Nhiều dự án trọng điểm thu hút đầu tư vẫn vướng

Thứ năm, 28/11/2019 11:59

Nhiều dự án xúc tiến đầu tư trọng điểm của Đà Nẵng chưa thể triển khai vì những vướng mắc về thủ tục. Điều này đòi hỏi Đà Nẵng cần có cơ chế linh động hơn để “gỡ vướng” cho nhà đầu tư.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng dở dang do thiếu vốn.

Trong 7 dự án quan trọng được Đà Nẵng trao thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư tại Diễn đàn đầu tư 2017 đến nay mới chỉ có 2 dự án được cấp phép đầu tư, 5 dự án còn lại đang  gặp nhiều vướng mắc, nổi bật là cảng Liên Chiểu và Làng đại học. Dù 2 dự án được đề cập từ hơn 15 năm qua, có tính chất động lực phát triển vùng song quá trình xúc tiến đầu tư trầy trật do những rào cản lớn về nguồn vốn, quy trình thủ tục... Dự án cảng Liên Chiểu quy mô 220 ha hiện đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ GTVT; trình bộ KH&ĐT thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Tháng 4-2019, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội bổ sung dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn và bố trí vốn cho dự án 300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng 10% của Trung ương. Dự án Khu đô thị Đại học được Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương triển khai, đồng thời Bộ GD&ĐT đã ban hành thông báo chỉ đạo Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) thực hiện các bước cần thiết cho việc chuẩn bị đầu tư. Hiện dự án đã được lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 và đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 2-2019. ĐHĐN cũng đã có báo cáo gửi Bộ KH&ĐT xin bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020  là 1.508 tỷ đồng. Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ  bổ sung vốn trung hạn cho dự án và đã được chấp thuận. Liên quan tới chủ trương vay vốn ODA, ĐHĐN đã làm việc với nhóm chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) thống nhất đề xuất Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết  với tổng vốn 111 triệu USD (vốn vay WB 100 triệu USD, vốn đối ứng TW 11 triệu USD) được thực hiện dưới hình thức cấp phát vốn. Hiện các Bộ Tài chính đang xin ý kiến các địa phương liên quan để hoàn thiện trình Thủ tướng quyết định. Riêng về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương triển khai thực hiện và phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư. Các sở ngành liên quan của TP đang tích cực triển khai.

Khu vực đất tại P. Thanh Bình, Q.Hải Châu được xúc tiến xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2.

Tại Tọa đàm mùa Xuân 2019, Đà Nẵng cấp phép cho 8 dự án và trao thông báo cho phép nghiên cứu 11 dự án. Từ đó đến nay, Đà Nẵng đã tập trung điều hành nhằm xây dựng lộ trình đầu tư và giải quyết vướng mắc cho từng dự án cụ thể. Tuy nhiên tất cả các dự án nằm ngoài Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đều gặp vướng mắc, trễ tiến độ so với kế hoạch. Không ít dự án quan trọng khác cũng chưa thể triển khai vì vướng mắc thủ tục. Đơn cử như Khu Công viên phần mềm số 2 (5,3ha tại Thanh Bình, Q.Hải Châu) đã được TP giao BQL các dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư, Sở Xây dựng đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án này đã được đề cập từ rất lâu, đáng lẽ đã được đầu tư bởi tập đoàn lớn của Singapore từ APEC 2017, song vì vướng thủ tục đất đai nên đến giờ vẫn chưa thể đầu tư. Tương tự, dự án đầu tư các bãi đỗ xe, mặc dù quy hoạch 16 điểm kêu gọi đầu tư song mới chỉ có 1 điểm tại 255- Phan Châu Trinh  được đầu tư (đã vận hành thử nghiệm 3 tháng). Sở dĩ tiến độ đầu tư các bãi đỗ xe ì ạch vì những cơ chế, thủ tục chưa tạo động lực khiến nhà đầu tư mặn mà. 

Với nhiều dự án động lực khác được Đà Nẵng kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) cũng chuyển biến chậm vì gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tổng mức đầu tư dự kiến 2.200 tỷ đồng đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi. Cuối tháng 9-2019, Đà Nẵng đã phê duyệt Bộ tiêu chí Công nghệ- Môi trường - Kinh tế - Xã hội để đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hiệp xử lý rác thải rắn Khánh Sơn. Hiện nay dự án đang được thông báo mời gọi các nhà đầu tư tham gia lập hồ sơ đề xuất. Tuy vậy, dự án này đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư. Hoặc dự án xây dựng tuyến Tramway giữa Đà Nẵng - Hội An (dài 33 km, tổng vốn dự kiến từ 7,5-15 ngàn tỷ đồng) đã được TP bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cuối năm 2018, song đến nay Sở GTVT vẫn đang phối hợp với các đơn vị nghiên cứu phương án, thời gian và nguồn vốn đầu tư, đồng thời triển khai các bước tiếp theo dựa trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng.

Dự án Khu liên hiệp xử lý rác thải rắn rất bức xúc với Đà Nẵng nhưng chưa tìm được nhà đầu tư, trong khi hộp chôn lấp sắp được lấp đầy.

Trong vướng mắc về thủ tục dẫn tới nhiều dự án thu hút trọng điểm chậm trễ chuyển biến chủ yếu liên quan tới mặt bằng, đất đai và ưu đãi đầu tư. Chẳng hạn với các dự án PPP như bãi đậu xe, trung tâm logistics thông tin các dự án liên quan đến hiện trạng đất đai, các thủ tục pháp lý về đất đai, thời hạn đầu tư, các chính sách ưu đãi hỗ trợ từ TP nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư còn chưa đầy đủ. Với các dự án thương mại dịch vụ thì quỹ đất tại trung tâm hiện không còn; với các dự án y tế, giáo dục quỹ đất được quy hoạch hạn chế, vị trí phần lớn xa khu dân cư, không thuận lợi kêu gọi đầu tư; một số dự án động lực như cảng Liên Chiểu, Làng đại học chậm trễ tiến độ do chủ trương từ Trung ương. Để gỡ vướng cho các dự án đã được trao thông báo nghiên cứu đầu tư, TP cần sớm đấu giá đất với các dự án đã có mặt bằng đúng tiến độ. Mặt khác cần rà soát, tạo quỹ đất ngoài KCN đủ lớn để tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận, đầu tư dự án.

HẢI QUỲNH