Nhạc sĩ Phú Quang và những bản tình ca mùa đông
Các bản tình ca của nhạc sĩ Phú Quang luôn sâu lắng ngọt ngào nhưng có lẽ trầm sâu đẹp nhất, lãng mạn nhất là các nhạc phẩm về mùa đông. Những bản tình ca mùa đông của ông ẩn hiện như thực như mơ mà chan chứa phiêu bồng như tình yêu, như nỗi nhớ và niềm mong đợi...
Bốn mùa trong một năm, nhưng không có mùa nào lại mang nhiều tên gọi như mùa đông: mùa yêu, mùa cưới, mùa kỷ niệm, mùa của nỗi nhớ niềm yêu, của sự chờ đợi trông ngóng mỗi khi đông về. Mùa đông ký ức ùa về với niềm vui, nỗi buồn và cả nỗi đau nhưng cũng chẳng thể nhạt nhòa bởi dấu ấn của ký ức mùa đông luôn quá lớn và quá sâu đậm.
Mùa đông chết vào đầu của mùa xuân, để rồi được sinh ra một lần nữa khi cuối thu, mùa heo may lả lướt ra đi để nghe bước chân mùa đông đến thật nhẹ nhàng. Gió heo may đã làm khô bờ môi nhạt màu nhưng nỗi nhớ mùa đông, mùa đông Hà thành thật ấn tượng đến nỗi Phú Quang "Tôi muốn mang Hồ Gươm đi" bởi một tình yêu Hà Nội vô bờ: "Sao hồ Gươm biết tôi chia xa/ Mà run run cho từng bóng cây nhòa,/…/Tôi muốn mang Hồ Gươm đi trú đông,/Nhưng làm sao, mang nổi được sông Hồng./Làm sao gói nổi heo may rét,/Thôi đành để hồ cho gió bấc trông./Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây,/Mà trùm yêu thương lên bóng vai gầy,/Mà lau mắt tôi bằng ngàn con sóng,/Mà thả trời xanh xuống trên từng nhánh cây"…
Miền ký ức mùa đông có bóng dáng người xưa bé nhỏ trên phố vắng chiều đông, có nụ hôn lạnh dại, có vòng tay khát khao hơi ấm để cảm nhận một chiều đông giá lạnh, bơ vơ nỗi nhớ về người xưa xa rồi chỉ còn chiều đông hoang vắng ngác ngơ và tình đông còn nồng nàn miền ký ức lặng im đông giá. Và Phú Quang cho rằng: "Hạnh phúc là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nó sáng và trong như pha lê những rất mỏng manh và dễ vỡ", như một chiều đông thoáng bóng giai nhân đã xa vời sương khói đến mong manh: "Chiều đông sương giăng phố vắng/Hàng cây lặng câm, tháp cổ mặc trầm/Ta còn chờ ai, nhạt phai sắc nắng/heo may tan nhòa, bao giấc mơ xưa/… /Chợt nhớ ngày ấy/ khi em qua phố một chiều, trao cho ta ấm nụ hôn lạnh / và vòng tay khao khát mong manh/ Chiều nay mình ta lang thang trên phố nhạt nhòa/Sương giăng trắng niềm mong chờ/Chợt chiều đông lạnh giá đến bơ vơ..." (Lãng đãng chiều đông Hà Nội).
Trong "Em ơi, Hà nội phố" những nốt nhạc của Phú Quang trầm ấm, dịu dàng và chậm rãi đưa ta về một nỗi nhớ mùa đông Hà Nội trầm mặc với hàng cây góc phố, mái ngói rêu phong cổ kính… "Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông/Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông/Mảnh trăng mồ côi mùa đông/Mùa đông năm ấy/Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân".
…Mùa đông lặng lẽ đến khiến con tim trở nên bồi hồi, ngẩn ngơ nhớ về những điều đã thành miền ký ức rời xa. Thế nên, mùa đông lạnh giá sẽ ấm áp khi nỗi nhớ đánh thức trong lòng người xa xứ niềm mong ước được gặp lại mùa đông quê hương trong niềm khát khao dâng trào. Nỗi nhớ mùa đông thành nỗi mong mỏi bỏng cháy được về với mùa đông quê mình nơi phố thị xa xưa. "Làm sao về được mùa đông/Dòng sông đôi bờ cát trắng/Làm sao về được mùa đông/Để nghe chuông chiều xa vắng/Thôi đành ru lòng mình vậy/Vờ như mùa đông đã về" (Nỗi nhớ mùa đông).
Và trong dòng chảy của mùa đông tuôn trào đó có một dáng tóc dài bay chảy trong mùa đông giá buốt đã trở thành niềm thương đau đáu, nỗi nhớ day dứt trong những chiều đông rét mướt. Và hình ảnh đó đã trở thành một bản tình ca mùa đông "bỏng rát tiếng ca buồn": "Thương lắm thương lắm tóc dài ơi/ một đời long đong long đong thân cò lặn lội /…/Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá rét/ Em vẫn âm thầm đi về đâu để ta thương lắm/ Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che" (Thương lắm tóc dài ơi! ).
"Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che" lời ca và nốt nhạc như chơi vơi đau nhói trong chiều đông rét mướt, lạnh thấm vai gầy, xuyên thấu trái tim đau! Thương lắm cánh cò đã mỏi trong giá rét mùa đông!
Nếu không có một Phú Quang đa tài, đa tình lãng mạn đến hào hoa thì đã không có một bản tình ca phiêu lãng, lặng đau mà gào thét bão giông bóp nghẹt con tim đến như vậy!...
Nét lãng mạn trong những lời ca, sự trầm lắng trong các nốt nhạc hào hoa của nhạc sĩ Phú Quang làm nên những bản tình ca có ngọt ngào, có đắng chát, có xót xa tiếc nuối nhưng trên hết là mang đến sự nồng ấm cho những mùa đông không còn sướt mướt lạnh giá nữa mà còn có dòng chảy ấm áp nồng say của tình người tình đời.
Ca sĩ Minh Chuyên người thể hiện thành công các ca khúc của Phú Quang từng thổ lộ rằng "Với âm nhạc Phú Quang, tôi luôn chân thành, cũng không bao giờ hết hồi hộp để thấy rằng đam mê vẫn đang cuồn cuộn chảy trong tôi, không bị trơ lì xúc cảm. Tôi đếm từng ngày để được đắm chìm trong những tình khúc của ông. Bởi khi hát nhạc Phú Quang, tôi như tìm thấy chính mình trong đó và rất muốn sẻ chia với người nghe thông qua âm nhạc. Tôi thích sự lãng đãng đến hoang hoải, say đắm đến nồng nàn của âm nhạc Phú Quang... Từ khi hát nhạc của ông, tôi thấy mình đàn bà hơn, biết chịu đựng, biết chấp nhận hơn và cũng biết buông bỏ hơn. Nói chung là tôi khác nhiều từ khi hát nhạc Phú Quang".
Và những bản tình ca mùa đông lãng đãng sương khói, những ca từ da diết hoài niệm, những nốt nhạc chợt chơi vơi, chợt trầm lắng của Phú Quang đọng lại trong tâm tưởng người nghe những niềm dấu yêu, những nồng nàn say đắm, làm nên một nét lãng mạn phiêu bồng mà mê hoặc của những mùa đông đã đi qua một kiếp người, để phiêu lãng mà ấm áp chân tình .
Nguyễn Thị Ngọc Lan
Mới thôi… mà đã một đời Là chủ đề của đêm nhạc tưởng nhớ một năm ngày cố nhạc sĩ tài hoa Phú Quang rời cõi tạm, sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối nay (8-12). Đêm nhạc do gia đình nhạc sĩ Phú Quang tổ chức, không bán vé để dành tặng một không gian âm nhạc ấm cúng cho người thân, bạn bè và những tri kỷ của ông, với sự góp mặt của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, ca sĩ Tùng Dương, Ngọc Anh, nghệ sĩ piano Trinh Hương, nghệ sĩ fute Lê Thư Hương. Chương trình do chính con gái cố nhạc sĩ chỉ đạo nghệ thuật (nghệ sĩ piano Trinh Hương) - là nén tâm nhang mà những người con, những người cộng sự thân thiết muốn dành tặng cho nhạc sĩ Phú Quang đúng một năm ngày ông về cõi hư vô… B.T |