Nhân rộng hơn nữa các nhân tố mới, điển hình tiên tiến

Thứ ba, 20/08/2019 07:45

Ngày 19-8, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức chương trình giao lưu điển hình toàn quốc 2019 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đồng chí lãnh đạo, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các điển hình tiêu biểu tại chương trình giao lưu.

Đến dự chương trình có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Võ Văn Thưởng - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, các đơn vị có điển hình khu vực và toàn quốc; một số điển hình tiêu biểu, các nhân chứng lịch sử.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Với mỗi chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc bồi dưỡng, xây dựng và nêu gương người tốt, việc tốt. Người từng căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những mong muốn của Người vẫn luôn là động lực phấn đấu và hành động của mỗi chúng ta.

Thủ tướng nêu rõ: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Chương trình Giao lưu toàn quốc là dịp để giới thiệu, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, điển hình tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua, tạo sức lan tỏa từ các gương người tốt, việc tốt trong toàn Đảng và toàn xã hội, làm cho việc thực hiện Chỉ thị 05 ngày càng đi vào chiều sâu, có kết quả thực chất. Từ đó, củng cố và bồi đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong  việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Báo Công an TP Đà Nẵng xin giới thiệu 3 gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019:

Học tập Bác mỗi ngày

Thượng úy A Hí 

Là một quân nhân, Thượng úy A Hí (32 tuổi, Trung đội trưởng, Đại đội Huấn luyện, Tiểu đoàn 19, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum) được coi là tấm gương tiêu biểu cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ noi theo vì luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện không ngừng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Được chọn là cá nhân tiêu biểu dự chương trình giao lưu, A Hí cho rằng, đó là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng gắn với trách nhiệm lớn lao. “Tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với ghi nhận của Đảng, Nhà nước và đơn vị”, Thượng úy A Hí cho biết.

A Hí được chỉ huy đơn vị tin tưởng, giao chịu trách nhiệm chính trong huấn luyện thể lực mà trực tiếp là môn Bơi. Với kiến thức, phương pháp đã được học tại trường, kết hợp với kinh nghiệm tích lũy được qua các lần tham gia hội thao cấp Bộ Chỉ huy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, A Hí đã mạnh dạn đề xuất các giải pháp phù hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện bơi cho chiến sỹ mới: Từ việc hướng dẫn kỹ thuật động tác, trình tự các bước, công tác đảm bảo an toàn, chuẩn bị các giải bơi, vị trí luyện tập kỹ thuật dưới nước..., qua đó, 100% chiến sỹ mới đã biết bơi, trên 80% thành thạo động tác bơi ếch.

“Mỗi khi đơn vị triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đã giúp tôi thấm nhuần và hiểu nhiều hơn về cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ, để tiếp tục nỗ lực phấn đấu”, Thượng úy A Hí chia sẻ.

Là cán bộ phải gương mẫu

Chị Lê Thị Lụa 

Là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Thành, H. Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, chị Lê Thị Lụa được người dân vùng núi cao yêu mến gọi là nữ “thuyền trưởng” vì đã có công đưa kinh tế của xã phát triển nhanh chóng. Năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và thưởng 200 triệu đồng; được Chính phủ tặng Bằng khen và thưởng 1 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 10,5% năm 2011 nay giảm xuống còn 2,18%; thu nhập bình quân đầu người từ 8,5 triệu đồng/năm nay đạt 30 triệu đồng/năm; từ chỗ cả xã chỉ có 2km đường bê-tông, nay các đường trục chính và đường về các thôn, xóm đã cơ bản được bê-tông hóa.

Đạt được nhiều thành tích như vậy nhưng vị lãnh đạo vùng cao vẫn khiêm tốn cho rằng mình chưa làm được nhiều cho dân mà cần phải cố gắng hơn nữa. “Tôi xác định học tập Bác Hồ không phải là học việc gì lớn lao. Học tập Bác Hồ về tác phong bình dị, giản dị, phong cách làm việc biết kính trên, nhường dưới, vì mọi người. Bên cạnh đó là học theo các bậc lãnh đạo đi trước và học ở dân. Phải xuống để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân”, chị Lê Thị Lụa chia sẻ.

Chị Lụa cho rằng, muốn tạo được sức mạnh tổng hợp, để người dân đồng lòng thì lãnh đạo phải nêu gương, làm trước. Đó cũng là lý do vợ chồng chị sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường. Hành động đó đã lan tỏa khiến nhiều người khâm phục, làm theo. Nói về cảm xúc khi được chọn về Thủ đô tham dự chương trình giao lưu, chị Lê Thị Lụa cho biết chị không bao giờ nghĩ sẽ có ngày này, những nỗ lực của mình được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận là động lực lớn nhất để tiếp tục cống hiến.

Kỳ tích của chàng quân nhân

Đại úy Nguyễn Văn Thuận

Một trong những tấm gương điển hình về tình yêu nghề và say mê công việc là Đại úy Nguyễn Văn Thuận (Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân). Mới 28 tuổi nhưng Thuận đã lập được kỳ tích trong sự nghiệp của bản thân, để lại nhiều dấu ấn. Anh sẽ còn được các thế hệ đồng nghiệp nhắc đến nhiều lần vì là phi công đầu tiên lái thủy phi cơ DHC-6 về Việt Nam. Với hơn 1.450 giờ bay huấn luyện và nhiệm vụ tích lũy, anh trở thành phi công cấp 1 - cấp cao nhất của phi công quân sự Việt Nam ở độ tuổi còn rất trẻ.

Đại úy Nguyễn Văn Thuận kể, năm 2013, anh tốt nghiệp và nhận bằng phi công thương mại ở Canada, chuẩn bị về nước thì được các thủ trưởng giao nhiệm vụ mới: ở lại làm trợ giảng, phiên dịch các lớp kỹ thuật máy bay. Bên cạnh đó anh tham gia chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt khác: đưa máy bay DHC-6 đầu tiên từ Canada về Việt Nam. Phi công Nguyễn Văn Thuận là phi công đầu tiên và duy nhất của Hải quân Việt Nam được thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Chuyến bay kéo dài 50 giờ bay trên không, đi qua 7 sân bay, 5 quốc gia và trong 10 ngày.

Chia sẻ bí quyết dẫn đến thành công, Thuận cho biết tất cả đều xuất phát từ niềm nam mê, chịu khó học hỏi, tìm tòi. Bố mẹ đều là nông dân nên không hề có sự hỗ trợ nào từ người thân, chàng thanh niên gốc Nam Định cho biết, anh thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn là sinh viên của Học viện Hải quân, đó là tính tự giác học tập, tự nghiên cứu. Đó cũng là lý do để anh vượt qua được rào cản ngôn ngữ và tốt nghiệp với số điểm cao sau khi kết thúc khóa học ở Canada.

Q.NHƯ – Q.HOA