Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6: Có một nơi để về...

Thứ hai, 28/06/2021 14:12

Hạnh phúc…

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững được. Từ năm 2001, ngày 28-6 được xem là ngày Gia đình Việt Nam nhằm để nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và việc bảo tồn, phát huy trong cuộc sống hôm nay...

"Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc". Câu nói quen thuộc ấy ngẫm ra càng thấy hai tiếng "gia đình" thân thương biết nhường nào. Nhưng, để có được điều này thì mỗi người cần phải biết trân trọng, nâng niu những giá trị "vô hình và hữu hình" của gia đình, từ đó cần có sự quan tâm, chia sẻ, dành thời gian để xây dựng, vun đắp cho tổ ấm gia đình của mình. Bởi vì, một trong các chức năng cơ bản của gia đình là giáo dục, gia đình được xem là "mái nhà đầu tiên" mỗi người thực hiện quá trình bao gồm ngay từ nhỏ, việc đứa trẻ học tập (được chỉ dẫn) về những cách thức, quy định mang tính chuẩn mực để tham gia vào các hoạt động của đời sống gia đình và xã hội sau này. Chức năng này giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của một gia đình, một dòng tộc và của quốc gia. Vì vậy, dân gian có câu: "Dạy con từ thủa còn thơ". Tuổi thơ là quãng thời gian mỗi đứa trẻ gắn bó với cha mẹ nhiều nhất từ bữa ăn, giấc ngủ đến chơi đùa, học tập hay lao động. Giáo dục gia đình trong giai đoạn này có ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành nhân cách của một con người.

Truyền thống gia đình Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được lưu giữ. Về mặt tích cực, giá trị và những chuẩn mực đạo đức gia đình truyền thống vẫn được kế thừa và phát triển trong điều kiện mới. Mặt khác, những ảnh hưởng tiêu cực của đời sống xã hội ngày càng làm cho một số giá trị văn hóa gia đình, nền nếp, lối sống của gia đình truyền thống tốt đẹp bị mai một. Không ít phụ huynh vì nhiều lý do như bận rộn với việc mưu sinh, hoặc vì những lý do khác nên thiếu thời gian dành cho gia đình, thiếu thời gian cho con, dạy dỗ con mà gần như phó thác cho nhà trường. Mà thực tế, giáo dục của nhà trường chỉ là sự tiếp nối của giáo dục gia đình, chứ tuyệt nhiên không thể thay thế cho giáo dục gia đình trong việc xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ nên cần sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục của gia đình, giáo dục của phụ huynh. Cốt lõi của giáo dục từ gia đình luôn hướng tới phẩm hạnh hiếu thảo, lòng biết ơn, coi trọng gia đình. Trong giáo dục gia đình, con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của cha mẹ để bắt chước, học theo. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nền nếp gia đình vẫn là cơ sở để gia đình Việt Nam phát triển vì nó đã được hun đúc từ đời này sang đời khác và luôn luôn tỏa sáng cùng với thời gian.

Tuy nhiên hiện nay, gia đình còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân đã và đang tác động mạnh mẽ đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một và có biểu hiện xuống cấp; tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình; tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng; khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng rộng ra, sâu hơn; mối liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo; không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà dần dần bị ảnh hưởng.

Để gia đình trở thành bến đỗ bình yên hạnh phúc, là nơi duy trì được bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi gia đình và của xã hội, đồng thời tiếp thu được cái hay, cái mới, các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam, phải dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh nhằm giáo dục các thành viên trong gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.

Năm 2021, kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 với thông điệp "Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc" thông qua các thông điệp như: Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn; Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực; Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc; xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng môi trường gia đình - cộng đồng - xã hội an toàn, lành mạnh. Mỗi năm, Ngày Gia đình Việt nam như nhắc nhở tất cả mọi người hãy quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam. Đây cũng chính là cách để giữ gìn hạnh phúc, mái ấm và giữ gìn nề nếp, gia phong của mỗi gia đình, trân trọng, bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam. Gia đình, là một nơi để về...

THẢO NGUYÊN