Nhật và bài toán “tái vũ trang”

Thứ bảy, 02/09/2017 10:24

Việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua không phận Nhật Bản không chỉ làm leo thang căng thẳng ở Đông Bắc Á mà còn khiến Tokyo “đứng ngồi không yên”. Nhiều người cho rằng, vụ việc cho thấy những hạn chế của Nhật trong vấn đề phòng thủ tên lửa. Và vấn đề đang được nói đến nhiều nhất hiện nay là liệu Nhật có nên tái vũ trang sau thời gian dài “ngủ yên” hay không?  Tất nhiên, bài toán lần này đang được đặt ra cho Thủ tướng Shinzo Abe.

Bị chấn động bởi vụ thử tên lửa Triều Tiên, Thủ tướng Abe ngay lập tức kêu gọi HĐBA LHQ tổ chức họp khẩn. Và Nhật cũng cần phải có một cuộc tranh luận cấp tốc tương tự ở nhà. Tên lửa của Bình Nhưỡng đã làm rung chuyển hòn đảo Hokkaido trước khi đâm xuống biển. Đây là hành động đặc biệt khiêu khích bởi vì Bình Nhưỡng trước đó chỉ thử tên lửa vệ tinh qua đất Nhật. Xét về mọi mặt, thành công lần này sẽ khuyến khích Bình Nhưỡng phóng thử các tên lửa tương tự, làm dấy lên lo ngại một tên lửa nào đó có thể bị hư hỏng hoặc rớt xuống một thành phố Nhật Bản.

Và tất nhiên, Nhật và Mỹ lúc đó sẽ phải quyết định có nên bắn hạ họ hay không, động thái làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột quy mô hơn. Nghiêm trọng hơn, hiện vẫn chưa rõ liệu các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Nhật có khả năng làm nhiệm vụ đó hay không. Tokyo hiện đang triển khai các thiết bị đánh chặn trên tàu, nhằm bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa Patriot trên mặt đất. Nhật đang cân nhắc bổ sung thêm các hệ thống đánh chặn mạnh hơn trên mặt đất, nhưng những hệ thống này sẽ tốn kém và có thể sẽ không thể ngăn chặn được một loạt các cuộc phóng tên lửa đồng thời của Triều Tiên.

Nhiệm vụ của ông Abe bây giờ là xây dựng các biện pháp hỗ trợ mạnh hơn. Trong nhiều năm, nền chính trị Nhật Bản bùng nổ những cuộc tranh luận về hiến pháp hòa bình Nhật – vốn chỉ cho phép Tokyo đáp trả hành động gây hấn trong những hoàn cảnh nhất định. Đã có những phàn nàn rằng, bản Hiến pháp này đặt Nhật vào hoàn cảnh rất hạn chế. Thủ tướng Abe đang nỗ lực viết lại hiến pháp này để tăng cường năng lực của lực lượng phòng vệ Nhật. Nhưng đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Nhà lãnh đạo Nhật từng nói, những thay đổi mà ông đưa ra sẽ không chỉ làm hợp pháp hóa các Lực lượng Phòng vệ hiện có của Nhật. Tuy nhiên, các tuyên bố của Thủ tướng Abe và các mối quan hệ với phe phái cứng rắn làm dấy lên nhiều nghi ngờ về mục đích của ông. Nhật đang mâu thuẫn với những thay đổi lớn như vậy đối với hiến pháp, thậm chí 3/4 trong số họ nói rằng, họ sẽ ủng hộ các cuộc tấn công dự phòng hoặc phản công nhanh nếu Triều Tiên sắp phóng tên lửa tới Nhật.

Rõ ràng, ông Abe nợ họ một cuộc tranh luận cởi mở, trong đó tất cả các bên cần có một phiên điều trần đầy đủ.

THANH VĂN