Nhà văn Việt Nam có sống được với nghề văn?

Thứ ba, 03/09/2013 08:51

(Cadn.com.vn) - Hiện nay Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) có khoảng hơn 1.000 hội viên. Khác với nhiều nước trên thế giới, NVVN không sống được bằng nghề văn, số đông NVVN là cán bộ, công chức ăn lương Nhà nước ở các cơ quan báo chí, văn học. Viết văn chỉ là nghiệp dư, đến khi về hưu mới thực sự là người viết chuyên nghiệp. Trong Hội hiện chỉ có khoảng hơn 10 nhà văn là người viết chuyên nghiệp ngoài biên chế. Đa phần các nhà văn VN đều khởi đầu từ năng khiếu tự phát, qua thực tế cuộc sống chiến đấu, lao động mà tập viết văn, dần dần mà trưởng thành. Không ai được học trường dạy nghề viết văn ra mới bắt đầu sáng tác để thành nhà văn. Đó là điểm mạnh đồng thời cũng là điểm yếu của NVVN vì thiếu tính chuyên nghiệp.

Bình quân  NVVN cứ 5 năm cho ra một tác phẩm, mỗi năm có 140 tác phẩm ra đời. Con số đó rất ít ỏi (ở Pháp mỗi năm 1.500 tiểu thuyết xuất bản, ở Trung Quốc 700-800 tiểu thuyết). Hơn 55 năm thành lập HNVVN, các nhà văn đã cho xuất bản khối lượng lớn tác phẩm và ở thời kỳ nào cũng có những tác phẩm xuất sắc. Đến cuối năm 2012 đã có gần 200 nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT trong 4 đợt trao tặng.

Có rất nhiều nhà văn có bản thảo nhưng chưa xuất bản được vì 3 lý do: Chưa hài lòng về chất lượng; chưa tìm được đầu ra; chưa được nhà xuất bản chấp nhận vì các vấn đề nhạy cảm. Nhưng các nhà văn hàng ngày vẫn cặm cụi viết , dù "cơm áo không đùa với khách thơ". Nguồn thu nhập chính của NVVN là đồng lương theo hạng bậc công vụ và chức danh họ đảm nhiệm ở các cơ quan.  Về hưu thì sống bằng lương hưu. Thu nhập phụ thêm chủ yếu là nhuận bút báo.  Hiện nay đang có xu hướng nhà báo hóa nhà văn. Nhiều nhà văn coi viết báo là sinh kế gia đình. Các nhà văn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Thụy Kha, Ngô Minh, Mai Văn Hoan... ở Huế đều là những nhà báo kỳ cựu. Có nhà văn cộng tác với 50 tờ báo, ít cũng 2, 3 tờ. Một số nhà văn một cái Tết thu được 15-25 triệu đồng nhuận bút báo Tết, tuy nhiên số này chỉ chiếm khoảng 2-3 %. Có nhà văn được các báo thuê "canh" chuyên mục, trả phụ cấp tháng. Nhờ các nguồn này mà nhà văn thu nhập thêm một hai triệu đồng/tháng, cao hơn lương Nhà nước trả. Một số nhà văn đi mở quán ẩm thực hay dịch vụ kinh tế khác để kiếm sống như nhà văn Ngọc Trai mở quán Cơm Huế ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có thời mở quán nhậu tại nhà. Nhiều nhà văn có thu nhập từ việc viết kịch bản phim tài liệu, phim truyện cho các hãng phim, các đài truyền hình như Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh, Chu Lai...; Có nhiều nhà văn thu nhập rất thấp, vật lộn với cuộc sống từng ngày...

 Đối với những nhà văn viết báo cũng chỉ đủ trang trải đời sống gia đình, nhưng để yên tâm tập trung công sức, chuyên chú vào một tác phẩm văn học bề thế thì không thể được. Đời sống nhà văn càng khổ hơn vì nhuận bút văn chương quá thấp. Nhuận bút không có ý nghĩa bù đắp sức lao động nghệ thuật, nói gì đến nâng cao đời sống nhà văn. Các tạp chí văn nghệ địa phương nhuận bút còn thấp hơn. Nền văn học hùng mạnh là một nền văn học có một đội ngũ nhà văn đông đảo. Đề nghị Nhà nước tìm cách tháo gỡ nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của nhà văn, giúp họ có điều kiện để thoát ra khỏi  chuyện miếng cơm manh áo, tập trung sức tạo ra những tác phẩm lớn, ngang tầm thời đại.

N.M