Nhật tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục

Thứ năm, 15/01/2015 09:14

(Cadn.com.vn) - Mức ngân sách quốc phòng thường niên lớn chưa từng có trong lịch sử của Nhật Bản có thể sẽ khiến Trung Quốc phải dè chừng.

Chính phủ Nhật Bản ngày 14-1 thông qua mức ngân sách quân sự lớn chưa từng có trong lịch sử, 41,97 tỷ USD, cho năm tài chính 2015 trong nỗ lực cân bằng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Theo AFP, trong năm tài khóa này, bắt đầu từ tháng 4-2015 đến 3-2016, Tokyo sẽ tăng 2,8% trong chi tiêu quốc phòng lên 4.980 tỷ yên (41,97 tỷ USD). Đây là mức ngân sách quốc phòng lớn nhất của quốc gia Đông Bắc Á này, tăng 3 năm liên tiếp trong bối cảnh Thủ tướng cứng rắn Shinzo Abe của Nhật Bản tăng cường giám sát các vùng lãnh hải trong cuộc xung đột với Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Mức ngân sách cao nhất trước đó là 4.960 tỷ yên cho năm 2002.

Trung Quốc phản ứng thận trọng trước động thái này. “Chúng tôi hy vọng Nhật sẽ lấy lịch sử làm tấm gương và đi theo lộ trình phát triển hòa bình...”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói.

Thủ tướng Nhật Bản nhất trí chi 41,97 tỷ USD cho quốc phòng trong năm tài chính 2015. Ảnh: AFP

Tăng cường sức mạnh quân sự

Đây là số tiền dành cho việc mua sắm máy bay, tàu hải quân và các phương tiện chiến đấu bảo vệ vùng biển giáp Trung Quốc, nơi đang xảy ra tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Một trong số các mặt hàng cần mua là 20 máy bay tuần tra P-1, máy bay V-22 Osprey cùng với 6 máy bay chiến đấu tàng hình công nghệ cao F-35A... Ngoài ra, Tokyo cũng đang ngắm nghía đến đội máy bay không người lái Global Hawk cũng như 30 xe lội nước và một máy bay cảnh báo sớm E-2D để bảo vệ khu vực rìa, bao gồm cả quần đảo Nansei Shoto nằm giữa biển Hoa Đông và Thái Bình Dương. Số tiền trong ngân sách năm 2015 cũng có thể dùng mua tàu khu trục Aegis và tài trợ cho các đơn vị giám sát triển khai xung quanh các hòn đảo phía nam Okinawa và Amami.

Từ năm 2013, nội các của ông Abe quyết định dành khoảng 2.470 tỷ yên trong khoảng thời gian giữa năm 2014 - 2019 để chi cho “bộ tứ”: máy bay, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và xe lội nước, trong sự thay đổi chiến lược hướng về phía nam và phía tây.

Tạo đối trọng với Trung Quốc

Thủ tướng Abe đảo ngược các biện pháp cắt giảm chi tiêu quân sự áp dụng một thập kỷ qua nhằm tăng cường vị thế cho chính phủ theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản. Xu hướng này phản ánh mong muốn của ông Abe, đó là, xây dựng quân đội tích cực hơn nhằm tạo sự đối trọng với quốc gia láng giềng lớn mạnh Trung Quốc.

Tuy nhiên, các mức tăng này của chính quyền Thủ tướng Abe vẫn còn khiêm tốn so với mức tăng 2 con số mà Bắc Kinh dành cho chi tiêu quốc phòng. Vì vậy, Tokyo đang ngày càng cảnh giác với quốc gia láng giềng hung hăng và vô lý trong tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông.

Trên thực tế, Nhật-Trung thường xuyên rơi vào tình trạng suýt đối đầu tại khu vực tranh chấp. Trong thời gian qua, tàu hải quân và máy bay quân sự Trung Quốc liên tiếp gia tăng các hoạt động trên khắp khu vực tranh chấp. Thủ tướng Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 12-2014, lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, trong đó nhất trí nỗ lực giảm căng thẳng. Hôm 12-1, các quan chức quốc phòng hai nước nối lại đàm phán về việc thiết lập đường dây nóng, lần đầu tiên kể từ tháng 6-2012, nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ bất ngờ ở biển Hoa Đông.

Song song đó, nhà lãnh đạo bảo thủ Abe cũng có những chuyến công du không mệt mỏi để củng cố quan hệ với các nước, đặc biệt là Đông Nam Á nhằm chống lại quyền lực Trung Quốc.

Khả Anh