Nhật ký rơi nước mắt trong bệnh viện phong tỏa

Thứ sáu, 31/07/2020 21:00

Bên trong vẻ yên tĩnh, im ắng của bệnh viện cách ly là cả một cuộc sống khó khăn nhưng chan chứa tình thương yêu. Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân đùm bọc nhau như những người ruột thịt khi chính họ phải sống xa cách với gia đình mình.

 Y bác sĩ, nhân viên y tế Đà Nẵng quyết tâm cùng bệnh nhân vượt qua khó khăn, chống dịch Covid-19.  Ảnh: THU HÀ

"Con đạp khẽ thôi, cùng mẹ chăm sóc mọi người nhé"

Nhận lệnh thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa cách ly vừa chăm sóc bệnh nhân, thực hiện công tác phòng chống dịch, nữ điều dưỡng Thái Thị Thu Hà (công tác tại Phòng khám Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng) cùng hàng nghìn đồng nghiệp chỉ có chưa đầy một giờ đồng hồ để chuẩn bị. Chồng chị, anh Lê Văn Liêm chạy đến cổng bệnh viện đưa vội vài thứ đồ, dặn vợ dù làm gì cũng phải quan tâm chăm sóc đứa con mới 3 tháng tuổi trong bụng. Rồi anh cũng phải về tự cách ly tại nhà. "Đêm đầu tiên ngồi chờ đến lượt xét nghiệm, ai cũng bồn chồn lo lắng hỏi nhau chuyện "âm - dương". Tôi chỉ biết vỗ về bé Bống trong bụng rồi hai mẹ con tự bảo nhau sẽ bình an. Mình có lây nhiễm thì cũng không phải là điều gì quá sốc, thương cháu phải chịu vất vả cùng mẹ. Đến khi biết an toàn, chúng tôi gỡ bỏ được mối lo và lao vào công việc. Tôi bầu bì nên được phân công nhiệm vụ trong công tác hậu cần. Vừa làm vừa dặn con đạp khẽ thôi, để mẹ chăm sóc cho mọi người", chị Hà kể và truyền những thông điệp tích cực.

Anh Liêm, chồng chị Hà kể, nhìn cảnh vợ vẫn còn nghén xách túi đồ vào khu cách ly, anh thương vô cùng nhưng chị đã chọn công việc, anh không thể nói gì hơn, chỉ biết dặn dò phải lo cho mình trước. "Mấy hôm đầu phải nhờ người mua giúp đồ nóng để vợ ăn cho đủ dinh dưỡng nuôi con. Tôi cách ly cũng không ra khỏi nhà. Giờ thì Bống cũng ngoan giúp mẹ hết nghén. Có điều công việc nhiều nên mỗi khi gọi điện cho nhau vài phút thấy giọng cũng mệt. Thương vợ nhưng không biết làm gì hơn", anh Liêm tâm sự.

Trong nhật ký ngày thứ năm thực hiện cách ly làm nhiệm vụ tại Bệnh viện, chị Hà trải lòng: "Có những mẹ khi làm thì thôi, khi nghỉ ngơi được một tí thì khóc vì nhớ con. Bầu sữa cương cứng vì không được cho con bú. Có những cặp vợ chồng công tác cùng bệnh viện, phải gửi con cho nội ngoại. Đồng nghiệp tôi có những bà bầu không ngủ được vì nghén, bụng to, đi không nổi. Mọi thứ thật khó khăn nhưng chúng tôi đồng lòng vì đại dịch. Hàng cứu trợ từ người thân và những mạnh thường quân làm ý chí của chúng tôi càng thêm mạnh mẽ hơn nữa". Người phụ nữ ấy còn phải dành thời gian cho đứa con bé bỏng trong bụng mình và dặn dò: "Cố lên người bạn bé nhỏ đồng hành cùng tôi qua mùa dịch này nhé. Tôi biết bạn sẽ là người kiên cường khi ra đời đấy. Tập làm quen dần với nghề của mẹ đi con nhé. Cố lên Bống ơi!".

Gần 5 ngày nay, chị Lê Hoàng Bảo Khánh - điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Đà Nẵng cùng lúc phải vượt qua hai thách thức là cái nóng như hấp của bộ đồ bảo hộ đặc chủng và những cơn đau nhức do cương sữa vì không được cho con bú. Làm việc trong môi trường có khả năng phơi nhiễm cao, chị lo lắng mấy ngày liền cho đến khi có kết quả âm tính lần đầu. Hiện các ca bệnh dương tính đã được chuyển đi cách ly tập trung nhưng bệnh nhân hồi sức ma chị và đồng nghiệp đang chăm sóc có tới gần 50 người thở máy. Mỗi ca làm việc kéo dài 4 tiếng đồng hồ trong bộ đồ vừa nặng vừa nóng khiến nhiều người có dấu hiệu kiệt sức, nhưng rồi tất cả phải tự nhủ không được phép đau ốm hay mệt mỏi. Chồng chị Khánh, bác sĩ Trần Nguyên Trung thuộc khoa Sinh hóa vào thời điểm có lệnh cách ly thì đang ở nhà, được kiểm tra, xác định là F2 nên tự cách ly, theo dõi ở nhà vừa chăm sóc đứa con 14 tháng tuổi. "Nhiều bữa cương sữa đau quá chịu không được nên gọi điện về nhà để gặp con tí cho đỡ nhớ. Nó còn nhỏ, mình đi lâu quá nên nó quên luôn rồi anh ơi. Nhìn con trên facebook rồi chị em ôm nhau khóc", chị Khánh rưng rưng.

Phút nghỉ ngơi trong bộ đồ bảo hộ đặc chủng của y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng.  Ảnh: THU HÀ

"Mẹ đi công tác, con ngoan thì mẹ sớm về"

Buổi chiều nhận lệnh cách ly, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Hoàng và chị Hoàng Thị Xuân Nhật (công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng) chỉ kịp gọi điện về thông báo cho mẹ gỏn gọn 2 câu: "Tụi con phải trực cách ly trong bệnh viện, từ hôm nay sẽ không về được. Mẹ lên trông cháu giùm tụi con". Mẹ anh Hoàng đa 60 tuổi vội vàng lấy ít quần áo qua nhà con trai trông 2 đứa cháu nội đang hí hửng chờ ba mẹ về nấu cơm ăn cuối tuần. Cũng từ đó đến nay, không những không được gặp con, cả hai vợ chồng làm hai khoa, lại túi bụi lo cho bệnh nhân nên cũng chưa một lần gặp lại nhau. Đã qua 5 ngày, chỉ khi nào được nghỉ ngơi một chút thì vợ chồng anh mới gọi điện về gặp các con để dặn dò phải ở trong nhà, không ra đường. Do đã qua một đợt cách ly xã hội, được ba mẹ chỉ bảo nên cả hai anh em đã tự làm được nhiều việc đỡ đần bà. Cứ mỗi bữa cơm cả hai đều nhờ bà gọi điện cho mẹ nhưng không lần nào gặp. Bà Liêm phải dỗ: "Bố mẹ đi công tác, đợt này chắc còn lâu mới về. Hai cháu phải ngoan để bố mẹ chống con Covid". Những ngày qua, thi thoảng lại có cán bộ trên phường, hàng xóm đi qua hỏi thăm, cung cấp một số nhu yếu phẩm để ba bà cháu không phải thiếu thốn. Bà Liêm không lấy nhiều, để cán bộ chia cho nhiều nhà khác cần hơn.

Khác với điều kiện làm việc trong một không gian cố định như các đồng nghiệp trong bệnh viện, những ngày qua cán bộ, nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng phải đi về liên tục để đưa đón các ca nghi nhiễm, tiếp xúc gần đi cách ly. Hôm nhận thấy có biểu hiện ho và sốt nhẹ, nữ y sĩ Nguyễn Thị Được gọi điện cho chồng báo sẽ không về nhà rồi vào khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Một ngày sau nhận được kết quả âm tính, chị Được tiếp tục trở lại trung tâm làm nhiệm vụ. Chồng chị, anh Trần Văn Đảm công tác tại Vùng 3 Hải quân vào tình thế đặc biệt chỉ còn cách xin lãnh đạo được phép đưa con vào đơn vị cho chúng tự chơi với nhau, còn mình vẫn làm nhiệm vụ. Đồng đội báo nhà bếp thêm 2 suất cơm, những lúc rảnh rỗi lại dẫn các cháu đi chơi trong lúc anh Đảm giặt đồ cho con. Buổi tối anh xin được chở con về nhà để nghỉ ngơi, gọi điện thoại cho mẹ hỏi thăm sức khỏe nhưng công việc chị Được chạy thường xuyên trên đường. Khi rảnh được tí thì đã khuya, cả chồng con đều ngủ nên dù nhớ lắm chị cũng ít gọi. Anh Đảm kể, chị Được gầy đi nhiều, nhưng may mắn là không nhiễm dịch nên cứ mỗi khi có việc là lại lao đi cùng anh chị em. Anh nói với con là lần này mẹ đi công tác còn lâu hơn đợt trước. Nhớ mẹ thì phải chăm ngoan.

Mỗi ngày chị Được và đồng nghiệp thay ca theo xe đi vận chuyển bệnh nhân, người cần cách ly gần chục chuyến. Đi làm thì thôi, cứ về Trung tâm nghỉ ngơi được một tí thì nhớ mấy đứa con nhỏ. Biết là có chồng chăm sóc nhưng lâu rồi không được ôm, không được mắng yêu tụi nó nên nhớ lắm. "Bệnh nhân rất cần mình vào lúc này. So với họ, khó khăn của mình chưa là gì cả. Mong sao dịch bệnh được chặn để không còn cái cảnh cách ly, phong tỏa, mình càng ít việc thì người dân mới khỏe mạnh", chị Được mong mỏi.

CÔNG KHANH