Nhiều dự án khốn khổ vì điều chỉnh quy hoạch

Thứ bảy, 07/09/2019 13:33

Nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà ở xã hội, điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông ven biển hay gỡ vướng cho doanh nghiệp đã được mổ xẻ tại kỳ họp thường kỳ HĐND Đà Nẵng chiều 6-9.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết thủ tục đầu tư các dự án rất rườm rà, tốn thời gian.

Không để dân ở "chui"

Ông Phan Thanh Long- Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho biết, theo kế hoạch, tiến độ thanh tra công tác xét duyệt, quản lý nhà ở xã hội tại chung cư An Cư 2 phải công khai trong tháng 7-2019, nhưng đến nay vẫn chưa xong, vì thế phải sớm công bố, xử lý rõ trách nhiệm. Tại chung cư Vicoland hiện còn 43 trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận và chủ đầu tư kiến nghị điều chỉnh giá. Cụ thể, 43 trường hợp này thuộc nhà A5, do chậm tiến độ mãi tới năm 2016 mới hoàn thành, mức giá chủ đầu tư đề nghị hơn 6,7 triệu đồng/m2 (các nhà khác trong dự án hoàn thành trước bán với mức giá hơn 5,2 triệu đồng/m2). Theo Sở Xây dựng, dự án này chậm tiến độ, chưa có quy định về việc điều chỉnh giá một số căn hộ trong cùng một khối nhà, dễ phát sinh khiếu kiện của người mua nhà theo đơn giá điều chỉnh, nên đã xin ý kiến Bộ Xây dựng. Và Bộ này trả lời không có cơ sở điều chỉnh giá bán 43 căn hộ còn lại của nhà A5 theo đề xuất của chủ đầu tư, đề nghị bán 43 căn hộ còn lại của nhà A5 theo giá bán bình quân được UBND TP phê duyệt trước đó.

Với dự án nhà ở xã hội KDC Mân Thái (Nest Home) hiện còn 131 trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận chủ yếu  vướng về tiêu chí thường trú, tạm trú. Theo Sở Xây dựng, đây là một trong những dự án nhà ở xã hội đầu tiên của TP kêu gọi đầu tư nên  doanh nghiệp (DN) chưa có nhiều kinh nghiệm đối với loại hình này, đồng thời tại thời điểm các dự án nhà ở xã hội mở bán không có nhiều nhu cầu mua, các dự án bán chậm phải 3-5 năm mới hết dự án. Bên cạnh đó, năm 2012 TP có công văn về đơn giá và phương án bán. Cụ thể, TP mua lại của chủ đầu tư 96 căn hộ, giá bình quân 5,8 triệu đồng/m2 để bán cho đối tượng cán bộ công chức khó khăn về nhà ở (do trước đây đầu tư nhà ở xã hội các chủ đầu tư không bán được nên khi phê duyệt đầu tư dự án TP đều mua lại một số căn hộ của dự án). Chẳng hạn dự án Blue House do Liên danh DMC-579 làm chủ đầu tư TP mua lại 230 căn hộ, dự án cuối tuyến Bạch Đằng Đông do Công ty Vicoland làm chủ đầu tư TP mua lại 100 căn hộ). Tại thời điểm chủ đầu tư ký hợp đồng với 131 trường hợp nêu trên, các đối tượng này chưa đủ điều kiện mua nhà ở xã hội theo quy định của Bộ Xây dựng (do cung cấp sổ tạm trú sau thời gian ký hợp đồng mua bán).

Hiện nay, để giải quyết tình trạng Giấy chứng nhận cho các hộ đã vào ở hơn 4 năm, TP giao chủ đầu tư kiểm tra lại hồ sơ và đối tượng đang ở, xét duyệt trên 3 tiêu chí: chưa có nhà ở; hiện đang ở và tạm trú tại căn hộ, không đóng thuế thu nhập cá nhân; làm lại hồ sơ có ký xác nhận tại địa phương gửi Sở Xây dựng kiểm tra trình UBND TP phê duyệt danh sách. Các trường hợp không đủ điều kiện giao chủ đầu tư thanh lý hợp đồng trả lại tiền bán, thu hồi căn hộ bán cho người khác đủ điều kiện, hoàn thành trong quý IV-2019.

Từ những bất cập, phát sinh xảy ra trong công tác quản lý nhà ở xã hội, TP đã cho rà soát quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội tại các dự án chung cư thương mại trên địa bàn. Hiện TP có khoảng 20 dự án phát triển nhà ở thương mại (chung cư thương mại) đã được phê duyệt quy hoạch, với hơn 6.000 căn hộ. Tất cả các dự án này có quy mô sử dụng đất dưới 10ha, quy hoạch được phê duyệt không có nhà ở xã hội. Theo quy định trên thì chủ đầu tư dự án phải lựa chọn hình thức "chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội, hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước".

Bị dừng hoạt động, nhà máy thép Dana-Ý kiện UBND TP Đà Nẵng đòi bồi thường gần 400 tỷ đồng.

Dana-Ý đòi bồi thường gần 400 tỷ đồng

Theo ông Long, Dana-Ý đã nộp đơn kiện TP yêu cầu bồi thường 399 tỷ đồng. Theo quy định tối đa Tòa phải đưa vụ việc ra xét xử vào tháng 11-2019. Do vậy, TP cần phải chuẩn bị kỹ chứng cứ, làm việc cùng các luật sư tham gia tố tụng theo quy định. Theo Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung, song song với việc chuẩn bị chứng cứ vụ kiện thì cần tính các giải pháp hòa giải với DN. Cơ sở việc dừng nhà máy là sai quy hoạch, vậy phải điều chỉnh quy hoạch thế nào, mà thế thì phải giải tỏa, phải tái định cư. Mọi phương án đều phải được chuẩn bị.

Cũng từ vụ việc của Dana-Ý, một số dự án ven sông, ven biển tạm dừng chờ quy hoạch cũng cần xúc tiến nhanh. Chẳng hạn như dự án Marina Complex và Olalani ven sông Hàn. Hiện công tác quy hoạch khoảng giữa 2 dự án này đang được tiến hành, đồng thời sẽ sơ bộ khái toán, xác định nguồn kinh phí bồi thường do điều chỉnh quy hoạch, vị trí các khu đất dự kiến hoán đổi. Được biết, diện tích quy hoạch giữa 2 dự án này là 5.900m2 gồm tổ chức lối đi bộ kết hợp cây xanh rộng 20m phía sông (9m (lối đi) + 6m (cây xanh) + 6m (lối đi) kết nối 2 dự án, tổ chức quảng trường tại khu vực phía Nam, bãi đỗ xe phía đường Lê Văn Duyệt.

Tương tự quy hoạch công viên công cộng trên cơ sở thu hồi một phần diện tích dự án KDL ven biển Hòn Ngọc Á Châu (264m x 271m, DT: 8,5ha). Chủ đầu tư dự án hiện nay vẫn chưa đồng ý với việc thu hồi đất dự án nhằm quy hoạch công viên công cộng, đã có văn bản khiếu nại các quyết định của UBND TP. Chủ đầu tư đề xuất TP chỉ thu hồi khoảng 60m về phía Nam tương đương khoảng 1,92 ha (kể cả bãi cát) nhằm hạn chế sự ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án. Đồng thời chủ đầu tư cũng đề nghị thành phố giao Sở TN- MT sớm thu hồi bãi cát công cộng phía Đông và chỉ đạo các ngành không thu tiền thuê đất đối với phần bãi cát này từ thời điểm điều chỉnh quy hoạch. Hiện chủ đầu tư tiếp tục kiến nghị dành một phần đất có chiều rộng 10m của dự án để làm lối đi bộ xuống biển, đồng thời đề xuất nâng tầng các công trình căn hộ du lịch cao 12 tầng thành 30 tầng.

Liên quan tới Quy hoạch khu vực Bãi tắm kết hợp công viên công cộng phía Bắc dự án khu du lịch ven biển của Cty DAP (dài 495m, rộng 100m, DT 4,95ha) hiện Cty này chưa đồng ý với việc thu hồi đất dự án. Chủ đầu tư đề xuất TP cho phép điều chỉnh quy hoạch trên phần đất còn lại của dự án là 30,2ha, mật độ xây dựng tối đa 25% và tổng diện tích sàn xây dựng bằng với quy hoạch được duyệt trước đây (diện tích sàn xây dựng khoảng 356.700m2) thì mới đồng ý để thu hồi đất. Hiện chủ đầu tư đã có kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng "thành phố không tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài... Đề nghị chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục triển khai theo quy hoạch được duyệt và hoàn trả 30% tiền thuê đất đã được giảm đúng số tiền ưu đãi tại thời điểm hợp đồng ký 2007...".

Ông Nguyễn Nho Trung cho biết, những dự án tạm dừng điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất UBND TP phải chỉ đạo tiến hành nhanh, khẩn trương có kết quả để công khai. TP điều chỉnh quy hoạch vì cộng đồng, được cho người dân nhưng cũng phải hài hòa với lợi ích DN. Hai dự án Marina Complex và Olalani dừng điều chỉnh quy hoạch gần 5 tháng rồi, đọc đơn phản ánh của DN mà chảy nước mắt, chậm trễ một ngày là thiệt hại biết bao nhiêu tiền bạc, từ tiền lãi ngân hàng, nuôi công nhân, phương tiện máy móc bất động... "Mình cứ nói đồng hành cùng DN thì phải gỡ khó, vướng cho họ, giải quyết rốt ráo những kiến nghị, còn uy tín, cam kết của TP, đừng để bị gắn với cái tên TP đi kiện", ông Trung chia sẻ.

Cũng tại cuộc họp thường kỳ, nhiều bất cập xoay quanh việc cải thiện tình trạng ngập úng mùa mưa, xử lý các nhà hàng ven biển gây ô nhiễm, hoàn thổ môi trường các mỏ khai thác đất đá, quá tải BV Phụ sản - Nhi cần khẩn trương đầu tư giai đoạn 2, hạn chế xe máy phượt trên bán đảo Sơn Trà, đầu tư thiết bị phục vụ phân loại rác tại nguồn... được nêu và đề nghị TP tập trung xử lý.

HẢI QUỲNH