Nhật-Trung vẫn bế tắc

Thứ ba, 16/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ Nhật-Trung không rõ rồi sẽ đi về đâu khi những con tàu chiến của hai gã khổng lồ Châu Á vẫn đang quẩn quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp.

Theo báo Kyodo của Nhật Bản, ngày 16-10, 7 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đi qua vùng tiếp giáp lãnh hải xung quanh đảo Okinawa của nước này, động thái làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã tranh chấp gay gắt ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Tàu chiến Trung Quốc lại “dòm ngó” Nhật Bản

Theo nguồn tin này, đây là chuyến đi thứ hai của tàu chiến Trung Quốc tại vùng biển gần Nhật Bản kể từ sau sự kiện “quốc hữu hóa” của Tokyo. Trước đó, hôm 4-10, các tàu nói trên được cho là đi qua vùng biển giữa đảo chính của Okinawa và đảo Miyako.

Bộ Quốc phòng cho biết, một máy bay của Nhật Bản phát hiện 7 tàu chiến này lúc 7 giờ ở khu vực cách đảo Yonaguni thuộc tỉnh Okinawa khoảng 49km về phía Nam-Đông Nam. Bộ Quốc phòng ám chỉ vùng biển này được quốc tế công nhận là của Nhật Bản và Tokyo cần theo dõi chặt chẽ hành động này từ phía các tàu chiến Trung Quốc.

Trong bối cảnh vụ tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước vẫn đang gay gắt như thế này, người Nhật và các doanh nghiệp Nhật ở Trung Quốc luôn “đứng mũi chịu sào” và bị ảnh hưởng nặng nề. Theo AFP, hãng sản xuất ô-tô Toyota của Nhật Bản ngày 16-10 tuyên bố có kế hoạch ngừng sản xuất trong tuần tới tại nhà máy lắp ráp lớn nhất ở Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu ô-tô sụt giảm nghiêm trọng. Việc ngừng sản xuất diễn ra trong một tuần, bắt đầu từ ngày 22-10 tới, tại nhà máy Thiên Tân FAW - chiếm khoảng 60% sản lượng của Toyota ở Trung Quốc.

Người biểu tình Trung Quốc hất tung ô-tô Nhật Bản trên đường phố. Ảnh: AP 

Người phát ngôn của ToyotaTokyo từ chối bình luận về thông tin trên, chỉ nói “việc điều chỉnh sản xuất là việc làm thông thường của Cty”. Tuy nhiên, thực tế rõ ràng trước mắt là doanh thu của Toyota cùng các hãng ô-tô khác của Nhật Bản như Honda và Nissan đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở Trung Quốc - thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.

Cùng ngày, một quan chức ngoại giao cho biết, 4 thực khách Nhật Bản đã bị tấn công ở Thượng Hải, khiến lãnh sự quán nước này một lần nữa phải cảnh báo các công dân của mình sinh sống ở Trung Quốc. Nhà ngoại giao trên cho biết, những kẻ tấn công người Trung Quốc hỏi họ có phải là người Nhật hay không. Điều đó có thể cho thấy tâm lý chống Nhật ở những đối tượng này.

“Trật tự mới” ở Đông Á

Máy bay Trung Quốc luyện tập trên tàu sân bay?
AP ngày 15-10 cho biết, Trung Quốc bắt đầu huấn luyện bay trên tàu sân bay đầu tiên có tên Liêu Ninh. Báo này đăng các bức ảnh rò rỉ cho thấy, các phi công của Hải quân Trung Quốc đang thực hiện các bài tập hạ cánh có độ khó cao. Tuy nhiên, hiện không rõ bức ảnh này được chụp tại đâu và cũng không thấy xuất hiện trên trang mạng nào của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hay truyền thông chính thức.

Những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản không phải là một tai nạn mà là đại diện cho những thay đổi lịch sử quan hệ hai nước trong 100 năm qua.

Đó không chỉ là một bước ngoặt quan trọng chứng tỏ tham vọng bá quyền của Trung Quốc mà còn phản ánh tình hình thực tại mới ở Đông Á, 60 năm sau  khi Thế chiến II kết thúc. Những xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản thực sự va chạm ở thời điểm bước ngoặt nhưng cũng có thể được coi là căng thẳng tạm thời xảy ra trong quá trình hình thành mới các mối quan hệ Trung -Nhật và trật tự mới ở Đông Á.

Từ cuộc chiến Trung-Nhật đầu tiên năm 1937, Tokyo vẫn luôn chiếm ưu thế trong các mối quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, thế lực thống trị này dường như được chuyển giao khi hơn 60 năm đã trôi qua. Từ việc thành lập một “Trung Quốc mới’ cho đến việc chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao Bắc Kinh-Tokyo năm 1972, Trung Quốc thực sự chuyển mình mạnh mẽ hơn Nhật Bản. Trong 30 năm qua, cải cách và mở cửa, Trung Quốc vượt Nhật Bản khi vươn lên trở thành nền kinh tế số 1 Châu Á và số 2 thế giới (chỉ sau Mỹ). Có lẽ, thành tựu phát triển kinh tế và vị thế địa chính trị của Trung Quốc khiến Nhật Bản thực sự bất ngờ. Để rồi trong khi Trung Quốc cứ di chuyển về phía trước, Nhật Bản tụt lại phía sau nền kinh tế.

Bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và nhất là một nền chính trị rối ren, Nhật Bản vì thế hay bị Trung Quốc “dòm ngó”.

Khả Anh