Nhà trẻ cho con công nhân: Nhu cầu cần thiết và cấp bách
(Cadn.com.vn) - Liên Chiểu là địa bàn có số lượng công nhân từ các nơi khác tập trung về lập nghiệp đông nhất TP Đà Nẵng. Ngoài việc quan tâm giải quyết an sinh xã hội, một trong những nỗi lo cũng là thách thức mà chính quyền các cấp Q. Liên Chiểu đang phải đối mặt là vấn đề giữ và chăm sóc trẻ cho con của công nhân đã lập gia đình đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) đóng chân trên địa bàn.
Áp lực về sự quá tải
Nếu như năm học 2014-2015, tổng số cháu trong độ tuổi giữ trẻ và mầm non (MN) đóng trên địa bàn Q. Liên Chiểu là 8.376.000 cháu, thì năm học 2015-2016 tăng đến 10.937.000 cháu. Trong khi đó, toàn quận hiện chỉ có 6 trường MN công lập, 25 trường MN tư thục và 84 nhóm lớp độc lập tư thục. Ngoài các nhóm lớp độc lập tư thục nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, hầu hết các trường MN công lập và tư thục trên địa bàn quận chỉ đón nhận việc chăm sóc trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Bình quân, mỗi trường MN công lập và tư thục có số lượng trẻ từ 200 cháu trở lên. Đối với các trường MN có quy mô giữ trẻ lớn, số lượng trẻ là trên 500 cháu. Riêng các nhóm lớp độc lập tư thục được cấp phép hoạt động, số lượng trẻ từ 7 đến 50 cháu.
Sau 19 năm thành lập đơn vị hành chính mới, so với các trường MN công lập được đầu tư xây dựng khá khiêm tốn, tốc độ đầu tư xây dựng đối với loại hình trường MN tư thục trên địa bàn Liên Chiểu phát triển khá nhanh. Theo ông Lê Văn Nghĩa- Trưởng phòng GD-ĐT Q. Liên Chiểu, bình quân mỗi năm trên địa bàn quận có từ 2-3 trường MN tư thục được thành lập. Mặc dù đã có sự đầu tư nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ. Ngoài áp lực quá tải về nhu cầu gửi con của người dân đóng trên địa bàn, ngành GD-ĐT và các cấp chính quyền địa phương Liên Chiểu hiện đang chịu khá nhiều áp lực đối với vấn đề giữ và chăm sóc trẻ là con của các nữ công nhân từ các nơi khác đang làm việc trong các KCN. Với đồng lương eo hẹp, họ không có đủ điều kiện để gửi con tại các trường MN ngoài công lập. Đấy chính là lý do buộc các nữ công nhân này phải tìm đến với những hộ gia đình giữ trẻ tự phát trong các khu dân cư để gửi con, vừa tiết kiệm tiền gửi, vừa linh hoạt về thời gian để có thể yên tâm làm việc theo ca, kíp...
Chính điều này đã đặt ra không ít khó khăn cũng như áp lực cho cơ quan chức năng trong quá trình quản lý.
Hàng năm, Trường MN Tuổi Ngọc - một trong những trường MN công lập có chất lượng chăm sóc trẻ tốt nhất trên địa bàn Q. Liên Chiểu, chịu rất nhiều áp lực về sự quá tải trong công tác tuyển sinh. |
Sự cấp thiết xây dựng nhà trẻ
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt là các nhóm lớp độc lập tư thục, thời gian qua, ngành GD-ĐT Q. Liên Chiểu đã phối hợp cùng các cấp chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, chỉ đạo loại hình MN ngoài công lập, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Trong đó, đặc biệt chú trọng các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng nuôi dưỡng trẻ cũng như thực hiện việc giám sát, kiên quyết thực hiện việc đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở nhóm, lớp không đủ điều kiện thu nhận trẻ. Tuy nhiên, công tâm mà nói, vẫn không thể nào kiểm soát hết được đối với các loại hình giữ trẻ gia đình tự phát từ 2-3 cháu nằm xen kẽ trong các khu dân cư.
Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu Nguyễn Thanh Chương, được biết, để góp phần tăng số lượng trẻ (trong đó có trẻ là con em các nữ công nhân đang sinh sống, làm việc tại các KCN Hòa Khánh - Liên Chiểu) được vào học tại các trường công lập, giảm bớt các nhóm trẻ gia đình, trong năm 2016, quận trình TP đầu tư xây dựng các loại hình trường MN công lập. Trong khi chờ đợi quan tâm đầu tư của TP, hướng giải quyết trước mắt của Liên Chiểu là tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ đối với các loại hình giữ trẻ ngoài công lập.
"Trong quá trình chỉnh trang, quy hoạch phát triển đô thị, có một thực tế là việc dành quỹ đất cho sự nghiệp phát triển giáo dục chưa thực sự được các cấp, ngành quan tâm đúng mức. Đất đai ngày một khan hiếm, trong khi đó, muốn xây dựng một nhà trẻ, trường MN thì ngoài yêu cầu về nguồn vốn đầu tư, cần khá nhiều diện tích đất... Trong điều kiện thực tế như vậy, theo tôi, nếu được Nhà nước đầu tư hoàn toàn các trường MN công lập thì quá tốt. Còn nếu chưa thể được thì có thể đầu tư cho loại hình trường MN tư thục hoặc nhóm gia trẻ gia đình được Nhà nước cho phép hoạt động với đầy đủ điều kiện", ông Chương bày tỏ.
Là một thành phố trẻ năng động, Đà Nẵng đang ngày càng phát triển và thu hút ngày càng nhiều lượng công nhân từ các nơi trong cả nước về đây lập nghiệp. Với mức thu nhập còn thấp, với các nữ công nhân đã lập gia đình có con nhỏ hiện đang làm việc tại các KCN ở Liên Chiểu, việc gửi con nhỏ vào các cơ sở MN ngoài công lập quá xa xỉ đối với họ. Qua tìm hiểu, được biết, tại một số tỉnh thành Tây Nguyên và Nam Bộ, nơi phát triển kinh tế chủ lực dựa vào cây cao su với tính chất mùa thu hoạch rất đặc thù, nhằm tạo điều kiện để gia đình các công nhân yên tâm đi cạo mủ lúc nửa đêm, các Cty, DN đóng chân trên các địa bàn này đã phối hợp cùng chính quyền địa phương đầu tư xây dựng những nhà trẻ chuyên đón trẻ từ tờ mờ sáng. Theo đó, quản lý về chuyên môn thuộc về ngành GD-ĐT, nhưng việc chi trả lương lại do các Cty, DN này chịu trách nhiệm...
Thiển nghĩ, từ cách làm của các địa phương này, Đà Nẵng nên quan tâm, nghiên cứu tìm giải pháp nhằm thiết thực gấp rút xây dựng, hình thành những nhà trẻ theo mô hình xã hội hóa dành cho con em các nữ công nhân đang làm việc tại các KCN, để họ có thể an tâm mà chuyên tâm lao động sản xuất.
Khánh Yên