Nhân tố con người
(Cadn.com.vn) - Nhìn lại công cuộc kiến tạo kể từ mùa xuân năm 1997 đến nay, hàng chục vạn người dân đã phải hy sinh, cống hiến nhiều không kể xiết: Hiến đất mở đường, di dời nhà cửa; đóng góp tiền của, công sức xây dựng các công trình; xông xáo trong các phong trào thi đua, nỗ lực vượt khó vươn lên, tạo công ăn việc làm cho bản thân cũng như góp ích cho cộng đồng; đóng thuế, phí cho ngân sách địa phương; phát huy tài năng, trí tuệ, hiến kế xây dựng, phát triển thành phố...
Để đáp lại những hy sinh, cống hiến to lớn của nhân dân, trải qua 5 nhiệm kỳ Đại hội, các cấp, các ngành với vị lãnh đạo tài năng, tâm huyết, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm... đã ra sức đưa Đà Nẵng từ chỗ chỉ là một đô thị nghèo nàn, đò giang cách trở, trở thành một trong những đô thị hiện đại bậc nhất khu vực, đồng thời không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân.
Giàu có, khấm khá thì chưa dám nói, nhưng chúng tôi tin chắc rằng, cuộc sống của người dân Đà Nẵng hôm nay đã cải thiện đáng kể, vượt lên mặt bằng chung một số địa phương trong khu vực. Đà Nẵng nằm trong số không nhiều các địa phương bạo dạn thực hiện những chủ trương rất khó thực hiện, như “5 không”, “3 có”, “4 an”. Trong đó, riêng mục tiêu “3 có” là có nhà ở; có việc làm; có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tuy vẫn tiếp tục phấn đấu rất quyết liệt nhưng đã phần nào trở thành hiện thực trên phạm vi rộng. Nếu nhìn xa vào lịch sử và hiểu một cách cặn kẽ, có thể thấy rằng, “3 có” thực sự là ước muốn nhiều đời, là mục tiêu nhân văn sâu sắc, đòi hỏi những nguồn lực, nỗ lực rất lớn.
Hình ảnh nhân văn của Đà Nẵng. Ảnh: Quán Chúng |
Hiểu cho cặn kẽ, việc chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân hoàn toàn không phải “đền ơn đáp nghĩa”, mà chính là kế sách lớn của công cuộc xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trong thế kỷ này – chính là một trong những cách thức dung dưỡng, phát huy nhân tố con người. Chính quyền thành phố đã, đang và sẽ có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm phát huy tối đa tiềm năng con người. Hiện nay, thành phố đã ban hành những chính sách và tạo điều kiện tốt nhất cho phong trào khởi nghiệp; các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo, đổi mới công nghệ; kêu gọi các nhà đầu tư tầm cỡ về giáo dục – đào tạo; bồi dưỡng, thu hút nhân tài đầu quân cho thành phố... Những việc như thế chắc chắn luôn là ưu tiên hàng đầu và triển khai thực hiện quyết liệt.
Chúng tôi hình dung rằng, Đà Nẵng không có tài nguyên khoáng sản gì nhiều, cũng sở hữu di tích lịch sử, văn hóa nào thực sự lớn để khai thác, đất đai cũng không quá rộng rãi và cơ bản hoàn thành việc chuyển quyền sử dụng đất đối với các khu “đất vàng” từ trung tâm thành phố đến ven biển cho các tổ chức, cá nhân rồi. Tiềm năng hiện hữu của Đà Nẵng hôm nay là trái tim, bàn tay và khối óc của gần một triệu cư dân thành phố. Có thể nói, đó là tất cả hành trang quan trọng nhất để tiến vào kỷ nguyên mới, hội nhập và phát triển. Và đó cũng chính là những “tài nguyên” thực sự của nền kinh tế tri thức thế kỷ XXI này.
Nguyên An