Nhiều bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục nhờ kỹ thuật "ngủ đông"

Thứ tư, 20/05/2020 14:55

Sau một thời gian ngắn triển khai phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, Bệnh viện Đà Nẵng đã hồi sinh ngoạn mục cho nhiều trường hợp bị ngừng tuần hoàn. Kỹ thuật hạ thân nhiệt trong cấp cứu ngừng tuần hoàn là một trong những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và hiện triển khai chủ yếu ở một số bệnh viện tuyến trung ương. Tại khu vực miền Trung, BV Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên áp dụng kỹ thuật này.

Hiện bệnh nhân Q. đã tỉnh táo hoàn toàn, bắt đầu tập sinh hoạt lại như cũ... 

Hồi sinh ngoạn mục cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn

Mới đây, ngày 8-5, anh N.M.Q (28 tuổi, trú Hà Nội) cùng hai người bạn tắm biển tại khu vực một resort trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) thì cả ba người đều bị nước cuốn trôi. Hai người bạn của anh Q. được cứu hộ kịp thời nên chỉ bị choáng nhẹ, riêng Q. bị chìm trong nước khoảng 3 phút mới được cứu và đưa lên bờ. Mặc dù dã được sơ cứu tại hiện trường nhưng rất nhanh sau đó, nạn nhân bắt đầu suy hô hấp và rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Khi đến Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (HSTC-CĐ) BV Đà Nẵng, nạn nhân đã rơi vào tình trạng tím tái toàn thân, phản xạ ánh sáng kém, ngừng thở gần 20 phút và duy trì bằng nhồi tim liên tục, hôn mê sâu, khí máu toan chuyển hóa rất nhanh . Ngay lập tức các bác sĩ tại Khoa HSTC-CĐ đã thực hiện kĩ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy (kĩ thuật mới được áp dụng gần đây tại BV Đà Nẵng), đưa nhiệt độ xuống 33 độ C để giảm chuyển hóa tế bào, bảo vệ chức năng thần kinh của bệnh nhân, cùng với một số biện pháp hồi sức tích cực khác. Sau hơn 3 ngày "ngủ đông", bệnh nhân Q. được đưa về nhiệt độ bình thường, sau đó được đánh giá và rút máy thở, tập phục hồi chức năng. Sau đó, bệnh nhân Q. đã tỉnh táo hoàn toàn, bắt đầu tập sinh hoạt lại như cũ... 

Trước đó, tối 16-12-2019, khi vừa trở về nhà sau giờ tan học thêm, em Nguyễn Thị T. (17 tuổi, trú Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bất ngờ ngã, hôn mê nên được đưa vào BV Đà Nẵng cấp cứu. Ngay khi bệnh nhân T. được chuyển đến bệnh viện, các bác sĩ khoa cấp cứu đã thay phiên nhau ép tim bệnh nhân trong gần 20 phút. Sau đó, bệnh nhân được chuyển ngay vào Khoa HSTC-CĐ kèm báo động toàn viện tới các khoa liên quan và Ban Giám đốc. Các bác sĩ khoa HSTC-CĐ đã thiết lập hệ thống PiCCo và máy tạo nhịp tim tạm thời để dìu dắt tim bệnh nhân. Tuy nhiên, huyết áp của T. càng lúc càng giảm. Bệnh nhân T. được chẩn đoán viêm cơ tim. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chọn kỹ thuật hạ thân nhiệt để cứu sống bệnh nhân. Nhiệt độ bệnh nhân được kiểm soát ổn định quanh mức 33 độ C trong 24 giờ đầu nhằm bảo vệ não. Sau đó, sẽ nâng dần 0,15 độ C trong một giờ cho tới khi nhiệt độ cơ thể về mức bình thường. Sau 6 ngày, bệnh nhân T. đã dần mở mắt, chớp mắt, và cử động được. Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải chiến đấu với 2 bệnh lý: viêm phổi do vi khuẩn đa kháng thuốc và xuất huyết tiêu hóa nặng do loét dạ dày. Sau quá trình điều trị dài ngày tại Khoa HSTC-CĐ (BV Đà Nẵng), T. đã có thể giao tiếp, ăn uống, phục hồi vận động và không có bất cứ di chứng thần kinh nào...

Cũng trong thời gian này, Khoa HSTC-CĐ Bệnh viện Đà Nẵng đã dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt cứu thành công bệnh nhân Lê P.K. (30 tuổi, trú TX Điện Bàn, Quảng Nam). Được biết, bệnh nhân K. mắc bệnh lý Brugada di truyền. Khi đang chơi bóng đá, bệnh nhân đột ngột rơi vào tình trạng ngừng tim dẫn tới hôn mê. Nhờ được đồng đội tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực ngay trên sân bóng, sau đó đưa vào bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam), tim của bệnh nhân đã đập trở lại nhưng rối loạn không ngừng. Sau 40 phút từ khi ngừng thở, bệnh nhân được chuyển đến BV Đà Nẵng. Lúc này, bệnh nhân đã trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt, rối loạn nhịp tim, hôn mê sâu. Bệnh nhân K. được chẩn đoán ngưng tuần hoàn ngoại viện.

Các bác sĩ  Khoa HSTC-CĐ tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, dùng thuốc an thần, điều trị thở máy, tuy nhiên bệnh nhân K. vẫn hôn mê do thương tổn não sau ngừng tuần hoàn. Trước tình trạng khẩn cấp đó, các bác sĩ Khoa HSTC-CĐ đã  áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não cho bệnh nhân. Sau 3 ngày kiểm soát nhiệt độ cùng với điều chỉnh những rối loạn nhịp tim và huyết áp, bệnh nhân dần bắt đầu mở mắt, chớp mắt và cử động được. Sau đó, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, giao tiếp tốt, ăn uống được, phục hồi vận động, không có bất cứ di chứng thần kinh...

Tăng thêm sự sống cho người bệnh

Theo Bs.Ck 2 Hà Sơn Bình - Phụ trách Khoa HSTC-CĐ BV Đà Nẵng, điều trị hạ thân nhiệt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện chức năng thần kinh trung ương, chức năng não bộ ở những bệnh nhân ngừng tuần hoàn. BV Đà Nẵng đã áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt cho nhiều bệnh nhân, đem lại những thành công nhất định...

Bs.Ck 2 Hà Sơn Bình cho biết, ngừng tuần hoàn là trạng thái ngừng tim đột ngột, ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, phổi... xảy ra khi nạn nhân bị điện giật, đuối nước, đa chấn thương, sốc phản vệ. Về mặt lý thuyết, việc ngừng tim chỉ 3 phút mà không cấp cứu kịp tời, đúng cách đã có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, trong quá trình đưa nạn nhân đến cơ sở y tế, cần tiến hành ép tim theo đúng kỹ thuật để giúp nạn nhân hồi phục nhanh hơn về sau và tránh nguy cơ tử vong. Bs Bình chia sẻ: "Điều đáng sợ nhất đối với các bệnh nhân sau ngừng tim, đó là cho dù sống được nhưng để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Mức độ nhẹ là mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh. Mức độ nặng là liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê, sống thực vật. Hậu quả sẽ làm tăng gánh nặng chăm sóc, chi phí lên gia đình và xã hội. Chính vì vậy, việc cấp cứu hồi sức tim phổi tại cộng đồng đúng cách là vô cùng quan trọng".

Theo Bs.Ck 2 Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc BV Đà Nẵng, kỹ thuật hạ thân nhiệt trong cấp cứu ngừng tuần hoàn là một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Đây là kỹ thuật được khuyến cáo dùng để bảo vệ não cho những bệnh nhân ngừng tuần hoàn, bởi lúc này não thiếu oxy nuôi dưỡng dẫn đến bị phù, tổn thương não. Nếu như không có cách bảo vệ não tốt thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Hoặc nếu được cứu sống thì bệnh nhân có thể bị di chứng não rất nặng nề như sa sút trí tuệ, liệt, co giật, nằm tại chỗ, sống thực vật.  Chính vì thế, kỹ thuật hạ thân nhiệt giống như cho bệnh nhân "ngủ đông" để giảm quá trình chuyển hóa của não, giảm tình trạng tổn thương não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não, từ đó hỗ trợ tế bào não phục hồi.

Phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy đã mang lại cơ hội sống cho nhiều trường hợp bị ngừng tuần hoàn. Bởi nếu trước đây, các nạn nhân bị ngừng tuần hoàn dù bất kì lý do gì thì não vẫn bị tổn thương ít nhiều. Bệnh nhân hồi phục cũng bị những di chứng như mất trí nhớ, bị liệt, thậm chí là sống thực vật... Bs.Ck 2 Nguyễn Thành Trung khẳng định: "Hiện tại BV Đà Nẵng đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt trong cấp cứu ngừng tuần hoàn một cách thường quy, nhằm tăng thêm sự sống cho người bệnh mà không để lại bất kì di chứng nào".

LÊ HÙNG