Nhật chìa cành ô-liu
(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 14-7 lại gây bất ngờ khi bày tỏ mong muốn tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với phía Trung Quốc bên lề hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại thủ đô Bắc Kinh.
Ông Abe, nhậm chức Thủ tướng từ cuối năm 2012, song đến nay vẫn chưa có cuộc họp thượng đỉnh nào với phía Trung Quốc. Nguyên nhân thì ai cũng rõ. Từ khi lên nhậm chức, quan hệ hai gã khổng lồ Châu Á xuống dốc không phanh do tranh chấp lãnh thổ và chuyến thăm đền Yasukuni gây tranh cãi khi đây được cho là biểu tượng của chủ nghĩa phát-xít Nhật trước đây.
"Điều rất đáng tiếc là chúng tôi không thể có hội nghị thượng đỉnh nào", ông Abe nói với một ủy ban quốc hội. "Chúng ta cần phải quay trở lại những điều cơ bản của một mối quan hệ chiến lược tôn trọng lẫn nhau. Tôi muốn có hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh vào tháng 11 này", ông khẳng định.
Rõ ràng, mục đích của vị Thủ tướng được cho là rất cứng rắn của Nhật Bản là cải thiện mối quan hệ đang căng thẳng giữa hai nước do tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề an ninh khác. Trung Quốc từng khước từ lời mời họp thượng đỉnh của ông Abe.
Lần này, Bắc Kinh hiện chưa có phản ứng gì, song nhiều nguồn tin cho rằng, trong bối cảnh đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt vì những hành động hung hăng ở biển Đông, chính quyền ông Tập Cận Bình sẽ phải tiến gần hơn với Tokyo. Nhân tố khác có thể thúc đẩy Bắc Kinh gật đầu là khả năng Thủ tướng Abe sẽ không có thêm bất kỳ chuyến viếng đền Yasukuni nào khác.
Nhưng vẫn còn một vấn đề khác có thể làm Bắc Kinh băn khoăn, đó là việc Tokyo diễn giải lại điều 9 trong Hiến pháp hòa bình, theo đó cho phép quân Nhật tham chiến ở nước ngoài. Bắc Kinh thật sự lo ngại vì điều này. Nhật Bản hoạt động dưới "Hiến pháp hòa bình" trong gần 70 năm. Điều 9 đặc biệt, nghiêm cấm nước này xem chiến tranh như một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế, đang đến tuổi "gần đất xa trời".
Trong vài thập kỷ qua, sau khi lặp đi lặp lại "tái diễn giải", Hiến pháp hòa bình ngày càng trở nên không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của nước Nhật - nhất là trong bối cảnh người láng giềng Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và hăm he đe dọa vị thế của Tokyo ở khu vực Châu Á.
Thanh Văn