Nhật ký Đông Sơn - tiểu thuyết mới về cuộc chiến du kích ở Bắc Huế

Thứ năm, 14/12/2017 09:53

Nhà văn Nguyễn Quang Hà vừa ra mắt tiểu thuyết Nhật ký Đông Sơn (*) khi anh chẵn 80 tuổi! Đây là cuốn sách thứ 31 của anh, sau những tiểu thuyết nổi tiếng như Tiếng thở dài của đất, Vùng lõm, Nếu không có nhân dân, Thời tôi mặc áo lính... Vẫn đề tài "ruột" chiến tranh quen thuộc, nhưng ngòi bút Nguyễn Quang Hà vẫn luôn cuốn hút. Tiểu thuyết là nhật ký của một sĩ quan đặc công Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công Chị Thừa I thuộc Thành đội Huế của nhân vật huyền thoại-Thành đội trưởng Thân Trọng Một. Nhân vật xưng tôi tên là Trúc, bộ đội từ miền Bắc vào, viết trong thời gian anh phân công về xã Đông Sơn, một địa bàn trung chuyển rất quan trọng ở phía bắc Huế trong chiến tranh chống Mỹ. Nhà văn cho biết, đây là chuyện của đồng bào và du kích xã Phong Sơn, Phong Điền, nhưng vì là tiểu thuyết nên phải đổi tên nhân vật. Đông Sơn là vùng tạm chiếm nhưng phong trào du kích mạnh, lòng dân theo cách mạng. Mất Đông Sơn là nguy cho Huế vì không còn đường từ chiến khu về đồng bằng. Trúc về "nằm vùng", bám dân, bám đất để cùng với dân giữ địa bàn chiến lược này .

 

Câu chuyện bắt đầu từ  "ngày Mùng 2 tháng 7" đến "ngày 23 tháng 10", tức 3 tháng 21 ngày. Nhưng tiểu thuyết sao lại là "nhật ký"? Đó là hình thức tiểu thuyết mới, có lẽ lần đầu tiên có ở Việt Nam. Tiểu thuyết không chương hồi, từng chuyện được kể lại theo tiêu đề "ngày... tháng...". Nhật ký là ghi chép hàng ngày của người viết, "không phải văn chương hư cấu", nên độ chân thực cao hơn! Nhưng tại sao bộ đội miền Bắc đi B vào Nam, nguyên tắc vào chiến trường là không được mang theo bất cứ sổ sách giấy tờ gì đề phòng khi bị địch bắt làm lộ tung tích đơn vị. Để giải quyết mắc mớ này, Nguyễn Quang Hà đã cho nhân vật chính giải thích: "Biết ghi nhật ký là sai, nhưng tôi quyết định phải ghi lại những ngày về với dân ở Đông Sơn để làm kỷ niệm cuộc đời. Tôi có cái địa chỉ hộp thư bí mật riêng. Viết xong nhật ký, tôi chôn xuống địa chỉ bí mật, không bao giờ tôi mang nhật ký trong người. Nếu bị đích bắt sẽ không bị lộ".

Đọc 282 trang Nhật Ký Đông Sơn, ta hiểu thêm sự quyết liệt và khốc liệt ở làng quê bắc Huế trong cuộc chiến vừa qua. Ta cũng hiểu thêm cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam đã sáng tạo nên cách thức tổ chức phối hợp giữa quân chính quy và quân du kích rất hiệu nghiệm. Đó là đưa bộ đội chính quy về "nằm vùng" ở các làng quê để xây dựng lực lượng kháng chiến, làm chỗ dựa tin cậy cho du kích và đồng bào. Tôi biết ở chiến trường TT-Huế, các anh Tô Nhuận Vỹ, Hoàng Cát, Nguyễn Quang Hà... sau này trở thành nhà văn là những bộ đội "nằm vùng" như thế. Có lẽ Nhật ký Đông Sơn là cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên phản ảnh sâu sắc về phương thức bộ đội chính quy "nằm vùng" này.

Về Đông Sơn 3 tháng 21 ngày, sĩ quan đặc công Trúc đã cùng ăn cùng ở, cùng chiến đấu, cùng sẻ chia tình cảm với du kích Quyền, đội du kích và bà con xã Đông Sơn. Anh nhiều ngày đêm ăn những nắm cơm bà con Đông Sơn bới xuống hầm bí mật, từng cùng Quyền và anh em du kích đêm đêm về làng gây dựng cơ sở, vì vùng giáp ranh này ban ngày là của địch. Trúc từng nói "tiếng Huế" khi diệt địch để không bị lộ. Trúc từng chứng kiến bao nỗi đau và tấm lòng thủy chung với cách mạng của bà con Đông Sơn. Anh từng buốt lòng trước cảnh địch bắn chết nhiều bà con là cơ sở cách mạng Đông Sơn, trong đó có mẹ Quyền,  vợ Quyền với đứa con trong bụng... Nguyễn Quang Hà đã xây dựng một nhân vật bộ đội "nằm vùng" gắn bó máu thịt với người dân Đông Sơn. Tạo ra sự ấm lòng người đọc.  Đó là nghệ thuật tiểu thuyết! Đọc Nhật ký Đông Sơn, ta hiểu thêm một góc khác của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh đã đánh bại hai kẻ thù là Pháp và Mỹ được tác giả mô tả rất sinh động trong từng chi tiết sinh hoạt đời thường. Đọc Nhật ký Đông Sơn, người đọc hiểu thêm chiều sâu cuộc chiến với những thủ thuật và công phu đào hầm bí mật, lập tín hiệu liên lạc khi về thôn làng; lập hộp thư mật để liên lạc giữa du kích và người nội gián, hay cách chế tạo mìn và đặt mình đánh địch.  Đây là những bài học xương máu về chiến tranh du kích trong lòng địch, mà tác giả tiểu thuyết đã mô tả, trình bày cho hậu thế!

Nhà văn Nguyễn Quang Hà đã có một tiểu thuyết sinh động về hình ảnh anh bộ đội chính quy "nằm vùng", về cuộc chiến tranh nhân dân khốc liệt ở một xã vùng bắc Huế. Tôi đồ rằng đây chính là hồi ức của tác giả, một người từng nằm vùng lâu năm tại Phong - Quảng trong chiến tranh! Cuốn sách như một bảo tàng lưu giữ những hình ảnh của cuộc chiến âm thầm mà vĩ đại của những người dân Đông Sơn!

Ngô Minh

 (*)- Nhật ký Đông Sơn, NXB Quân đội nhân dân, 2017.