Nhiệm vụ khó khăn của tân Ngoại trưởng Mỹ

Thứ bảy, 28/04/2018 14:29

Ngày 26-4 (giờ Mỹ), ông Mike Pompeo tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ, ngay sau khi Thượng viện bỏ phiếu phê chuẩn. Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trên cương vị mới này.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels, Bỉ.    Ảnh: AFP

Trong phiên bỏ phiếu, thượng viện Mỹ phê chuẩn ông Mike Pompeo làm Ngoại trưởng với tỷ lệ 57 phiếu ủng hộ và 42 phiếu chống. Việc bỏ phiếu thông qua ở Thượng viện được đẩy sớm lên ngày 26-4 để ông Pompeo có thể tham dự hội nghị ngoại trưởng NATO ngày 27-4 tại Bỉ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, ông Pompeo sau đó đã có lễ tuyên thệ trước Thẩm phán Tòa án tối cao Samuel Alito lúc 14 giờ. “Tôi vui mừng được làm Ngoại trưởng và hoàn toàn khiêm tốn với trách nhiệm này. Tôi mong được phục vụ người dân Mỹ và làm việc ngay lập tức”, tân Ngoại trưởng cho biết.

Tổng thống Donald Trump ca ngợi quyết định của Thượng viện và chúc mừng ông Pompeo trở thành Ngoại trưởng thứ 70 của nước Mỹ. “Một người yêu nước, tài năng, đầy năng lượng và trí tuệ như Mike lãnh đạo Bộ Ngoại giao sẽ là một tài sản quý báu của đất nước chúng ta vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử”, ông Trump nói trong một thông báo sau khi ông Pompeo được phê chuẩn. “Ông ấy luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên đầu. Ông ấy có sự tín nhiệm của tôi. Ông ấy có sự hỗ trợ của tôi”, ông Trump nói thêm.

Nhiệm vụ trước mắt

Trước mắt, tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề bao gồm việc cải tổ nhân sự trong Bộ Ngoại giao Mỹ, đàm phán quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh Châu Âu, quan hệ với Nga, thỏa thuận hạt nhân Iran... và đặc biệt là chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào đầu tháng 6, sự kiện thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Trước khi được đề cử làm Ngoại trưởng, ông Pompeo giữ chức Giám đốc CIA. Ông Pompeo, cựu nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ tới từ bang Kansas, thay thế ông Rex Tillerson, người bị Tổng thống Donald Trump cách chức vào tháng 3 vừa qua. Ông Pompeo, người được cho là có tư tưởng diều hâu, có thể kết hợp với tân Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton ủng hộ tư thế tích cực của ông Trump trên sân khấu thế giới.

Bà Ann Wright, một cựu đại tá của Quân đội Mỹ cho rằng, ông Pompeo là người phù hợp với vị trí Ngoại trưởng trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Mỹ hiện nay phải đối mặt với tình trạng ngân sách cắt giảm và thiếu hụt nhân lực ở các vị trí quan trọng. Bà nhận định: “Nếu ông Pompeo trở thành Ngoại trưởng Mỹ, tôi hy vọng ông ấy sẽ là người xây dựng lại khả năng của Bộ Ngoại giao, điều mà chúng ta đang cần để giải quyết vấn đề Triều Tiên cũng như vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran”.

Việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn ông Pompeo làm Ngoại trưởng diễn ra 1 ngày trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Ông Pompeo được đánh giá đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cuối tháng 3 vừa qua, ông Pompeo bí mật tới Bình Nhưỡng, nơi ông có cuộc gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh nhằm giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng giữa    ông Kim và ông Trump. Nhà Trắng tuần trước đã công bố chuyến đi, chứng thực vai trò trung tâm của  ông Pompeo trong quan hệ với   Triều Tiên.

Thông điệp gửi tới NATO

Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, ông Pompeo khởi hành đến Châu Âu tham dự Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Brussels, Bỉ. Một trong những thông điệp ông Pompeo mang đến từ Washington lần này là yêu cầu các quốc gia thành viên khác trong liên minh phải chi tiền cho hoạt động quân sự của liên minh.

Ông Trump muốn các thành viên khác tăng chi tiêu quân sự để giảm bớt gánh nặng cho Mỹ, thành viên lớn nhất của liên minh. Tuy nhiên, một số đồng minh không muốn thực hiện cam kết đã được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Anh hồi tháng 9-2016 là chi 2% GDP cho quân sự. Đây là vấn đề là nhạy cảm với các nước Châu Âu bởi khu vực này đang hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và chi tiêu quốc phòng ít được ưu tiên. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định rằng các đồng minh, đặc biệt là nước Đức giàu có, phải chi tiền để bảo vệ Châu Âu.

Sau Bỉ, ông Pompeo cũng sẽ tới Trung Đông, với các điểm dừng là Israel, Jordan và Saudi Arabia - các nước được chọn để thể hiện “tầm quan trọng của họ với vai trò là đồng minh và đối tác chính của Mỹ trong khu vực”. Tại đây, ông Pompeo sẽ phải nhanh chóng giải quyết một loạt các vấn đề bức xúc, bao gồm các cuộc xung đột kéo dài ở Syria và Afghanistan.

AN BÌNH