Nhận dạng thành tích “ảo”
(Cadn.com.vn) - Những ngày gần đây trên một số trang báo điện tử, mạng cá nhân xuất hiện nhiều bài viết, những chia sẻ... khác thường xung quanh kết quả học tập cuối năm của học sinh tiểu học, THCS...
Đó là những ý kiến, suy nghĩ của nhiều phụ huynh (PH) về “tình trạng” học sinh giỏi (HSG) của con em mình hiện nay. Trước bảng điểm tổng kết đẹp rực rỡ của các con vào cuối năm học, nhiều bậc PH không những không vui mà cảm thấy lo lắng rõ rệt. Có vị PH là một nhạc sĩ nói rằng đã vỗ tay cảm ơn đứa con trai học lớp 5 là một trong 4 học sinh tiên tiến của lớp cuối năm.
Một PH khác chia sẻ trên Facebook của mình: “Vậy là đã hết 1 năm học, kết thúc bậc tiểu học chuẩn bị một nấc thang mới trong cuộc đời học sinh của con. Năm nay có một sự khác biệt so với 4 năm học trước, đó là trên cái giấy khen thay vào chữ giỏi là chữ khá. Con có bí quyết nào để tạo ra sự khác biệt lớn vậy?
Con có biết mẹ cực kỳ yêu thích sự khác biệt không?...”. Lại có PH không ngần ngại chia sẻ rằng nhìn điểm tổng kết của con trên 9 phẩy mà không thấy vui. Cứ thấy chông chênh sao ấy vì chẳng biết thực sự con mình đang ở đâu...
Giờ học của học sinh tiểu học. |
Vì đâu xuất hiện những sẻ chia đầy lo lắng, ưu tư như thế trước một kết quả lẽ ra phải mừng mới phải? Phải chăng đã đến lúc nhiều người đã nhận ra mối nguy hại của căn bệnh thành tích cố hữu, trầm kha của giáo dục.
Lâu nay, ở hầu hết các trường tiểu học, rất nhiều trường THCS, tổng kết mỗi năm học đều đưa ra bảng thành tích chói sáng từ 90-100% HS đạt danh hiệu HSG. Không ít người còn quan niệm vài ba em HSTT đã là “hiện tượng lạ”, “cá biệt” trong lớp, cần phải bồi dưỡng, uốn nắn. Thậm chí các HSTT ấy còn không được phát thưởng cuối năm, hoặc chỉ được “chiếu cố” phát thưởng để động viên khiến các em cảm thấy tự ti với các bạn giỏi...
Căn bệnh thành tích ấy có từ giáo viên lẫn PH. Không ít GV phải chịu áp lực lớn về thành tích chung của nhà trường vì lớp có một vài HS trung bình mà bị hạ bậc thi đua cuối năm. Không ít PH bằng mọi cách để con mình đạt HSG để “làm đẹp” bảng thành tích khi thi vào các cấp học cao hơn, hoặc chỉ để khoe với họ hàng, đồng nghiệp, cơ quan...
Cho đến hôm nay... Ai đó là dũng cảm tiên phong lên tiếng trước công luận về những bảng điểm “ảo” của con mình và lập tức đã và đang có nhiều người hưởng ứng vì thấy đó là việc đúng, phải nói, phải suy nghĩ. Nhiều người tỏ ra băn khoăn không biết bao nhiêu phần trăm trong cái danh hiệu “học sinh giỏi” của con mình là thực lực.
Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại đúng thực trạng vấn đề học hành của con em mình. Việc làm này phải bắt đầu từ nhiều phía. Trước hết, thầy cô giáo hãy đánh giá đúng lực học của HS để có hướng dìu dắt, hỗ trợ các em ngày càng tiến bộ hơn, đó là cách để giúp các em bước vào tương lai một cách tự tin nhất, thực chất nhất. Ngành giáo dục cũng cần điều chỉnh lại cách đánh giá năng lực giáo viên không chỉ bằng việc “đếm” số HSG để xếp loại GV cuối năm.
Các bậc cha mẹ cũng hãy tỉnh ngộ trước kết quả “ảo” lâu nay của con em mình bởi nó sẽ đem lại hậu quả rất lớn cho các em trong tương lai khi các em cứ luôn nghĩ mình giỏi và không nỗ lực học tập. Chúng ta hãy tin rằng một đứa trẻ không có kết quả học tập giỏi chắc chắn không phải là người kém cỏi khi trưởng thành...
Nói rộng hơn, từ sự “thức tỉnh” này, bệnh thành tích ở nhiều lĩnh vực khác của nền giáo dục cũng cần được xóa bỏ, ngăn chặn, nếu không, những hệ lụy đáng buồn, hậu quả càng về sau càng không lường trước được.
Khánh Nguyên