Nhận diện bán hàng đa cấp bất chính

Thứ tư, 18/05/2016 11:18

(Cadn.com.vn) - Ngày 17-5, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về bán hàng đa cấp cho đại diện các đơn vị kinh doanh đa cấp và người dân thành phố.

Nhiều DN đáng nghi

Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tính đến thời điểm này, Đà Nẵng đang có hơn 30 đơn vị kinh doanh bán hàng đa cấp hoạt động, nhưng chỉ mới có 7 cơ sở tiến hành đăng ký với Sở Công Thương, 23 cơ sở còn lại đều viện các lý do chưa hoàn thiện hồ sơ, hoặc chưa đủ điều kiện thành lập các văn phòng, chi nhánh nên chưa hề đăng ký. Khi tiến hành kiểm tra, phần lớn cá nhân và điểm hoạt động đa cấp đều không xuất trình được giấy phép đăng ký rõ ràng, chỉ hoạt động tự phát đơn lẻ, rất khó nắm bắt được cụ thể nội dung kinh doanh.

Cũng theo ông Kha, hiện nay có nhiều đơn vị kinh doanh đa cấp trên địa bàn hoạt động khá phức tạp, có biểu hiện tiêu cực, dụ dỗ người tham gia các phương án kinh doanh không minh bạch, lợi dụng lòng tham và quan niệm “làm giàu nhanh” để trục lợi trong kinh doanh đa cấp. Trong đó, nhiều đơn vị kinh doanh đã bị các cơ quan chức năng đặt nghi vấn và yêu cầu phải giám sát hoạt động, như Liên Kết Việt, Thiên Ngọc Minh Uy... Riêng mạng lưới kinh doanh Liên Kết Việt, hiện vẫn có hơn 600 người tham gia kinh doanh ở Đà Nẵng, khoảng 50% là người của các tỉnh lân cận.

Theo Chi cục QLTT Đà Nẵng, trong tháng 4-2016, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 4 đơn vị bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố, lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính đối với 3 đơn vị (gồm CN Công ty CP Everrishs, cơ sở Hoàng Gia Phúc, CN Cty TNHH Elken International Việt Nam), thu xử phạt 92,5 triệu đồng với các lỗi chủ yếu là kinh doanh hàng hóa chưa đăng ký hoạt động BHĐC, vi phạm về nhãn hàng hóa.

“Hình thức kinh doanh đa cấp phổ biến tại Đà Nẵng đang là sử dụng chính các hộ kinh doanh cá thể để tập kết hàng hóa, đưa sản phẩm bán lẻ vào tận gia đình người dùng, không có dấu hiệu tồn trữ hàng hóa số lượng lớn, nên rất khó phát hiện và không đủ cơ sở đề nghị xử lý vi phạm.  Vì vậy, Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát phát hiện xử lý và ngăn chặn kịp thời  các đơn vị kinh doanh đa cấp biến tướng”, ông Kha nói.

Cty HGI có hành vi lừa đảo kinh doanh đa cấp tại Đà Nẵng bị cơ quan chức năng đánh sập năm 2015.

Cách thức nhận diện

Theo ông Phan Đức Quế, Trưởng phòng Điều tra và Xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, doanh thu hoạt động đa cấp mang lại khá lớn. Cụ thể năm 2015 doanh thu của hệ thống bán hàng đa cấp đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2014.  Đối tượng tham gia phần lớn là sinh viên, người lao động, nội trợ, cán bộ về hưu với 900 ngàn người tham gia hệ thống và tổng số hoa hồng chi trả cho người tham gia 2.700 tỷ đồng. Khoảng 9.000 mặt hàng hóa đưa vào hoạt động kinh doanh đa cấp, chủ yếu là thực phẩm chức năng chiếm 83%, mỹ phẩm chiếm 10%, còn lại là thiết bị đồ gia dụng, quần áo thời trang...

Ông Quế cho rằng, bản chất của bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh tốt nhưng vì lòng tham vì lợi nhuận một số đơn vị đã bất chấp mọi thủ đoạn để dụ dỗ lôi kéo, thậm chí là lừa đảo người dân. Để tránh “tiền mất, tật mang”, ông Quế lưu ý khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp cần tìm hiểu thật kỹ DN như tình trạng đăng ký, uy tín của DN, cách thức hoạt động, chính sách trả thưởng và các sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp, rồi mới ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; thứ hai, cần nắm rõ quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để biết và bảo vệ quyền lợi chính đáng mà mình được hưởng; thứ ba, cần cảnh giác trước công dụng của sản phẩm, về lợi ích khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và các khoản hoa hồng, tiền thưởng chi trả từ hoạt động bán hàng của DN và các nhà phân phối; thứ tư, mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối là 40% doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp của DN. Vì vậy, mọi cam kết chi trả lớn hơn 40% đều vi phạm quy định của pháp luật; thứ năm, cần lưu ý sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Đối với nhà phân phối có quyền yêu cầu DN mua lại lượng sản phẩm chưa sử dụng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. DN bán hàng đa cấp có nghĩa vụ mua lại các sản phẩm này với mức giá không thấp hơn 90% giá đã bán cho nhà phân phối.

“Trong trường hợp, quyền và lợi ích của người tham gia bị xâm hại, hoặc nhận thấy DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đề nghị liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh, hoặc Sở Công thương hoặc cơ quan CA để được hỗ trợ”, ông Quế nói.

Xuân Đương