Nhật Bản mở đường cho điện hạt nhân trở lại

Thứ sáu, 02/06/2023 10:33
Ngày 31-5, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật cho phép các lò phản ứng hạt nhân có thể kéo dài thời gian hoạt động sau 60 năm đưa vào sử dụng, động thái được xem là một phần nỗ lực hồi sinh nền công nghiệp năng lượng hạt nhân của Nhật Bản.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Nới tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân

Theo quy định trước đây, các lò phản ứng hạt nhân Nhật Bản có thời gian vận hành là 40 năm và được gia hạn một lần, tối đa 20 năm, tùy thuộc vào các yêu cầu về an toàn. Theo luật mới, giới hạn tuổi thọ kỹ thuật của các lò phản ứng hạt nhân vẫn là 60 năm, nhưng sẽ cấp ngoại lệ với các lò phản ứng trước đó phải dừng hoạt động vì lý do "không thể lường trước" như thay đổi quy định an toàn hay lệnh tạm thời dừng hoạt động do tòa án ban hành.

Đây là thời gian hoạt động thực của lò phản ứng, tức là không bao gồm thời gian ngừng hoạt động do các nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát như thay đổi các hướng dẫn an toàn hoặc theo lệnh của tòa án. Các quy tắc mới này cho phép các nhà khai thác loại trừ thời gian ngừng hoạt động khi tính toán tổng số thời gian vận hành. Bộ trưởng công nghiệp sẽ phê duyệt kéo dài thời gian hoạt động của từng lò phản ứng hạt nhân trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, theo luật mới, để đảm bảo các lò phản ứng cũ vẫn đáp ứng các yêu cầu về an toàn cơ sở vật chất, Cơ quan Quản lý Hạt nhân Quốc gia (NRA) sẽ kiểm tra tình trạng của lò phản ứng và các cơ sở liên quan ít nhất 10 năm một lần sau 30 năm vận hành. Ông Yasutoshi Nishimura khẳng định: "Các lò phản ứng đã được vận hành trên 30 năm sẽ không thể hoạt động nếu không vượt qua các đợt sát hạch của NRA theo định kỳ 10 năm". Chính phủ cho biết chi tiết của các tiêu chuẩn cho phép gia hạn sẽ được quyết định sau khi luật được ban hành.

Một nghị sĩ Nhật Bản không nêu tên khẳng định với hãng tin AFP rằng đạo luật mới nhằm "tạo hệ thống cung ứng điện cho một xã hội không phát thải carbon". Tuyên bố chính thức của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản nêu rõ chính phủ nước này muốn "đảm bảo nguồn cung điện ổn định, song vẫn khuyến khích việc sử dụng các nguồn điện không phát thải carbon".

Hướng tới điện hạt nhân

Điện hạt nhân từng rất quan trọng, chiếm tới 30% tổng lượng điện tiêu thụ tại Nhật Bản. Tuy nhiên, từ khi thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima diễn ra vào năm 2011 đến nay, hầu hết các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản đều bị đóng cửa. Tuy nhiên, căng thẳng Nga-Ukraine leo thang đã khiến giá năng lượng tăng mạnh và đe dọa nguồn cung năng lượng của Nhật Bản - một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Tình hình đã buộc các nhà lãnh đạo Nhật Bản phải xem xét thúc đẩy xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới trên cơ sở kiểm chứng được mức độ hiệu quả và an toàn. Các cuộc thăm dò cho thấy quan điểm của người Nhật về năng lượng hạt nhân đang dịu bớt, khi nước này đối mặt với nguy cơ thiếu điện.

Việc thông qua đạo luật này được xem là một phần nỗ lực hồi sinh nền công nghiệp năng lượng hạt nhân của Nhật Bản. Mùa Hè năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thông báo chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân, áp dụng các biện pháp để tận dụng các cơ sở năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản một cách hiệu quả nhất. Tái khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân được xem là giải pháp tối ưu đối với Chính phủ Nhật Bản hiện nay để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để khôi phục lại điện hạt nhân, các chuyên gia điện hạt nhân cho rằng, Chính phủ Nhật Bản cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ hơn, ngoài đảm bảo tương lai và lợi nhuận cho các nhà đầu tư cũng như những người làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân, chính phủ còn cần đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi đưa vào hoạt động để nhận được sự ủng hộ của người dân.

AN BÌNH