Nhật hoàng Akihito se thoái vị?

Thứ ba, 09/08/2016 11:01

(Cadn.com.vn) - Ngày 8-8, trong bài diễn văn hiếm hoi được phát trên truyền hình quốc gia, Nhật hoàng Akihito bày tỏ lo ngại về tuổi tác và sức khỏe đang yếu đi, vì vậy ông khó có thể đảm đương được cương vị hiện nay. Dù không dùng từ "thoái vị", song Nhật hoàng tỏ rõ ý định muốn bàn giao các trách nhiệm.

Trong đoạn băng kéo dài khoảng 10 phút, Nhật hoàng Akihito nói: "Tôi hiện đã 80 tuổi, may mắn là hiện giờ sức khỏe vẫn ổn. Tuy nhiên tôi lo ngại rằng sức khỏe đang dần đi xuống, sợ khó có thể hoàn thành sứ mệnh làm biểu tượng quốc gia như tôi đã làm từ trước đến nay. Khi nghĩ đến sức khỏe ngày càng đi xuống của mình tôi tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục sứ mệnh làm biểu tượng cho quốc gia bằng tất cả tâm trí và sức lực hay không?".

Không thể thoái vị?

Nhật hoàng muốn từ nhiệm là điều chưa từng có trong lịch sử Nhật Bản hiện đại. Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản không cho phép một hoàng đế thoái vị. Theo luật, hoàng đế phải tại vị cho đến khi qua đời. Nếu ông không thể đảm nhiệm vì lý do sức khỏe, người thừa kế có thể nhiếp chính.

Bất kỳ sự thay đổi nào về Luật Hoàng gia cần được Quốc hội Nhật Bản thông qua. Ngay sau bài phát biểu của Nhật hoàng, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết chính phủ sẽ "nghiêm túc" xem xét ý kiến của Nhật hoàng. "Chúng ta cần xem xét nhiệm vụ của Nhật hoàng, cũng như độ tuổi và gánh nặng công việc", ông nói.

Người thừa kế

Phát biểu của Nhật hoàng thúc đẩy một cuộc tranh luận về người thừa kế của chế độ quân chủ cha truyền con nối lâu đời nhất trên thế giới này.

Thái tử Naruhito, 56 tuổi, là người tiếp theo lên ngôi và đã tiếp nhận một số nhiệm vụ của cha mình. Hồi tháng 5, Cục Hoàng gia Nhật Bản (IHA) tuyên bố Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, 81 tuổi, sẽ ít xuất hiện trước công chúng do tuổi cao. Trong những năm gần đây, sức khỏe của Nhật hoàng Akihito suy giảm. Ông phải phẫu thuật tim và điều trị ung thư. Trước đây, Nhật hoàng và Hoàng hậu có 250 cuộc họp trước công chúng và 75 chuyến đi trong và ngoài nước mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay, hơn 100 cuộc họp phải hủy bỏ hoặc trao lại cho thái tử. "Đó là một gánh nặng nhưng Nhật hoàng và Hoàng hậu đã thực hiện nhiệm vụ rất nghiêm túc", cựu đại sứ Nhật Sadaaki Numata cho biết.

Công chúng xem bài phát biểu của Nhật hoàng Akihito trên đường phố Tokyo. Ảnh: AFP

Nhân vật biểu tượng

Nhật hoàng chỉ là một nhân vật mang tính lễ nghi trong chế độ quân chủ lập hiến của Nhật Bản sau Thế chiến II. Hiện nay, Quốc hội Nhật kiểm soát ngân sách và các khoản phụ cấp cho gia đình Hoàng gia, ước tính hơn 100 triệu USD/năm.

Không giống như hoàng gia Anh, hoàng gia của Nhật Bản ít khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ngoài việc trả lời họp báo nhân dịp sinh nhật và trước khi thăm các nước, Nhật hoàng Akihito hiếm khi nói chuyện trực tiếp với công chúng mà chỉ xuất hiện khi quốc gia gặp khủng hoảng. Hôm 16-3-2011, ông đã đưa ra một thông điệp trên truyền hình sau trận động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima.

Nhật hoàng Akihito là hoàng đế thứ 125 và thái tử Nhật Bản đầu tiên kết hôn với một người dân thường. Giống như cha mình, ông đam mê sinh học biển và là một nhà nghiên cứu về cá. Nhật hoàng Akihito được báo chí ca ngợi hồi tháng 3-2011 khi ông ngồi trên sàn nhà cùng với những người sống sót sau trận động đất và sóng thần ở Tohoku - điều mà các hoàng đế trước đó chưa từng làm. "Ông là hoàng đế của nhân dân. Ông không chỉ giải quyết các vấn đề trong nước mà còn thúc đẩy mối quan hệ với các nước láng giềng", Jeffrey Kingston, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Temple, cho biết.

An Bình
(Theo CNN, AP)