“Nhật ký nhặt rác”

Thứ tư, 21/08/2024 09:10

Ngoài các thành viên của “chủ nhà” Đà Nẵng, rất nhiều du khách đến từ khắp các châu lục dù ngôn ngữ và văn hóa có khác nhau, song ở họ đều có chung một tình yêu và ý thức bảo vệ môi trường. Suốt nhiều năm, cứ đến ngày cuối tuần, họ gặp nhau không lời hẹn ở những khu đất trống thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng để thu gom rác, vận chuyển tập kết đến nơi quy định…

Những người tham gia hoạt động ở Trash Hero Đà Nẵng.
Niềm vui sau thành quả một ngày nhặt rác của các thành viên tham gia hoạt động ở Trash Hero Đà Nẵng.

Chung một tình yêu

Buổi sáng cuối tuần giữa tháng 8, tiết trời Đà Nẵng nắng nóng gay gắt. Nhận đôi bao tay và dụng cụ nhặt rác từ tay chị Mai Thị Kim Ánh - phụ trách Tổ chức Trash Hero Đà Nẵng (Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Trash Hero World), hàng chục tình nguyện viên đủ lứa tuổi bắt đầu công việc nhặt rác dọc các tuyến đường thuộc phường Thọ Quang (quận Sơn Trà). Công việc khá vất vả nhưng không khí luôn vui vẻ, mọi người chuyện trò bằng tiếng Việt, xen lẫn tiếng Anh của các tình nguyện viên nước ngoài, và có cả những em nhỏ ở Đà Nẵng.

Gom đầy túi rác, anh Tara mồ hôi đẫm ướt vai áo, nhưng miệng vẫn cười rất tươi. Tara mang quốc tịch Nga, đến Đà Nẵng làm chuyên viên công nghệ thông tin hơn một năm qua. Biết đến hoạt động bảo vệ môi trường thông qua fanpage Trash Hero Đà Nẵng, vốn yêu môi trường và rất thích cảnh quan ở thành phố biển này nên anh Tara đăng ký tham gia. “Mình rất vui khi bản thân góp chút công sức làm cho Đà Nẵng sạch đẹp hơn. Với mình, khi bớt đi một lượng rác thải thì không chỉ nơi này mà trái đất của chúng ta càng xanh, sạch hơn. Mình rất thích làm những công việc như thế” - anh Tara trải lòng.

Còn anh Dalton đến từ Mỹ, chia sẻ rằng: “Nhặt rác làm cho thành phố ngày càng đẹp hơn, với tôi, là một việc làm ý nghĩa vào những ngày cuối tuần. Dọn rác không chỉ để Đà Nẵng đẹp hơn, mà để cho nơi mình đang sống xanh, sạch. Chính vì vậy, cuối tuần nào có thời gian, tôi đều tham gia nhặt rác cùng Trash Hero Đà Nẵng”. Năm nay Dalton 30 tuổi, anh có thời gian gắn bó với Đà Nẵng tròn 4 năm. Lý do anh chọn Đà Nẵng vì anh yêu thích cảnh quan đẹp và con người nơi đây, “họ rất thân thiện, mến khách”- Dalton nhận xét.

Đối với Đỗ Lan Anh - cô sinh viên năm 2, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, đến với Trash Hero Đà Nẵng không chỉ vì muốn góp tay làm sạch môi trường mà còn vì một lý do đặc biệt khác. “Mình đến đây để thấy cuộc sống tươi đẹp hơn vì những người tham gia đều có năng lượng rất tích cực. Có nhiều tình nguyện viên là người nước ngoài, mình có cơ hội để giao lưu ngôn ngữ, văn hóa. Đó là một trải nghiệm vô cùng thú vị”- Lan Anh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 2 năm qua, Trash Hero Đà Nẵng đã tổ chức được hơn 80 buổi nhặt rác. Mỗi buổi thu về ít nhất 30 kg rác, có bữa nhiều lên đến 300 kg. Kết thúc mỗi buổi làm sạch môi trường đều được ghi lại bằng nhật ký trên fanpage. Chị Mai Thị Kim Ánh cho biết: Các thành viên của Trash Hero Đà Nẵng đến từ nhiều nơi trên thế giới, có người đến để du lịch, có người gắn bó làm việc và nhiều thành viên là người Việt Nam, có cả các em nhỏ. Mỗi người một công việc khác nhau, một tính cách khác nhau nhưng đều có chung tình yêu dành cho môi trường, chung mong muốn làm cho môi trường mỗi ngày một sạch hơn…

Tạo sức lan tỏa vì môi trường

Chúng tôi gặp Benjamin Lawson (quốc tịch Mỹ). Cách đây 2 năm, trong một lần du lịch đến Đà Nẵng, anh thấy yêu thích mảnh đất này và quyết định chọn ở lại Đà Nẵng để làm việc. Benjamin thể hiện tình yêu môi trường bằng các hành động cụ thể như nhặt rác những lúc tản bộ, nhặt cả rác không phải do mình thải ra đem đến đặt đúng vị trí. Nhưng như thế chưa đủ, Benjamin luôn nghĩ cần làm một điều gì đó có tính lan tỏa để giữ gìn môi trường sống. Anh chia sẻ suy nghĩ đó với vợ là chị Bùi Thị Linh và Trash Hero Đà Nẵng được Benjamin thành lập ngay sau khi nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng từ vợ.

Thông qua sự kết nối của vợ chồng anh Benjamin, hàng tuần, hoạt động nhặt rác đều được diễn ra tại Đà Nẵng, trở thành “cuốn nhật ký nhặt rác” lan tỏa đến nhiều người. Thành viên tham gia của nhóm thường dao động trên dưới 10 người, nhưng có lúc lên đến hơn 50, 70 người. Hơn 1 năm trước, khi Trash Hero Đà Nẵng gây dựng được một lượng tình nguyện viên tương đối ổn định, vợ chồng anh quyết định chuyển về sinh sống tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) và tiếp tục thành lập Trash Hero Hội An. “Phải chuyển nơi sống gắn bó với mình đã lâu, bản thân tôi không muốn, nhưng tôi ủng hộ công việc, lý tưởng của chồng nên sẵn sàng theo chồng đến bất cứ nơi đâu. Niềm vui của vợ chồng tôi đó là lan tỏa được tình yêu với môi trường tới mọi người. Mỗi người góp một tay, chúng tôi tin rằng thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn” - chị Bùi Thị Linh chia sẻ.

Những người tham gia hoạt động ở Trash Hero Đà Nẵng.

Tiếp nhận và phụ trách Trash Hero Đà Nẵng thay Benjamin từ một năm trước, chị Kim Ánh chia sẻ về cái duyên đưa mình đến với công việc đầy ý nghĩa này: Có lần, chở con nhỏ đi dạo biển, nhìn thấy một nhóm tình nguyện viên đang nhặt rác trên bãi biển phường Thọ Quang, chị dừng lại hỏi thì được biết đến Trash Hero Đà Nẵng. Tuần sau đó, chị quay lại tham gia cùng họ. Khi anh Benjamin chia sẻ với chị về việc tìm người phụ trách, dù còn nhiều khó khăn nhưng chị quyết tâm nhận công việc này. “Tôi nghĩ, các bạn đến từ nhiều nơi trên thế giới đều tình nguyện chung tay giúp quê hương mình sạch, đẹp thì không có lý do gì, mình là người Đà Nẵng lại không làm được” – chị Ánh trải lòng.

Gần đây, chị Kim Ánh bắt đầu mở rộng hoạt động ở Trash Hero Đà Nẵng bằng cách vận động các nhà hàng, dịch vụ ăn uống hạn chế sử dụng đồ nhựa. Những thông điệp vì môi trường xanh được gửi đến các quán cafe để kêu gọi mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chị Ánh tin rằng, chỉ cần mỗi người bớt dùng một vật dụng nhựa có thể thải ra rác thì môi trường sống của mình, của thế hệ sau sẽ tốt đẹp hơn. “Nhật ký nhặt rác của Trash Hero Đà Nẵng không chỉ là nơi ghi lại những con số thực tế đã làm được mà thông qua đó, chúng tôi muốn gửi đi thông điệp kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn môi trường và làm cho Đà Nẵng ngày càng đẹp hơn, sạch hơn. Bởi nếu mình cứ vô tư xả rác thì một ngày không xa, hệ lụy sẽ do chính mình và thế hệ sau hứng chịu” - chị Ánh nói.

Công Hạnh