Nhiều địa phương yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu sớm hoàn tuyến giao thông cho mượn để thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (đoạn Túy Loan-Tam Kỳ) đã đưa vào vận hành hơn 1 tháng, nhưng hiện vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến giao thông cần phải giải quyết tiếp, trong đó có việc hoàn trả mặt bằng đường cho các địa phương có cao tốc đi qua. Bởi trước đây, Quảng Nam đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho chủ đầu tư, nhà thầu được mượn đường địa phương làm đường công vụ tiếp cận công trường và cam kết nhà thầu phải hoàn trả lại nguyên trạng. Thế nhưng, ghi nhận thực tế rất nhiều tuyến đường đã bị hư hại xuống cấp nghiêm trọng sau khi cao tốc hoàn thành. Việc chậm trễ thực hiện cam kết đối với các địa phương ở Quảng Nam đã tạo ra sự bức xúc trong người dân.
Cao tốc đã đưa vào vận hành nhưng đường giao thông tại nhiều địa phương vẫn chịu cảnh nắng bụi mưa bùn. |
Tháng 12-2016, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư thi công sửa đoạn tuyến hư hỏng nặng và hoàn trả để đảm bảo lưu thông an toàn trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Thế nhưng đến nay, đa số các tuyến đường liên xã, liên thôn liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi vẫn chịu cảnh hư hỏng nặng nề. Tại xã Duy Sơn (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc xây dựng cao tốc. Hơn 3 năm qua tuyến đường đi vào trung tâm xã cũng đồng thời là tuyến vận chuyển vật liệu đất đá cung cấp cho công trình xuống cấp trầm trọng. Không thể kể hết nỗi khổ của người dân khi hằng ngày phải chịu cảnh nắng bụi mưa bùn mà việc tuyến đường này xuống cấp còn làm chậm tiến độ hoàn thành tiêu chí nông thôn mới của xã Duy Sơn. Không chỉ gây ra cảnh ngập úng của hàng trăm hộ dân ven cao tốc mà người dân cả xã Duy Sơn ai cũng bức xúc vì sự xuống cấp của tuyến đường, nhất là sau khi cao tốc đã đưa vào phục vụ mà chưa thấy chủ đầu tư triển khai sửa chữa đường. Ông Hùng (56 tuổi, nhà ở ngã tư Duy Sơn) bức xúc: "Không cần nói mà chỉ nhìn con đường ổ gà ổ voi như vậy cũng đủ hiểu thế nào rồi. Trường Tiểu học Duy Sơn và Trường THCS Nguyễn Thành Hãn có hàng trăm lượt học sinh đi ngang qua đây hàng ngày mà đường gập ghềnh nguy hiểm vô cùng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao".
Tương tự, tại xã Điện Tiến (TX Điện Bàn, Quảng Nam), người dân đã nhiều lần lên tiếng nhưng chủ đầu tư vẫn bình chân như vại. Theo đó, địa phương đồng ý cho 2 doanh nghiệp sử dụng đường liên thôn nối từ Tỉnh lộ ĐT 605 đi thôn 2 Thái Sơn và từ ĐT605 đi thôn Thái Cẩm. Cả 2 hợp đồng đều cùng phương thức hoàn trả tuyến. Thời gian cho mượn đến hết ngày 31-3-2017 và hoàn trả bắt đầu từ ngày 31-3 đến hết ngày 30-4-2017. Vậy nhưng, sau gần nửa năm, dù chính quyền và người dân nhiều lần phản ánh, yêu cầu thực hiện hợp đồng nhưng những tuyến đường trên vẫn chưa được hoàn trả tuyến. Nhà nằm ngay trên tuyến ĐT605, bà Văn Thị Minh (67 tuổi) cho biết: "Trước đây khi đơn vị thi công cho xe chở đất chạy ầm ầm chúng tôi đã phản ánh. Khi ấy lãnh đạo địa phương và đơn vị thi công vận động, đồng thời hứa khi nào cao tốc xong tuyến đường này sẽ được hoàn trả như cũ. Bây giờ cao tốc đã xong, đã thu phí các phương tiện thì hà cớ gì không chịu sửa chữa cho chúng tôi?".
Còn tại địa bàn H. Phú Ninh (Quảng Nam) vấn đề xây dựng cao tốc gây bụi bặm, nứt nhà, ngập úng, sạt lở đã tạo nhiều bức xúc trong suốt những năm qua. Hàng chục lần người dân phải dùng chướng ngại vật để ngăn không cho các xe đất đá chạy vì không thể chịu đựng được sự ô nhiễm. Tuyến Tam Kỳ - Phú Ninh, ĐT 615 trở thành ác mộng đối với các phương tiện nhất là khi mùa mưa đang đến gần. Ông Nguyễn Phi Thạnh- Chủ tịch UBND H. Phú Ninh, cho biết: "Huyện rất khó xử khi cử tri thắc mắc vấn đề đường xuống cấp. Thời gian tới huyện sẽ làm việc cụ thể với bên quản lý cao tốc để thống nhất thời gian triển khai sửa chữa. Nếu không khắc phục sẽ gây ra nhiều bức xúc, mất lòng tin phía người dân".
Tại cuộc họp với BQL Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào chiều 11-9, lãnh đạo các địa phương đã trình bày vấn đề hoàn tuyến, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường liên thôn, liên xã với chủ đầu tư và lãnh đạo UBND tỉnh. Tiếp nhận thông tin trên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu các bên liên quan, chủ đầu tư cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải phóng mặt bằng (không thuộc tuyến chính) đồng thời đề nghị phải giải quyết rốt ráo kiến nghị của nhân dân và địa phương thực hiện các cam kết mà chủ đầu tư, nhà thầu đã ký trước đó. Ngoài việc hoàn tuyến, các vấn đề còn tồn tại sau khi cao tốc được vận hành như nạo vét hạ lưu cống thoát nước bị vùi lấp; khôi phục mương thủy lợi cũng phải được khắc phục sớm.
ĐỒNG DAO