Nhật lo bị “ra rìa” trong ván cờ Triều Tiên

Thứ tư, 04/04/2018 10:24

Những chuyến thăm con thoi lần này của giới chức Nhật diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào ngày 27-4 và có thể là hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 5 tới. Đây là bước đi nhằm ngăn việc Tokyo bị đẩy ra ngoài cuộc thảo luận về vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến Mỹ từ ngày 17 đến 20-4 và tổ chức 2 ngày hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump tại Câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông chủ Nhà Trắng ở Florida. Và trước chuyến thăm của ông Abe, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono sẽ đến Hàn Quốc vào tuần tới. Nội dung trọng tâm của những chuyến thăm con thoi này không gì khác ngoài vấn đề Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 11-2017. Ảnh: AP

Trọng tâm Triều Tiên

Ngoại trưởng Kono cho biết, việc thúc đẩy chuyến thăm tới Hàn Quốc lần này là thực hiện theo đề xuất của Thủ tướng Abe. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên sau 28 tháng kể từ chuyến đi của cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida để đàm phán về vấn đề “phụ nữ mua vui”. Trong bối cảnh khó tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng, Tokyo muốn thông qua Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để chuyển tải lập trường của Nhật Bản về vấn đề này.

Và không chỉ nhắm đến Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản sẽ đến Mỹ sau đó. Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định, trọng tâm chuyến thăm Mỹ sắp tới là thảo luận về vấn đề Triều Tiên trước phiên họp thượng đỉnh dự kiến giữa Bình Nhưỡng với Seoul và với Washington. “Tôi hy vọng sẽ thảo luận kỹ lưỡng về Triều Tiên và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm giữa Nhật và Mỹ”, ông Abe nói tại một cuộc họp các đại diện từ liên minh cầm quyền và chính phủ của ông.

Ông Abe đã nói cũng muốn nhắc nhở ông Trump về tên lửa tầm ngắn và các mối đe dọa an ninh khác của Triều Tiên đối với Nhật Bản và tìm kiếm sự trợ giúp của Nhà Trắng về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc từ mấy thập kỷ trước. Trong bối cảnh dự kiến các cuộc gặp thượng đỉnh riêng rẽ giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Trump lần lượt diễn ra vào tháng 4 và tháng 5, Nhật lo ngại, vấn đề bắt cóc nêu trên có khả năng sẽ bị gác lại.

Mối lo “bị bỏ rơi”

Lâu nay, Nhật Bản vẫn duy trì lập trường cứng rắn trong đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, mới đây, Tokyo lại ngỏ ý muốn đàm phán thượng đỉnh với Bình Nhưỡng sau các cuộc gặp giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, triển vọng về cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un, cũng như cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, dường như buộc Tokyo phải suy xét lại quan điểm. Thực tế là, trước khi ông Trump đồng ý gặp ông Kim Jong-un, chính quyền của Thủ tướng Abe luôn thể hiện là bên cứng rắn nhất trong khu vực, gây sức ép tối đa đối với Bình Nhưỡng. Giờ đây, khi Mỹ bất ngờ đổi giọng, Nhật Bản lo ngại lộ trình ngoại giao hiện nay có thể bỏ qua việc giải quyết năng lực tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên, cũng như vấn đề công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc thời Chiến tranh Lạnh. Nói rõ ràng hơn, Nhật lo sẽ bị “bỏ rơi” trên diễn đàn quốc tế khi mà tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang thay đổi chóng mặt.

Giờ đây, Thủ tướng Abe đang phải đối mặt với thời điểm không chắc chắn. Tổng thống Trump là một người khó đoán. Nếu bất cứ điều gì có thể giúp nâng tỷ lệ ủng hộ trong nước của ông, ông Trump sẽ chấp nhận. Nếu Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ, Washington chắc chắn không hứng thú ngồi xuống với Nhật. Điều này sẽ khiến vị thế của ông Abe trở nên rất khó khăn.

Đó là lý do vì sao những chuyến thăm con thoi lần này của giới chức Nhật diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào ngày 27-4 và có thể là hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 5 tới. Đây là bước đi nhằm ngăn việc Tokyo bị đẩy ra ngoài cuộc thảo luận về vấn đề bán đảo Triều Tiên.

KHẢ ANH