Nhặt xác sau bão Haiyan - gian nan và ảm đạm

Thứ tư, 20/11/2013 14:06

(Cadn.com.vn) - Siêu bão Haiyan qua đi nhưng nỗi đau của người dân ở thành phố Tacloban, Philippines, nơi bị thiệt hại nặng nề vẫn chồng chất. Trong đó, công việc cứu hộ, lượm xác chết được xem là nan giải, thê lương nhất. Đây là công việc không ai muốn làm, trong bối cảnh thời tiết lại nóng ẩm và liên tục có mưa.

Lặng người đếm số người chết

Thay vì  chữa cháy, đội cứu hỏa gồm 15 người của Don Pomposo được điều đến Tacloban lại phải làm công việc bất đắc dĩ, thu lượm xác chết kiêm "thống kê" số người bị tử vong sau siêu bão Haiyan.

Trong vài ngày trở lại đây, việc tìm kiếm xác chết, thu gom, chôn cất và khắc phục hậu quả đã khá lên, song mùi hôi thối từ xác người và động vật đang phân hủy phát ra khiến tiến độ chậm lại. Còn nhiều xác chết đang bị chôn vùi trong đống đổ nát đồ sộ mà người ta phải dùng đến cần cẩu, máy xúc mới thu dọn được. Trong khi đó, mùi hôi thối vẫn không ngưng phả ra.

Ngay trong buổi sáng cuối tuần vừa được điều động đến Tacloban, đội cứu hỏa của Don Pomposo và đồng nghiệp của ông là Vincent Albert Garchitorena tìm thấy 76 xác chết tại một khu phố. Mặc dù được trang bị bảo hộ đầy đủ song các nhân viên cứu hộ vẫn không tránh khỏi cảm giác nôn nao, lợm người. Theo Don Pomposo, chỉ cần đứng gần đống rác, trong đó có xác người là cảm giác rợn người bắt đầu xuất hiện. Mọi người được trang bị đầy đủ, từ mặt nạ phòng độc, khăn trùm, kính mắt... nhưng sự thật phải chứng kiến nên rất rùng rợn, nhất là thời tiết khi thì nắng như thiêu như đốt, lúc mưa như trút nước.

Một khung cảnh thật thê lương đến tội nghiệp.

Philippines chôn tập thể các nạn nhân sau bão Haiyan. Ảnh: CNN

Nỗi lo mắc bệnh tâm thần

Theo Tổ  chức Y tế Thế giới (WHO), bất cứ ai tham gia thu gom xác chết sẽ phải đối mặt với căng thẳng và dễ bị tổn thương tinh thần do phải chứng kiến những cảnh sốc. Vì vậy, họ phải được hỗ trợ tối đa.

Cảnh báo này của WHO rất hợp với hoàn cảnh của các nhân viên cứu hộ tại Tacloban. Theo Pomposo và Garchitorena, những gì họ chứng kiến vượt quá khả năng tưởng tượng lẫn kinh nghiệm bởi đây là việc họ chưa từng gặp bao giờ. Mỗi ngày, những người này phải thay quần áo bảo hộ, tắm hai lần nhưng mùi tanh vẫn không hết, thậm chí nó còn "lởn vởn" trong tâm trí họ, bởi phải chứng kiến nhiều cảnh "rợn người" như cảnh phân hủy của các bà mẹ đang mang thai sắp đến ngày sinh đẻ.

Mặc dù  siêu bão Haiyan qua đi nhưng tình hình của thành phố  Tacloban vẫn chưa được ổn định. Theo các nhân viên cứu hộ, trong khi họ phải làm những công việc bất đắc dĩ, tình trạng an ninh lại có chiều hướng diễn biến xấu, đặc biệt là nạn cướp bóc, hôi của. Nhiều người dân sống sót sau cơn bão, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em phải sống vất vưởng, chờ đợi sự cứu trợ và hy vọng mong manh về người thân của mình còn sống. Ngoài ra, còn phải kể đến những người vãng lai đến để tìm người thân, sự có mặt của các nhân viên cứu trợ quốc tế và các nhà báo nước ngoài và cả những kẻ cơ hội hôi của khiến tình hình Tacloban ngày càng trở nên rối ren, phức tạp.

Tacloban đang hồi sinh nhưng rất chậm

Edwin Manaus, chủ nhà hàng Haus Stephanie ở trung tâm Tacloban cho biết, cửa hàng của ông trước khi bão Haiyan ập tới rất đông khách và sầm uất, nổi tiếng với các món ăn tự chọn nhưng nay là đống hoang tàn, đổ nát.

Manaus rất muốn khai trương trở lại, dù chỉ tạm bợ nhưng không có điện và nước. Nghe nói phải mất vài tháng mới khôi phục được đường điện, đường nước. Edwin chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp của khu vực này đang lâm vào cảnh khốn khó. Theo Văn phòng LHQ điều phối các vấn đề nhân đạo (UN-OCHA), đến nay, có tổng cộng 4.460 người chết,  921.200 người di dời sau bão Haiyan. Số người bị ảnh hưởng bởi bão lên đến 11,8 triệu và tổng cộng 243.000 ngôi nhà bị phá hủy.

Kim Hùng (Theo LD/CNN)