Nhân ngày quốc tế Người cao tuổi (1-10): Chuẩn bị cho một tuổi già khỏe mạnh và hạnh phúc

Thứ tư, 02/10/2019 17:39

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) trên tổng dân số tăng lên với tốc độ nhanh chóng, từ 8,1% (năm 1999) lên 8,6% (2009) và hiện nay là khoảng 12%, tương đương khoảng 11,9 triệu người.

Tỷ lệ dân số cao tuổi càng lớn, gánh nặng bệnh tật và tử vong, nhất là với các bệnh không lây nhiễm, càng lớn, điều này đặt ra những vấn đề cần giải quyết để bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Những người cao tuổi cần được chăm sóc, phục hồi chức năng cả về sức khỏe và tinh thần. Ảnh: TTXVN

Chăm sóc người cao tuổi còn nhiều thách thức

Công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Trong tổng số hơn 11,9 triệu người cao tuổi hiện nay còn một bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già; một bộ phận vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống; một số chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe; một số ít chưa được người thân quan tâm; một số người cô đơn, không nơi nương tựa. Đặc biệt, người cao tuổi có ít cơ hội được tập huấn, đào tạo nghề; gặp khó khăn trong việc vay vốn để phát triển sản xuất-kinh doanh vươn lên thoát nghèo.

Việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chất lượng chăm sóc sức khỏe, khả năng chi trả của người cao tuổi cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế. Mặc dù tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng nhưng mạng lưới y tế cho người cao tuổi vẫn chưa được phát triển, nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng còn thiếu; kỹ năng phát hiện, điều trị và chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế. Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục (Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình) Mai Xuân Phương cho rằng, hệ thống an sinh xã hội hiện nay của Việt Nam chủ yếu là dành cho trẻ em nhưng trẻ em thì càng ngày càng ít, số lượng người cao tuổi lại gia tăng nhanh chóng. Đơn cử như trong việc chăm sóc sức khỏe, trẻ em có rất nhiều bệnh viện nhi nhưng cả nước chỉ có mỗi một Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chưa có bệnh viện lão khoa khu vực.

Đảm bảo cho người cao tuổi hòa nhập xã hội

Để đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi trong xu hướng già hóa dân số, các nhà nghiên cứu cho rằng cần nâng cao nhận thức về những thách thức của già hóa dân số và đời sống của người cao tuổi đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách và cộng đồng.

Nhà nước cần giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội nhằm đảm bảo và cải thiện thu nhập của người cao tuổi có được từ lao động và hưu trí như khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; trợ cấp xã hội cho nhóm người cao tuổi dễ tổn thương theo hướng mở rộng… Ngoài ra, Nhà nước cần phát triển mạnh mẽ hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội và các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi; xây dựng và củng cố mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là mạng lưới kiểm soát các bệnh mạn tính.

Vấn đề môi trường sống thân thiện, đi lại thuận lợi cho người cao tuổi ở cả đô thị, nông thôn cũng cần được quan tâm bằng cách đầu tư xây dựng công viên, vườn cây, sân chơi cho nhà chung cư cao tầng, nhà văn hóa làng để người cao tuổi gặp nhau và giao lưu với thế hệ trẻ; thiết kế các làn đường đặc biệt và các phương tiện thuận tiện; đảm bảo đường, lối đi và tiện ích công cộng dễ sử dụng và an toàn… Nhà nước cần nhanh chóng có hướng tiếp cận toàn diện để thích ứng và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ dân số, chuẩn bị cho một xã hội già trong tương lai.

Việc xây dựng các chính sách liên quan cần xuất phát từ cách nhìn nhận người cao tuổi là nguồn lực cho phát triển chứ không phải là những người thụ hưởng các dịch vụ xã hội một cách thụ động. Trong đó, phải đặt trọng tâm vào việc giúp người cao tuổi có một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc.

V.P (st)