Nhiệm vụ khó khăn của Nhà Trắng

Thứ sáu, 24/04/2020 09:09

Trong nhiều tuần, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cho thấy sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 khi tìm cách thuyết phục người Mỹ phá vỡ cuộc sống bình thường và “hãy ở nhà”. Giờ đây, khi Tổng thống Trump nhắm đến việc sớm mở cửa trở lại trên toàn quốc, ông phải đối mặt với một thách thức mới: thuyết phục mọi người rằng “đã an toàn” và “hãy ra ngoài tiếp tục cuộc sống bình thường”.

Người dân xuống đường ở California, Mỹ, đòi mở cửa trở lại. Ảnh: AP

Nước nào tỷ lệ chết vì Covid-19 cao nhất?

Dù là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới, Mỹ không phải là nước có tỷ lệ chết vì Covid-19 cao nhất.

Trong cuộc họp báo hồi tuần trước, Tổng thống Donald Trump đưa ra những con số thống kê về số ca nhiễm, tỷ lệ tử vong, hồi phục và cả tỷ lệ người chết trên số dân… của nhiều nước trên thế giới. Theo bảng so sánh, tỷ lệ người chết vì Covid-19 trên số dân ở Mỹ còn thấp hơn 6 quốc gia Châu Âu, trong đó quốc gia có tỷ lệ chết cao nhất thế giới là Bỉ. Tính đến ngày 22-4 (giờ địa phương), Bỉ với dân số hơn 11,4 triệu người đã ghi nhận 6.262 người chết vì Covid-19. Điều này nghĩa là nếu tính tỷ lệ người chết trên toàn dân thì cứ 1 triệu dân ở Bỉ có đến 540 người chết vì Covid-19, hơn cả Tây Ban Nha hay Italia và gấp 4 lần Mỹ. Dù ông Trump không nói sai nhưng cách so sánh của Mỹ cũng ngay lập tức đã khiến Bỉ nổi giận. Phía Bỉ gọi đây là một chiêu bài chính trị ghê tởm, khiến dư luận ngộ nhận tình hình dịch ở nước Bỉ là đáng sợ hơn nhiều so với Mỹ. Bỉ cũng đã giải thích về phương pháp thống kê số người tử vong và khẳng định việc bị coi là quốc gia có tỷ lệ tử vong do bệnh dịch cao nhất thế giới không phải là một sự so sánh công bằng.

T.NGUYÊN

Đã an toàn hay chưa?

Đây là một câu hỏi xác định cho một quốc gia đang bị bế tắc do đại dịch Covid-19- và là mệnh lệnh chính trị đối với ông Trump, nhà lãnh đạo luôn muốn mở cửa để phục hồi kinh tế. Mỹ có thể vượt qua nỗi sợ hãi về virus và sẵn sàng trở lại, làm những gì có thể để giảm thiểu rủi ro của Covid-19, nhưng có thể sẽ phải thừa nhận, đó có thể là một phần thực tế trong nhiều năm tới.

AP dẫn lời Kevin Hassett, một cố vấn Nhà Trắng và cựu Chủ tịch của Hội đồng Cố vấn kinh tế cho biết, “chúng tôi cần tạo ra sự tự tin ở Mỹ để khiến mọi người quay trở lại làm việc…”. Tại Nhà Trắng, các quan chức tin rằng, họ đã bước vào chương mới trong nỗ lực ứng phó với đại dịch, chuyển từ chế độ khủng hoảng sang giảm thiểu rủi ro và nỗ lực quản lý. Từ hôm 16-4, Nhà Trắng đã bắt đầu vào cuộc khi phát hành các hướng dẫn cho các thống đốc về cách mở cửa trở lại an toàn. Ông Trump và Phó Tổng thống Mike Pence cũng đã tôn vinh những người Mỹ vì đã thành công trong việc làm phẳng đường cong của bệnh dịch.

Một ngày sau đó, các quan chức y tế hàng đầu của chính quyền tìm cách trấn an người dân rằng, có rất nhiều xét nghiệm có sẵn để bắt đầu nới lỏng một cách an toàn. Các thống đốc đã dỡ bỏ các hạn chế mỗi ngày kể từ đó, bao gồm các động thái tích cực được công bố tại Montana và Oklahoma. Thống đốc Montana đã bật đèn xanh cho các trường học để mở cửa vào đầu tháng 5 và Oklahoma sẽ cho phép các tiệm hớt tóc, spa, làm móng và người chăm sóc thú cưng mở cửa lại vào hôm nay (24-4). Tuy nhiên, Tổng thống Trump, trong cuộc họp báo vào tối 22-4, đã chỉ trích Thống đốc bang Georgia, Brian Kemp, về kế hoạch mở lại táo bạo. “Tôi không đồng ý. Tôi nghĩ rằng đó là quá sớm”, ông chủ Nhà Trắng nói.

Thống đốc các bang ở Mỹ có những động thái trái ngược với những tin tức ảm đạm kéo dài trên khắp đất nước. Một nhà máy thịt ở Iowa, nơi cung cấp thịt quan trọng nhất nước Mỹ là nhà máy giết mổ mới nhất phải đóng cửa vì dịch bệnh. Với nền kinh tế suy thoái kéo dài, tàn khốc, Quốc hội đang đứng trước cơ hội thông qua dự luật cứu trợ trị giá gần 500 tỷ USD để củng cố các doanh nghiệp nhỏ.

Sẽ không lặp lại việc phong tỏa?

Ông Trump thẳng thừng hứa với người Mỹ rằng sẽ không lặp lại việc phong tỏa đất nước. “Chúng ta sẽ không trải qua những gì đã trải qua trong hai tháng qua”, ông nhấn mạnh. Điều này cho thấy một sự thay đổi mạnh mẽ sau khi ông Trump và các đồng minh nhấn mạnh mối đe dọa của một “kẻ thù vô hình” để thuyết phục mọi người tuân thủ các khuyến nghị giãn cách xã hội. Người dân Mỹ cũng lo sợ bởi số người chết ngày càng tăng và hình ảnh của những chiếc túi đựng xác được chất đống trong các xe kéo đông lạnh. Mặc dù đã có những cuộc biểu tình riêng rẽ ở các bang nhằm dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, nhưng hầu hết người Mỹ không tin rằng, việc ra ngoài sẽ an toàn vào lúc này, theo một cuộc khảo sát mới nhất từ Trung tâm Báo chí Công cộng Associated Press-NORC.

Tổng thống Trump đã dự đoán vào đầu tháng này rằng, nền kinh tế sẽ cất cánh như tên lửa khi chúng ta quay trở lại kinh doanh. Nhưng các chuyên gia nói rằng sự phục hồi sẽ chậm hơn nhiều. Không chỉ là chính phủ, mà cả các doanh nghiệp cá nhân sẽ cần phải thuyết phục nhân viên và người tiêu dùng rằng, họ có thể quay trở lại an toàn, một khi họ quyết định mở cửa trở lại. Giám đốc điều hành của Delta Airlines, Ed Bastian hôm 23-4 đã cảnh báo, các nhân viên hãy chuẩn bị cho một sự phục hồi chậm chạp, chậm chạp ngay cả khi đã kiểm soát được virus.

Dịch bệnh đã lây nhiễm hơn 2,6 triệu người và giết chết khoảng 180.000 người trên khắp thế giới, trong đó có hơn 45.000 người ở Mỹ, mặc dù con số thực sự được cho là cao hơn nhiều. Mark Schlesinger, một giáo sư về chính sách y tế của Yale, cho biết họ sẽ mất nhiều thời gian để mọi người cân bằng lại cảm xúc và rất khó để dự đoán được bao lâu. Vì vậy, ngay cả khi nhiều người lo lắng về tình hình kinh tế muốn quay trở lại làm việc, vẫn không rõ liệu người tiêu dùng có can đảm đến nhà hàng hay cửa hàng… hay không?

KHẢ ANH