố từ chức sau “3 lần nói chuyện với Tổng thống Obama”. Bất chấp những lời nói thân thiện và hoa mỹ giữa ông Obama và Hagel hôm 24-11, ai cũng thấy rõ, ông Hagel đã bị “sa thải ngầm”.

Chỉ mới tuần trước, khi những guồng quay tin đồn liên tiếp cho rằng, ông Hagel đang được “mở đường” để ra khỏi Lầu Năm Góc, vị thủ lĩnh quân sự này liên tiếp phủ nhận. Rõ ràng, việc một Bộ trưởng Quốc phòng bị sa thải không phải là tiền lệ phổ biến, nhất là khi người đó mới nắm quyền 2 năm.

Nhiều sai lầm trong cuộc không kích chống IS của Mỹ ở Syria được cho là nguyên nhân khiến ông Hagel (trái) phải ra đi. Ảnh: Wochit

Vậy đâu là sai lầm của ông Hagel? Đó là không tạo điểm nhấn trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông. Người ta cho rằng, chính sai lầm của Nhà Trắng trong cuộc chiến chống IS khiến ông Hagel trở thành trọng tâm của những lời chỉ trích.

Nhưng nói công bằng, ông Hagel cũng có những thành tích nhất định. Ông được xem như là cái trụ - dù không quá mạnh, nhưng vẫn hiệu quả để giữ vững trục “Châu Á-Thái Bình Dương” của Nhà Trắng. Nhưng thành tích này không đủ làm Nhà Trắng hài lòng. Và giờ đây, thách thức đặt trên vai người kế nhiệm ông Hagel.

Theo Pacific News, mục tiêu cần đạt được là tiến đến thỏa thuận tránh cắt giảm ngân sách và khôi phục mức chi tiêu quân sự. Nhưng quan trọng nhất, Lầu Năm Góc cần có những ý tưởng hiệu quả hơn cho Afghanistan, Iraq và đặc biệt là Syria.

Trước tiên, Tổng thống Obama hiện đang có kế hoạch rút tất cả các lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan trong năm 2016 - sai lầm mà ông chủ mới của Lầu Năm Góc nên nỗ lực thuyết phục tổng thống sửa đổi.

Thứ hai, Mỹ cần nhiều nhà tư vấn hơn để giúp xây dựng lại quân đội Iraq - mặc dù tổng thể, các chính sách của Tổng thống Obama đang đi theo hướng tốt hơn. Và cuối cùng, vấn đề trọng tâm nhất vẫn là chính sách về Syria, nơi mà Mỹ hiện không có chiến lược khả thi cũng như không có cách gì, ít nhất là hướng đến một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Đó là lý do tại sao, ngoài một vài cái tên được nhắm đến, Nhà Trắng cũng nên xem xét những gương mặt cho thấy sự nhạy bén trong khu vực Trung Đông như tướng Stanley McChrystal – chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanisan; tướng David Petraeus - cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ (CIA); và tướng John Allen – cựu Tư lệnh của lực lượng NATO ở Afghanistan.

Bổ nhiệm một vị tướng mới về hưu đòi hỏi sự thay đổi trong luật pháp. Nhưng thời điểm bất thường cũng có thể sản sinh các biện pháp bất thường. Tổng thống Obama nên bắt đầu tìm kiếm và tạo cho mình cơ hội cải tổ sâu sắc.

Khả Anh