Nhiều bất cập trong đầu tư, quản lý hệ thống công viên, vườn dạo

Thứ ba, 23/07/2024 13:16

Hệ thống công viên, vườn dạo được xem như "lá phổi xanh" của các khu dân cư đô thị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt về thể chất và tinh thần của người dân. Tuy nhiên, việc qui hoạch, đầu tư, khai thác hệ thống công viên, vườn dạo tại TP Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập.

Công viên kết hợp với các trò chơi tại Khu đô thị Golden Hills.
Vườn dạo gần công viên Biển Đông quận Sơn Trà.

Hơn 4 triệu m2 được quy hoạch cho công viên, vườn dạo

Đà Nẵng hiện có 258 công viên, vườn dạo với hơn 4 triệu m2 được quy hoạch, trong đó 168 công trình đã được đầu tư, 28 công trình đang đầu tư và 62 công trình chưa đầu tư. Trong đó, quận Ngũ Hành Sơn có 68 công viên, vườn dạo, tổng diện tích hơn 1,8 triệu m2, hiện đã đầu tư 38 công trình, đứng đầu thành phố. Theo quy hoạch chung thành phố, tới năm 2030 Đà Nẵng có 1.394 ha đất cây xanh sử dụng công cộng. Từ trước đến nay, việc quy hoạch các công trình công viên, vườn dạo tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố được lập và phê duyệt theo hồ sơ quy hoạch của từng dự án, sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật tại dự án, chủ đầu tư bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành, khai thác sử dụng, duy tu, bảo dưỡng.

Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, việc đầu tư các công viên, vườn dạo do các quận huyện chủ động thực hiện từ ngân sách thành phố, đồng thời cũng đã bố trí nguồn ngân sách đáng kể để đầu tư các công trình công viên, vườn dạo lớn như Công viên APEC (tổng mức đầu tư 759 tỷ đồng), Công viên Thanh niên (tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng), Công viên phía trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu (tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng)… Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã chi ngân sách gần 500 tỷ đồng đầu tư gần 70 công viên, vườn dạo trên địa bàn. Kinh phí bố trí cho các quận, huyện thực hiện duy tu, bảo dưỡng hệ thống công viên, vườn dạo hằng năm cũng tăng, trung bình hơn 80 tỷ đồng/năm.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, HĐND TP Đà Nẵng, các khu công viên, vườn dạo trên địa bàn thành phố đóng vai trò như lõi xanh trong khu dân cư, góp phần điều hòa không khí, cải thiện môi trường sống của người dân. Các công viên có quy mô lớn là những điểm nhấn kiến trúc ấn tượng của thành phố, trở thành địa chỉ quen thuộc tổ chức các sự kiện văn hóa - chính trị - xã hội tại khu vực. Không gian xanh mát với hệ thống cây xanh được thiết kế đẹp, được đầu tư lắp đặt các thiết bị tập thể dục và thiết bị vui chơi đáp ứng cơ bản nhu cầu tập thể dục, vui chơi giải trí của người dân.

Còn đó những bất cập…

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng nhìn nhận, việc bố trí quy hoạch sử dụng đất cho công viên, vườn dạo tại một số khu dân cư trên địa bàn thành phố chưa đồng bộ, còn manh mún, chủ yếu là bố trí công viên, vườn dạo tại các khu đất khó khai thác thương mại, dịch vụ, đất ở; một số dự án đầu tư xây dựng công viên, vườn dạo chưa thực hiện bước lập quy hoạch chi tiết dẫn đến vướng mắc, chậm trễ tiến độ trong quá trình triển khai đầu tư. Do đó, Đoàn giám sát kiến nghị cần ban hành quyết định về danh mục vị trí công viên, vườn dạo trên địa bàn thành phố và công bố công khai các địa điểm quy hoạch công viên, vườn dạo để người dân biết, giám sát. Với đất đã phê duyệt qui hoạch công viên phải quản lý chặt chẽ, không điều chỉnh sang mục đích khác. Với quỹ đất đang sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, đất sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, di dời mồ mả trong khu nội thị, đất cho thuê hết thời hạn... cần để ưu tiên phát triển công viên, vườn dạo tại các khu dân cư.

Công viên kết hợp với các trò chơi tại Khu đô thị Golden Hills.

Cũng theo Đoàn giám sát của HĐND TP, tại các dự án lớn như Khu đô thị Phước Lý… cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và bàn giao đất cho người dân xây dựng nhà ở từ lâu. Ước tính mật độ xây dựng nhà ở tại khu vực đạt gần 60%, tỷ lệ dân cư cũng tăng lên nhanh chóng theo từng năm, nhưng hệ thống các công viên, vườn dạo tại các khu đô thị này chưa được quan tâm đầu tư, không đáp ứng được nhu cầu của người dân, gây bức xúc trong nhân dân. Đoàn giám sát đề nghị đôn đốc, nhắc nhở và yêu cầu các nhà đầu tư khẩn trương đầu tư hoàn thiện các công trình công viên, vườn dạo, vườn hoa theo quy hoạch được duyệt tại các khu đô thị như dự án Khu đô thị thương mại cao tầng Phương Trang, Khu đô thị phía Bắc hồ Bàu Tràm, Khu đô thị Dragon city, Khu đô thị Golden Hills City, Khu đô thị Phước Lý, Khu Đô thị Nam Việt Á...

Đồng thời cam kết trách nhiệm với thành phố liên quan đến kinh phí duy tu, bảo dưỡng và sớm hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng các công viên, vườn dạo theo quy hoạch được duyệt nhằm đảm bảo đồng bộ hệ thống công viên, vườn dạo trên địa bàn thành phố. Trường hợp các chủ đầu tư không thực hiện theo đúng cam kết, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan có biện pháp, chế tài xử lý mạnh để đảm bảo đầu tư công viên, vườn dạo phục vụ nhu cầu của nhân dân và cải thiện cảnh quan môi trường tại khu vực.

Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số bất cập khác như các công viên, vườn dạo tại Khu dân cư Phú Mỹ An (Công ty 579), Khu dân cư cầu Tuyên sơn (Nam Việt Á)…đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa bàn giao cho địa phương quản lý; công viên Phong Bắc, công viên Nguyễn Xuân Hữu quận Cẩm Lệ…vệ sinh môi trường chưa tốt, gây mất mỹ quan; nhiều công viên các thiết bị hư hỏng nhưng chưa được quan tâm bố trí nguồn kinh phí sửa chữa, bảo trì dẫn đến nguy cơ mất an toàn…

Đoàn giám sát cũng kiến nghị sớm nâng cấp công viên, vườn dạo tại các khu vực chính, cửa ngõ vào thành phố nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan; sớm triển khai dự án cải tạo công viên 29/3, mở rộng công viên Trung tâm hành chính Liên Chiểu, công viên Trung tâm VHTT Hòa Cầm; xây dựng phương án đầu tư tạm các khu đất trống làm công viên, vườn dạo, vườn hoa phục vụ nhu cầu của người dân, giảm thiểu tình trạng đổ rác thải, xà bần gây ô nhiễm môi trường và tốn kinh phí xử lý của các quận, huyện.

Hải Quỳnh

Vì sao chưa thể tái thiết đô thị khu trung tâm Đà Nẵng?

Đà Nẵng có nhiều khu vực đô thị ở trung tâm cần tái thiết, tuy nhiên nguồn lực thực hiện rất lớn, ngân sách không thể đáp ứng. Do vậy, thành phố đã lựa chọn một số khu vực trung tâm có diện tích phù hợp để kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư. Nhưng vì sao đến nay nhiều khu vực đô thị trung tâm được đề xuất tái thiết vẫn chưa thể thực hiện?

Nhiều bất cập trên đường vành đai phía Tây Đà Nẵng

Dự án tuyến đường vành đai phía Tây Đà Nẵng có chiều dài 19km từ xã Hòa Liên đến xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng. Do tiến độ thi công chậm, kéo dài, đến tháng 5-2024, dự án mới thông tuyến. Đường chưa làm lễ khánh thành nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập trong thiết kế, thi công ảnh hưởng đến đời sống dân sinh khu vực tuyến đường