Nhanh một phút, chậm… cả đời!

Thứ tư, 15/01/2014 11:37

(Cadn.com.vn) - Mỗi câu chuyện viết ra tại Cuộc thi “Nhanh một phút- chậm cả đời” do Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng tổ chức không chỉ là số phận một con người đã hoàn toàn thay đổi sau TNGT mà hơn hết còn là bài học mang đầy thông điệp nhân văn với mọi người. Cuộc thi khép lại ngày 13-1, bên cạnh những “giải thưởng”  là những câu chuyện đẫm nước mắt, những bài học đớn đau làm thức tỉnh nhiều người...

ĐỪNG HỎI VÌ SAO

Mẹ ơi, vì sao ai cũng có 2 chân còn mẹ chỉ có một chân? Mẹ ơi, khi sáng cô giáo kể thằn lằn bị đứt đuôi sẽ mọc lại, vậy mẹ có mọc được chân khác không? Câu hỏi của đứa trẻ lên 5 khiến chị Thu Hiền (Bưu điện Q. Liên Chiểu) ám ảnh không nguôi. Chị viết: “21 tuổi tôi đón nhận một nỗi đau cứ gặm nhấm suốt 13 năm nay. Đó là cái ngày chiếc xe tải nghiến vào chân phải để rồi làm bạn với chiếc chân giả trong quãng đời còn lại. Bác sĩ bảo cố gắng lắm mới giữ được mỏm cụt 14cm để còn có thể ngồi vững và có thể đi chân giả…”. Bỏ lại rất nhiều hoài bão của tuổi 21, sau tai nạn với 2 tháng nằm viện chống chọi với cái chết, cuối cùng chị Hiền vượt qua, nhưng cuộc đời thì rẽ sang hướng khác. Trước khi tai nạn chị đã thi đậu vào công chức ngành Bưu điện Đà Nẵng, nhưng từ khi “còn một chân”, công việc trở thành  rào cản lớn với chị.

Rất may năm 2005, khi tham dự Para Games tại Philippines, chị Hiền được một nhà báo viết bài về tấm gương nghị lực của chị rồi liên hệ bên Bưu điện Đà Nẵng nhờ vậy chị được nhận vào làm việc. “Ngày cưới tôi, rất nhiều người tới tham dự đã khóc khi tôi bước xuống tiền sảnh. Họ khóc vì mừng cho tôi đã có được hạnh phúc cho riêng mình. Họ mừng cho tôi có một người chồng hiền lành và yêu thương tôi chân thành. Chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn để nắm giữ lấy hạnh phúc và rồi con trai ra đời trong niềm hân hoan”- Chị Hiền viết. Nhưng cậu con trai với tính tò mò con trẻ luôn đặt những câu hỏi về đôi chân mẹ khiến chị Hiền chỉ biết lặng người đi. Chị giải thích đơn giản cho con nhưng cũng là lời nhắn gửi với mọi người: “Giá như bạn của mẹ nghe lời mẹ chạy đúng đường, đừng chạy nhanh vượt ẩu thì sự việc đáng tiếc đã không xảy ra”.

Vì một phút bất cẩn mà giờ đây Nguyễn Duy Thành (30 tuổi, Bố Trạch, Quảng Bình) hối hận cả đời. Thành kể, 2 năm trước khi đang làm việc tại Hà Nội, Thành về quê cưới vợ, một cô giáo dịu dàng, tốt bụng thì xảy ra TNGT. Lúc ấy vào mùa lũ, khi đôi trẻ đi đưa thiệp cưới mời bà con tới cầu sông Ngang nước dâng ngập hết không sang được. Thành đắn đo rồi chở người yêu vượt sông bằng cầu đường sắt gần đó. Nhưng vừa ra giữa cầu thì đoàn tàu ập đến…

Sau 14 tháng điều trị với 14 lần lên bàn mổ cuối cùng Thành vẫn phải cưa chân để đảm bảo sự sống cùng gánh nặng 500 triệu đồng tiền chữa trị. Từ một chàng thanh niên đang làm việc tại Hà Nội ổn định với bao khát vọng, hoài bão vậy mà chỉ một phút sơ sẩy, bất cẩn để rồi giờ đây Thành trở thành người tàn phế, chưa biết làm nghề gì để sống. Thành nói trong nghẹn ngào: “Tôi đến đây kể câu chuyện của mình không phải để nhận tiền hỗ trợ mà mong muốn từ trái tim là mọi người hãy nhìn vào trường hợp của tôi, để đừng bao giờ cẩu thả khi tham gia giao thông, để đừng có thêm những số phận, cảnh đời bất hạnh như tôi”.

Đại diện Ban ATGT TP.Đà Nẵng trao tiền hỗ trợ cho các nhân vật.

LAN TỎA THÔNG ĐIỆP NHÂN VĂN

Theo BTC đây là Cuộc thi đặc biệt, nhân văn vì nó “trao giải” cho những nhân vật trong bài viết chứ không phải cho các tác giả. Cuộc thi kéo dài 3 tháng bắt đầu từ 16-9-2013 đã thu hút hàng trăm bài viết, chuyện kể của những người trực tiếp trải qua TNGT và thân nhân của họ. 27 câu chuyện đã được chọn đăng tải trên Thanh niên miền Trung trong đó 3 nhân vật điển hình đã được chọn hỗ trợ tổng mức kinh phí 18 triệu đồng.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng (36 tuổi, Hòa Nhơn, H.  Hòa Vang, Đà Nẵng) làm lay động những trái tim và thức tỉnh ý thức ATGT với cộng đồng. Hơn 2 năm trước, chồng chị, anh Nguyễn Văn Vỹ là lao động chính trong nhà nuôi 7 miệng ăn, rất chịu khó làm ăn và hiếm khi nhậu nhẹt cùng bạn bè. Nhưng rồi vào Tết Độc lập, vì một chút quá chén với người thân, khi trở về nhà anh đã điều khiển xe máy đâm vào chiếc xe container đang đậu ven đường và tử vong sau 1 tháng nằm viện, để lại gánh nặng nuôi 5 con thơ (đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi) cho người vợ gầy yếu mang căn bệnh Viêm gan B giai đoạn cuối. Nhắc tới tai nạn của chồng, người phụ nữ ốm yếu này nghẹn ngào, nói không lên tiếng. Những giọt nước mắt lăn dài, những tháng ngày vật vã mưu sinh nuôi các con và khuôn mặt già hơn rất nhiều so với cái tuổi 36 của chị Hoàng đã nói lên tất cả. Đó chính là gánh nặng đớn đau từ TNGT mà người chồng để lại…

Ông Đặng Việt Dũng, Bí thư Quận ủy Hải Châu, nguyên Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng chia sẻ, đọc những bài viết về người thật việc thật tham gia Cuộc thi đã để những lắng đọng cảm xúc không nguôi. Sau mỗi vụ TNGT là bao nhiêu nỗi đau ập xuống với nạn nhân, với người thân, thậm chí bao nhiêu ước mơ hoài bão của những người còn rất trẻ bỗng tan biến. Đó là một gánh nặng với cả xã hội. Cuộc thi này là một sáng kiến truyền thông mang tính nhân văn cao nó giúp cho nhiều người khác nhìn vào những nhân chứng sống này để thức tỉnh, tham gia giao thông với trách nhiệm, bằng lương tâm, đừng để lại nỗi đau, gánh nặng cho cả xã hội.

Thành Nam