Nhà xuất bản Đà Nẵng: 30 năm thăng hoa với sách văn học

Thứ bảy, 09/04/2016 09:38

(Cadn.com.vn) - Ngay từ khi thành lập, Nhà xuất bản Đà Nẵng (NXBĐN) đã chú trọng và đặt ưu tiên thuộc diện hàng đầu đối với nhiệm vụ xuất bản các đầu sách văn học.

Tháng 8-1984, NXB mở đầu dòng sách văn học trong nước với “Đà Nẵng - thơ” (nhiều tác giả) và văn học nước ngoài với “Truyện cổ Latvia” (Huỳnh Văn Hoa dịch), ghi dấu mốc khởi đầu cho dòng chảy sách văn học của NXB. Những năm 80 của thế kỷ trước, dù điều kiện in ấn, giấy mực còn hạn chế nhưng việc làm sách khá “thuận buồm xuôi gió”. Sách in và phát hành đến con số hàng vạn. Những cuốn sách dịch của NXB lúc ấy làm xôn xao thị trường sách trong Nam ngoài Bắc: Thầy phù thủy đi trong thành phố (Iuri Tomin, Khánh Giang dịch), Aivanhô (Oantơ Scôt, Trần Kiêm dịch), Truyện cổ Andecxen (Trần Kiếm dịch), Bá tước Mông tơ Crixtô (A. Duyma, Mai Thế Sang dịch); Đức mẹ mặc áo choàng lông (Xabahattin Ali, Đào Minh Hiệp dịch)...

Rồi sau đó là những Quyntin Điuơt, Trà hoa nữ, Hoa Tuylip đen, Nỗi cô đơn của quỷ, Megre và ngài bộ trưởng, Hòn đảo 30 chiếc quan tài, Nữ bá tước Đờ Môngsơrô, truyện ngắn Anatôli Alexin, Aitmatov... Văn học trong nước có Người cùng quê (Phan Tứ), Hoa lông chông trên cát (Gia Vi), Chân dung một vùng quê (nhiều tác giả), Giữa xanh thẳm Thu Bồn (nhiều tác giả), Thành phố đứng đầu gió (Nguyễn Khắc Phục), Từ một đến trăm (Thanh Thảo), Rừng trụi (Thanh Quế), Người tử tù không chết (Vĩnh Quyền)... Hầu hết các tác giả có sách in trong giai đoạn này đều là những tên tuổi quen thuộc trong làng văn Việt Nam hiện đại, trừ một số rất ít là tác phẩm đầu tay của một vài tác giả sống tại Đà Nẵng. Rất nhiều văn nghệ sĩ mở rộng lòng đến với NXB mà trong đó hình ảnh nhà văn Nguyễn Tuân và nhà thơ Xuân Diệu... vẫn luôn sống động trong ký ức các Biên tập viên NXB  ở chặng đường đầu...

Giới trẻ đến với ngày hội sách Đà Nẵng lần thứ hai năm 2015.

Qua những năm 90 thế kỷ XX, sách văn học của NXBĐN đã mang một sắc thái mới, chiều sâu mới với tính định hướng rõ ràng, Hai tuyển tập “Thơ Quảng Nam – Đà Nẵng 1975-1990” và “Văn Quảng Nam – Đà Nẵng 1975-1990” được biên soạn và xuất bản năm 1991 giới thiệu tương đối đầy đủ các gương mặt văn nghệ tại Quảng Nam–Đà Nẵng sau chặng đường dài 15 năm viết trong hòa bình xây dựng. Tiếp theo đó, các bộ tuyển “Thơ những tháng năm” và “Ngôi nhà sáng tạo” (truyện ngắn) rút từ 100 số Tạp chí văn nghệ Đất Quảng xuất bản năm 1995 là chương trình giới thiệu khá quy mô, đầy đủ các tác phẩm của đội ngũ các nhà văn, nhà thơ trong nước.

NXB cũng bắt đầu đặt vấn đề làm các bộ tuyển tập cho các tác giả lớn, trước hết là các tác giả quê Quảng Nam – Đà Nẵng và miền Trung. Tuyển tập thơ Khương Hữu Dụng (1993), Tuyển tập thơ văn Võ Quảng (1995) là hai bộ tuyển mở đầu cho dòng sách này, là cơ sở để rút kinh nghiệm chuẩn bị cho việc biên soạn và xuất bản các Tuyển tập Nguyên Ngọc, Trinh Đường, Nguyễn Văn Xuân, Huỳnh Lý, Hoàng Châu Ký, Lưu Trùng Dương, Thanh Quế... về sau. Các tác giả tên tuổi tiếp tục được giới thiệu tại NXB: Tố Hữu với “Một tiếng đờn” (1992), Huy Cận với “Tao Phùng” (1993), Tế Hanh tái bản “Gửi miền Bắc” (1995)... Các nhà văn cả nước và miền Trung đều đặn có tác phẩm in hàng năm tại NXB.

Điểm đặc biệt của những năm 90 của thế kỷ trước có thể nói là sự xuất hiện nở rộ hàng loạt tác phẩm thơ văn đầu tay của các tác giả trẻ tại NXBĐN như Thơ cho Isaura (Lê Thu Thủy, 1991), Mặt trời và cơn khát (Nguyễn Tấn Sĩ, 1991), Than lửa và  tàn tro (Thái Nguyên Tài, 1992), Giữa thời gian (Phan Hoàng Phương, 1994), Miền quê (Huỳnh Minh Tâm, 1995), Thơ từ yên lặng (Nguyễn Kim Huy, 1995), Bông hồng ngủ yên (Võ Kim Ngân, 1996), Ông hoàng đu đủ (Trần Trung Sáng, 1992)... Nhìn lại danh mục tác phẩm này, ta hoàn toàn có thể tự hào về sức sáng tạo của các cây bút trẻ Quảng Nam – Đà Nẵng và miền Trung, và càng không thể phủ nhận rằng, NXB đã có sự ưu ái đáng ghi nhận đối với những tác phẩm đầu tay của lực lượng viết văn trẻ.

Các tuyển tập thơ văn hàng năm của các câu lạc bộ Thơ truyền thống thành phố Đà Nẵng, Câu lạc bộ nữ Tự khúc xanh... được xuất bản trong giai đoạn này cũng đã đem lại cho lớp người cao tuổi, chị em phụ nữ một không khí sinh hoạt văn hóa ấm áp, thân tình.  Mảng đề tài thiếu nhi cũng được chú trọng với các tập thơ văn, truyện cổ, truyện tranh thiếu nhi và đặc biệt, tuyển tập thơ văn “Nắng sớm” ra đời là một cố gắng lớn để “các em có mảnh sân chơi văn học” như chủ trương của Ban Giám đốc và Ban biên tập NXB, đã xuất bản được 4 tập trong hai năm 1998, 1999, dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí và phát hành.

Và, như là sự thăng hoa của một chặng đường dài 15 năm làm sách văn học tại NXBĐN, năm 1995 Tuyển thơ miền Trung thế kỷ XX, năm 1998 Ttuyển văn miền Trung thể kỷ và năm 2001 Tuyển tập Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX ra đời, đúc kết 330 gương mặt thơ, 131 gương mặt văn xuôi và 113 cây bút lý luận phê bình văn học sinh ra tại miền Trung hoặc gắn bó với dải đất miền Trung suốt chiều dài một thế kỷ văn học. Bộ Tuyển thơ được báo Lao động số xuân 1997 bình chọn là cuốn sách “ấn tượng về văn hóa văn nghệ năm 1996”, Bộ Tuyển văn được Hội nghị các nhà văn miền Trung lần thứ I (1998) trân trọng giới thiệu như là một công trình văn hóa thế kỷ.

Trong chặng đường 15 năm tiếp theo, nhiều tác phẩm văn học của NXB tiếp tục được trao các Giải thưởng VHNT Trung ương và các địa phương. Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng và Hội Nhà văn Đà Nẵng trong giai đoạn này càng có sự cộng tác gắn bó với NXB và đã phối hợp mật thiết để cho ra mắt bạn đọc những tác phẩm văn học đáng chú ý của thành phố: Ấn tượng Đà Nẵng (2002), Thành phố năm ngọn núi (2003), Văn & Thơ - Tác giả Tác phẩm Đà Nẵng đoạt giải 1975 - 2005 (2005), Văn học Đà Nẵng 1997 - 2007 (2008), Gởi lòng con đến cùng Cha (2009), Hà Nội ngàn năm thương nhớ (2010), Bút ký Đà Nẵng 1997 - 2010 (2010), Truyện ngắn hay Non Nước (2011), Nhà văn Việt Nam hiện đại tại Đà Nẵng (2012), 40 năm truyện ngắn Đà Nẵng 1975 – 2015 (2015)...

Nhìn lại những đầu sách văn học đã xuất bản trong suốt hành trình 32 năm qua, với sự cộng tác nhiệt tình của Cộng tác viên và bạn đọc, NXBĐN có cơ sở để tự tin và hy vọng khi bước tiếp chặng đường tiếp theo trên hành trình xuất bản đang chịu nhiều thử thách của mình.

Nguyễn Kim Huy