Nhật Bản phòng vệ?

Thứ hai, 07/07/2014 10:08

(Cadn.com.vn) - Nhật Bản vẫn đang trở thành tâm điểm tranh cãi trong những ngày qua sau quyết định thông qua cách diễn giải mới của Điều 9 trong Hiến pháp hòa bình, theo đó cho phép Tokyo tham chiến ở nước ngoài để bảo vệ các đồng minh.

Động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn nhất thời hiện đại của Nhật Bản về chính sách an ninh. Bởi lẽ, Điều 9 trong Hiến pháp do Mỹ đặt ra quy định cấm Nhật Bản duy trì lực lượng vũ trang và không được đem quân đi chiến đấu ở ngoài nước. Kể từ sau Thế chiến II, Tokyo vẫn một mực tuân theo.

Tuy nhiên, giới bảo thủ ở Nhật từ lâu ủng hộ phát triển một thế trận quốc phòng quyết đoán hơn. Trong những năm qua, Tokyo xây dựng một hệ thống quốc phòng khá lớn và hiện đại. Ngoài ra, Nhật Bản cũng nỗ lực duy trì và gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, tất cả sẽ không là gì cả một khi Tokyo vẫn còn bị kìm kẹp trong Điều 9. Thủ tướng Abe đã nắm bắt rõ nhược điểm này.

Không nhiều người Nhật đồng tình với hướng đi này của chính phủ. Nhiều cuộc biểu tình đường phố đã xảy ra, đánh dấu sự đảo ngược các nguyên tắc hòa bình sau Thế chiến II của Nhật Bản. Mặc dù vậy, ông Abe đã đặt quyết tâm về một bước tiến cho quyền phòng vệ tập thể.

Trong một bước đi táo bạo hơn nữa, Thủ tướng Abe tuyên bố có kế hoạch thiết lập vị trí bộ trưởng mới phụ trách an ninh nhằm sửa đổi và giới thiệu các đạo luật liên quan cần thiết để thực hiện quyền phòng vệ tập thể này.

Thật sự, trong bối cảnh Trung Quốc đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về sự trỗi dậy hung hăng, Nhật cũng muốn tăng cường sự hiện diện về quân sự và kinh tế để tạo thế đối trọng với người láng giềng khó chịu. Ngoài cách diễn giải lại Điều 9, Tokyo chuẩn bị phê chuẩn việc xuất khẩu lô vũ khí đầu tiên sau khi nới lỏng lệnh cấm mà nước này tự áp đặt. 

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi sẽ xuất khẩu thiết bị cảm biến hiệu suất cao sang Mỹ, quốc gia sẽ sử dụng thiết bị này trong hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-2 sẽ được xuất khẩu sang Qatar.

Những động thái từ Tokyo đang khiến Bắc Kinh lo ngại vì cho đó là động thái khiêu khích, nhất là khi xảy ra trùng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hàn Quốc  nhằm lôi kéo Seoul và bẻ gãy "kiềng 3 chân" của Mỹ -Nhật-Hàn ở Đông Á.

Sau quyết định lịch sử của Tokyo, nhiều nguồn tin thậm chí cho biết, chính quyền ông Tập chỉ đạo các phương tiện truyền thông trực tuyến đưa ra quan điểm cứng rắn với Nhật Bản.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Bắc Kinh có những động thái gây hấn ở biển Đông và biển Hoa Đông, đe dọa an ninh toàn Châu Á, quyết định này của Tokyo là điều dễ hiểu.

Thanh Văn