Nhật Bản thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ

Thứ bảy, 09/05/2020 14:18

Lực lượng tác chiến vũ trụ sẽ được giao nhiệm vụ giám sát không gian, vệ tinh nhân tạo và tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản trong không gian vũ trụ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono.  Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono ngày 8- 5 cho biết, bộ này sẽ chính thức thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ vào ngày 18-5. Theo Bộ trưởng Kono, Đơn vị Tác chiến Vũ trụ được thành lập sẽ đóng quân tại căn cứ Fuchu ở Tokyo. Lực lượng này có biên chế ban đầu gồm 20 người và sẽ được tăng dần trong những năm tiếp theo.

Đơn vị Tác chiến Vũ trụ được giao nhiệm vụ theo dõi các mảnh vỡ trong vũ trụ và các thiên thạch có thể đâm vào các vệ tinh giám sát của Nhật Bản quay quanh trái đất. Việc thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ là một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phòng thủ ngoài vũ trụ, một lĩnh vực mà các cường quốc như Mỹ, Nga và Trung Quốc đã tập trung phát triển vào những năm gần đây. Bộ trưởng Kono cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có một lực lượng chuyên trách tác chiến vũ trụ, đồng thời đánh giá sự kiện này mang ý nghĩa rất lớn nhằm đảm bảo ưu thế của Nhật Bản trong không gian vũ trụ. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng kêu gọi sự hợp tác của các trung tâm nghiên cứu và cơ quan dân sự bởi đơn vị mới này chắc chắn cần tới sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ và thông tin từ các tổ chức bên ngoài.

Các mối đe dọa vũ trụ và an ninh

Việc thành lập Đơn vị Tác chiến Vũ trụ cho thấy, Tokyo ngày càng phụ thuộc vào các hệ thống không gian để đáp ứng nhu cầu an ninh. Đây là tác nhân chính trong việc bảo vệ tài sản vũ trụ của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc thành lập Đơn vị Tác chiến Vũ trụ cho thấy Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) ngày càng tăng cường sử dụng các vệ tinh để đáp ứng nhu cầu an ninh của nước này. Năm 2017, JSDF bắt đầu vận hành vệ tinh liên lạc băng tần X đầu tiên như một phần của việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, tin học, tình báo, giám sát và trinh sát (C4ISR). Năm 2019, các tàu hải quân của JSDF bắt đầu sử dụng tín hiệu thời gian chính xác từ Hệ thống vệ tinh QuasiZenith Nhật Bản (QZSS) để hỗ trợ cho Hệ thống định vị toàn cầu Mỹ. Tokyo cũng đang phát triển hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo dựa trên không gian.

Hiện nay, ít nhất 2 cường quốc trong khu vực đã có hệ thống tiêu diệt vệ tinh (ASAT). Trung Quốc đã thử nghiệm ASAT đầu tiên vào năm 2007 bằng cách sử dụng máy bay đánh chặn vệ tinh phóng từ mặt đất SC-19. Trong một thập kỷ sau đó, phần lớn các mảnh vỡ được tạo ra bởi thử nghiệm này vẫn là một mối nguy hiểm trên quỹ đạo. Nga cũng đang phát triển máy bay đánh chặn phóng từ mặt đất được gọi là Nudol, mà Mỹ xác định là PL-19, với vụ thử nghiệm tiếp theo được cho là được thực hiện hôm 15-4 vừa qua. Ngoài ra, Nga đang phát triển một máy bay đánh chặn vệ tinh phóng từ trên không, trong khi Bắc Kinh và Moscow cũng đang nghiên cứu về các biện pháp đối phó vệ tinh dựa trên laser. Vào năm 2015, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, Trung Quốc có khả năng phát triển một vũ khí ASAT có thể vươn tới quỹ đạo địa tĩnh - độ cao hơn 35.000 km - nơi đặt các vệ tinh băng tần X của JSDF và QZSS. Ấn Độ cũng lần đầu tiên thử nghiệm thành công tên lửa diệt vệ tinh mang tên Phương tiện Phòng thủ Prithvi Mark-II phóng từ mặt đất vào tháng 3-2019, thể hiện tham vọng quân sự của New Delhi về vũ trụ. Mỹ cũng đã chứng minh khả năng có ASAT từ năm 1985 trở về trước.

Mối đe dọa từ laser và các biện pháp đối phó khác, chẳng hạn như gây nhiễu tín hiệu điều hướng và giả mạo tín hiệu, cũng đang khiến Tokyo lo ngại.

Liên minh vững mạnh

Việc JSDF ngày càng quan tâm đến Chương trình Nâng cao Nhận thức Tình huống Không gian (SSA) không chỉ mang lại lợi ích cho Tokyo mà còn cả các đối tác an ninh khu vực của Mỹ và Nhật Bản. Việc phát triển một radar vũ trụ trên mặt đất đang được tiến hành, sẽ giúp theo dõi các vật thể trên quỹ đạo địa tĩnh. Radar sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2023. Hơn nữa, ngân sách năm 2020 của Nhật Bản cũng bao gồm việc tài trợ cho việc phát triển vệ tinh SSA đầu tiên của Nhật Bản được gắn kính viễn vọng quang học nhằm theo dõi các mảnh vỡ không gian và ASAT.

Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào các hệ thống không gian để đáp ứng nhu cầu an ninh của mình, nhấn mạnh tầm quan trọng của Đơn vị Tác chiến Vũ trụ. Kịch bản của cuộc tập trận không gian Schreiver 2018 của Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ cùng với Liên minh Five Eyes (gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ), Pháp, Đức và Nhật Bản đã đưa ra tình huống lĩnh vực vũ trụ và không gian mạng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang bị một đối thủ cạnh tranh khai thác. Việc Mỹ đề cao vai trò của Nhật Bản trong một kịch bản như vậy cho thấy mối quan tâm của Washington đối với khả năng định vị và giám sát vũ trụ của Nhật Bản. Do đó, Đơn vị Tác chiến Vũ trụ Nhật Bản có thể nổi lên như một tác nhân chính trong việc bảo vệ tài sản vũ trụ ở Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Đơn vị mới này cũng có thể đóng vai trò là chất xúc tác để mang lại sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Tokyo và Washington trong lĩnh vực vũ trụ, cũng như lĩnh vực phòng thủ rộng lớn hơn. 

AN BÌNH