Nhiều công trình đầu tư công kém hiệu quả
Tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng chiều 10-7, các đại biểu tập trung thảo luận chuyên đề đầu tư công trên địa bàn TP trong 15 năm qua.
Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng thảo luận về đầu tư công. |
Đầu tư công giúp thay đổi bộ mặt đô thị
Theo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề đầu tư công thì từ 2003 đến 2017, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn TP là 68.258 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 12%, trong đó nguồn tiền sử dụng đất nhiều nhất với hơn 35,7 ngàn tỷ đồng. Sau 15 năm, nguồn vốn đầu tư XDCB tăng 5,5 lần, tổng số dự án được phê duyệt là 2.500 dự án. Hoạt động đầu tư công đã được triển khai trên mọi lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả nổi bật, đưa đô thị Đà Nẵng tiến một bước dài cả về qui mô và chất lượng, ranh giới khu nội đô tăng gấp 4 lần, bộ mặt của đô thị được thay đổi từng ngày. Cũng theo đó, hạ tầng cơ sở được hoàn thiện, góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế TP. Tuy vậy, theo đại biểu Phan Thị Thúy Linh, đầu tư công tại Đà Nẵng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Trong giai đoạn 2003-2014 phần lớn nguồn lực đầu tư cho công tác khai thác quĩ đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư (chiếm hơn 45% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển). Do đó, các lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục... tỷ lệ đầu tư còn thấp. Mặt khác, do việc bố trí tái định cư cho các hộ dân giải tỏa nhiều dự án còn bị động, các hộ tái định cư nhiều khi không đồng tình về vị trí được bố trí, gây áp lực tạo quỹ đất tái định cư nên dẫn đến tình trạng quĩ đất tái định cư trên địa bàn hiện nay dôi dư nhiều. Tính đến nay, TP còn dư hơn 14,5 ngàn lô đất chưa bố trí, số lô đất trống chưa xây nhà ở lớn, hơn 100 ha đất nông nghiệp mất khả năng sản xuất do ảnh hưởng từ các dự án, tình trạng đất bỏ hoang còn nông dân thì mất việc.
Nhiều dự án dang dở kéo dài
Cũng theo bà Linh, nhiều công trình được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị động trong việc bố trí đất đai. Việc lựa chọn địa điểm mới cho các công trình còn thực hiện theo cách xử lý tình huống, chưa có kế hoạch lâu dài, chỉ khi nào phát sinh yêu cầu cấp thiết mới tìm địa điểm. Điển hình như qui hoạch đầu tư các bãi đỗ xe hết sức bức xúc đã có ý kiến rất nhiều nhưng khi thực hiện thì không có quĩ đất để xây dựng. Phần lớn các dự án tái định cư chưa đảm bảo các tiêu chí về sử dụng đất, chủ yếu tập trung tối đa cho nhiệm vụ phân lô đất ở, các chỉ tiêu đất dành cho cây xanh, công trình giao thông, thiết chế văn hóa, tiện ích công cộng chưa đúng quy chuẩn hiện hành. Một số khu tái định cư hình thành trong điều kiện áp lực về nợ đất tái định cư, cùng với nguồn vốn có hạn nên chưa tính hết đến việc khớp nối đồng bộ qui hoạch hạ tầng, thoát nước, nhất là các khu tái định cư ở Hòa Vang.
Đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, nhiều dự án dở dang kéo dài nhiều năm do công tác giải tỏa bàn giao mặt bằng kéo dài, thậm chí có những dự án, các tuyến đường chỉ vướng một vài hộ dân nhưng không giải tỏa được, làm ảnh hưởng tiến độ, không kết nối được giao thông, chậm đưa công trình vào sử dụng, hiệu quả kinh tế, xã hội bị hạn chế. Đến nay, toàn TP còn 267 dự án dang dở liên quan đến công tác giải tỏa đền bù. Ngoài ra, ông Triết cho biết, chất lượng các công trình đầu tư công không đảm bảo. Nhiều dự án không đánh giá đúng mức cần thiết, khi đưa vào sử dụng không hiệu quả như Nhà biểu diễn Đa năng, Bệnh viện y học cổ truyền (mới sử dụng đã xuống cấp), các khu chung cư, nhà ở xã hội (mới sử dụng chưa tới 10 năm đã xuống cấp nghiêm trọng phải tháo dỡ)... Đặc biệt, nhiều dự án sao chép thiết kế, khi đưa vào sử dụng không phù hợp với thực tế nhu cầu người dân, gây lãng phí, hiệu quả thấp. Ông Triết cho rằng, để nâng cao chất lượng công trình đầu tư công cần phải minh bạch trong đầu tư dự án để người dân theo dõi, giám sát. Cần thi tuyển đơn vị thiết kế, đấu thầu công khai đồng thời cần tham vấn đội ngũ kiến trúc của TP để có những thiết kế đẹp, phù hợp, tránh tình trạng sao chép. Ngoài ra, cần có cơ chế để gắn trách nhiệm của nhà thầu với công trình, không để tình trạng nhà thầu xây xong đi đâu không biết để công trình xuống cấp, kém hiệu quả.
Việc giải ngân vốn đầu tư công cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận nhiều. Đại biểu Cao Xuân Thắng nói việc giải ngân vốn đầu tư tỷ lệ giảm dần theo các năm, riêng 6 tháng qua mới đạt 17%. Nguyên nhân việc này chủ yếu do giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng tiến độ xây dựng dự án. Trong số 267 dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng hiện tại, riêng Q.Sơn Trà có 47 dự án, thường kéo dài trên 5 năm. Việc giải tỏa chậm theo ông Thắng do cơ chế điều hành, xử lý phát sinh trong quá trình giải tỏa đền bù có những vấn đề chưa đồng bộ. Các dự án từ lúc khảo sát, phê duyệt có nhiều thay đổi, dẫn đến các phát sinh như giá cả đền bù, bố trí tái định cư, nhưng các Chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng (Chủ tịch các quận, huyện) không đủ thẩm quyền giải quyết. Thường những vướng mắc như giá giải tỏa, bố trí đất TĐC phải chuyển lên Trung tâm khai thác quĩ đất từ đây mới trình lên lãnh đạo TP, mà quá trình này rất chậm. Từ thực tế đó, đại biểu Thắng cho rằng phải phân quyền mạnh hơn cho Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận huyện. Ngoài ra cũng phải thấy rằng, các dự án kéo dài nhiều năm, giá đất biến động liên tục có nơi tăng 100%, chênh lệch rất lớn, khiến vận động người dân giải tỏa rất khó khăn. Nếu giải quyết được tận gốc vấn đề đó, theo ông Thắng sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đầu tư công, mang lại hiệu quả thiết thực thúc đẩy kinh tế, xã hội TP phát triển.
Chất lượng nhiều khu tái định cư trên địa bàn TP chưa đảm bảo. |
Phải minh bạch, xử lý rõ trách nhiệm
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho biết, tình trạng các công trình dở dang, kéo dài khiến người dân rất bức xúc. Có những dự án kéo dài hơn 10 năm, điều này vừa khiến hiệu quả đầu tư thấp, vừa làm đời sống người dân không ổn định, sử dụng vốn không hiệu quả. Ông Trung nói: “Tiền có, đất có, chính sách có, con người có, tại sao vẫn để xảy ra những vướng mắc này? Cần phải minh bạch, xử lý rõ trách nhiệm, không để việc đùn đẩy trách nhiệm còn dân lãnh hậu quả”. Cũng theo ông Trung, phải công khai chủ đầu tư không hoàn thành nhiệm vụ, công khai các nhà thầu không đảm bảo tiến độ chất lượng đồng thời sẵn sàng loại bỏ để tạo môi trường lành mạnh cho các nhà thầu, tư vấn chất lượng được tham gia, như vậy mới nâng cao được chất lượng đầu tư công.
M.HẰNG - HẢI HẬU