Nhật và cuộc bầu cử “để thay đổi”

Thứ bảy, 21/10/2017 10:20

Các cuộc bầu cử ở Nhật thường diễn ra trôi chảy, tức là không có gì phải bàn nhiều. Nhưng cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra vào ngày 22-10 tới lại là điều hoàn toàn khác biệt khi Thị trưởng nổi danh của Tokyo, bà Yuriko Koike, bước vào cuộc chiến.

Thủ tướng Abe và Thị trưởng Tokyo Koike trong một cuộc họp ở Tokyo hôm 8-10.  Ảnh: Forbes

Đảng Hy vọng mới của bà Koike xuất hiện với phong cách giống như đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, để thách thức quyền lực của Thủ tướng Shinzo Abe. Người phụ nữ đầu tiên điều hành thành phố lớn nhất Nhật Bản này rất có uy tín để thu hút một số ứng viên và tiến đến cải tổ chính trị.

Tuy nhiên, không giống như Tổng thống Pháp Macron, bà Koike phải đối mặt với khó khăn ngày càng leo thang trong nỗ lực “thủ tiêu” đội ngũ của ông Abe. Nhưng vấn đề đáng nói là dù chiến thắng hay thua cuộc, “hiệu ứng Koike” đang làm nóng ông Abe khi buộc nhà lãnh đạo Nhật phải cam kết thúc đẩy cải cách “Abenomics” nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát và cạnh tranh trong thời đại đối mặt với sự phát triển của Trung Quốc. Thủ tướng Abe cũng đang phải chịu áp lực để kết hợp một số chính sách tiến bộ của bà Koike. Tất cả đang khiến cho ngày 22-10 trở thành điểm thu hút kỳ lạ nhất: một cuộc bầu cử thay đổi ở Nhật Bản.

Hệ thống phòng không Patriot đặt tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật ở thủ đô Tokyo.  Ảnh: AFP

Cải cách kinh tế

Gần 5 năm, những nỗ lực cải cách kinh tế của Thủ tướng Abe chỉ thành công khiêm tốn. Có rất nhiều thay đổi về nới lỏng tiền tệ và tài chính nhưng không có thay đổi cơ cấu gì đáng chú ý.

Đó là lý do tại sao sự tăng trưởng dài nhất trong 11 năm qua đã không khiến mức lương tăng lên. Và bà Koike đang làm sống lại cuộc tranh luận cải cách với những kế hoạch táo bạo để đánh thuế tiền mặt quá nhiều vào các Cty, phá hủy điện hạt nhân, và cắt giảm thuế cho các hộ gia đình - không chỉ cho các Cty khổng lồ. Đảng Koike cũng muốn Nhật giành được một phần lớn hơn trong sự bùng nổ năng lượng tái tạo để tạo ra hàng triệu việc làm mới. Trong gần 62 năm cầm quyền, đảng LDP của ông Abe tạo ra một “ngôi làng hạt nhân” tương tự như khu phức hợp quân sự và công nghiệp của Mỹ. Bà Koike đang ảnh hưởng đến cả cuộc tranh luận về thuế và năng lượng vì sự thúc đẩy tốt hơn, buộc ông Abe phải có bước tiến và nghiêm túc hơn trong việc khôi phục kinh tế.

Sửa đổi hiến pháp

Cả ông Abe và bà Koike đều ủng hộ việc thay đổi “Điều 9” của Hiến pháp, mở đường cho Nhật thành lập quân đội và điều quân ra nước ngoài tham chiến.

Tuy nhiên, cả hai có cách tiếp cận khác nhau. Thủ tướng Abe ủng hộ việc viết lại hiến pháp thông qua Quốc hội. Bà Koike ủng hộ cách tiếp cận toàn diện hơn, có thể bao gồm một cuộc trưng cầu dân ý. Dù bằng cách nào, bất kỳ sửa đổi chính thức nào chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc và Hàn Quốc tức giận bởi họ lo sợ sự trở lại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Tuy nhiên, nếu LDP của ông Abe thắng, sửa đổi hiến pháp có lẽ chính là nhiệm vụ ưu tiên đầu tiên của chính phủ.

Nhân tố Donald Trump

Bà Koike đang làm một điều gì đó chưa từng nghe thấy trong thời đại Abe: đặt câu hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Donald Trump có ổn định hay không.

Thủ tướng Abe là người được xem là thân thiết nhất với ông Trump trong giới lãnh đạo thế giới.  Mọi việc bắt đầu với cuộc chạy đua khét tiếng của ông đến Tòa tháp Trump của New York tháng 11-2016. Khi đó, ông Abe hứa sẽ tạo ra 700.000 việc làm cho người Mỹ, 450 tỷ USD cho các thị trường mới và thậm chí có thể sử dụng các quỹ lương hưu công cộng để tài trợ cho kế hoạch về cơ sở hạ tầng của ông Trump. Mặc dù vậy, bà Koike lưu ý vấn đề, ông Trump đã quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có sự tham gia của Nhật, cố ý làm xáo trộn hoạt động của Toyota trong kế hoạch mở một nhà máy ở Mexico, và siết chặt đồng yen đang suy yếu.

Những tuyên bố nảy lửa của ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng khiến hầu hết 127 triệu người Nhật lo lắng về nguy cơ chiến tranh. Bà Koike xem ra đã đặt ra đúng vấn đề.

Kiềm chế Triều Tiên

Những vụ thử tên lửa của Triều Tiên, vốn bay qua vùng biển Nhật gần đây, đã đẩy cuộc khủng hoảng hạt nhân đến bờ vực chiến tranh. Từ những đứa trẻ đến trường tập luyện sơ tán cho đến những người đi trên tàu điện ngầm Tokyo cũng thảo luận về việc Nhật có nên phát triển vũ khí hạt nhân hay không.

Mặc dù cả hai phe ở Nhật đều ủng hộ một phương thức quyết đoán hơn, ông Abe tỏ ra mạnh mẽ hơn trong vấn đề này. Thủ tướng Abe chắc chắn sẽ khai thác một chiến thắng bầu cử khác để xây dựng lực lượng quân đội Nhật mạnh hơn chống lại Trung Quốc. LDP cũng có thể thực hiện các bước khác làm cho Bắc Kinh tức giận, bao gồm cả việc cài đặt các biện pháp phòng thủ tên lửa do Mỹ thiết kế. Việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên khắp Nhật Bản là một lựa chọn, trong khi các quan chức Nhật đã đến thăm đảo Guam để kiểm tra các hệ thống đánh chặn vũ khí Aegis. Một động thái nào đó sẽ làm thay đổi các tính toán địa chính trị từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng theo những cách không thể đoán trước.

Thúc đẩy chính sách “Womenomics”

Một trong những thành tựu nổi bật mà ông Abe đưa ra là cải thiện điều kiện cho lực lượng lao động nữ của Nhật với chính sách “Womenomics”. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhật là nước có tỷ lệ lao động nữ thấp nhất trong các nước phát triển. Một nửa sinh viên tốt nghiệp đại học ở Nhật là phụ nữ, nhưng 1/3 số phụ nữ muốn trở thành bà nội trợ sau khi kết hôn. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, hiện mục tiêu khiến cho nửa dân số còn lại “tỏa sáng” là cường điệu hơn thực tế.

KHẢ ANH