Nhiều giải pháp giảm tải người nghiện trong cộng đồng (2)

Thứ tư, 27/08/2014 09:19

* Bài cuối: Cai nghiện tự nguyện và xã hội hóa cai nghiện

(Cadn.com.vn) - Từ đầu năm đến nay chỉ có 15 trường hợp đi cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm”- đó là khẳng định của ông Lê Minh Hùng-Chi Cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB & XH TP Đà Nẵng) khi trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng.

Khó khăn lắm gia đình và cơ quan công an mới vận động được anh N.C.T.A (trú đường Lý Tự Trọng, Đà Nẵng) viết đơn xin đi cai nghiện tự nguyện. Bản thân A. sử dụng hàng đá nhiều năm nay, mức độ nghiện càng ngày càng nặng. Sau khi được CAP lập hồ sơ khám bệnh, các bác sĩ cho biết A. có thể bị loạn thần nếu không điều trị cai nghiện kịp thời.

Trước sự vận động của gia đình và công an, A. đã tự nguyện viết đơn xin cai nghiện tự nguyện và được xét duyệt. Đây là trường hợp duy nhất đi cai nghiện tập trung của P. Thạch Thang thời gian qua. Một trường hợp khác là N.V.Q (trú đường Lê Duẩn) cũng đang trong diện xem xét. Q. từng lãnh án 9 năm tù về tội buôn bán trái phép chất ma túy, ra tù Q. tiếp tục tái nghiện và có dấu hiệu loạn thần, nhiều lần gây rối, dùng dao, gạch ném vào nhà người thân. Qua công tác vận động, Q. viết đơn xin đi cai nghiện tự nguyện, nhưng gặp khó khăn là ở khâu bảo lãnh của gia đình nên hiện vẫn chưa thể thực hiện được.

Hiện Q. được đưa vào bệnh viện điều trị một thời gian và tình hình đã có dấu hiệu ổn định hơn trước. Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm trường hợp thời gian qua được CA các phường và CAQ Hải Châu lập hồ sơ quản lý, phối hợp với các cấp ngành địa phương vận động đi cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng còn dang dở vì gặp không ít khó khăn từ người nghiện và người thân của họ.

Nhóm đối tượng sử dụng ma túy tại một khách sạn bị CAQ Hải Châu phát hiện.

Qua tìm hiểu được biết, việc đi cai nghiện tự nguyện hiện được khuyến khích tại Đà Nẵng. Ngoài việc quy định thời gian cai nghiện ngắn hơn, các chế độ hỗ trợ khác, người cai nghiện tự nguyện còn được Trung tâm bố trí khu vực riêng nhằm hạn chế tiếp xúc giữa người cai nghiện tự nguyện với người cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra, bệnh nhân cai nghiện tự nguyện được hưởng các chế độ hỗ trợ: tiền ăn với mức 700.000 đồng/người/tháng, tối đa không quá 12 tháng cho tất cả bệnh nhân tham gia cai nghiện có hộ khẩu tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, sau 12 tháng sẽ miễn tiếp cho người thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Ngân sách TP còn hỗ trợ các khoản như tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn, cấp cứu, chi phí xét nghiệm và thuốc điều trị các bệnh cơ hội, tiền mua sắm vật dụng cá nhân hằng năm...

Theo ông Lê Minh Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục phòng chống TNXH (Sở LĐ-TB & XH), từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP Đà Nẵng chỉ mới tiếp nhận 12 trường hợp đi cai nghiện tự nguyện. Đây là một con số quá ít ỏi so với lượng người nghiện trong cộng đồng hiện nay. Để làm tốt công tác vận động tham gia cai nghiện tự nguyện tốt hơn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, người thân trong gia đình và chính cả bản thân người nghiện để họ hiểu được cái lợi của việc cai nghiện tự nguyện.

Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chính sách lâu dài trong việc miễn giảm tiền ăn, tiền thuốc cắt cơn, chữa bệnh, tiền sinh hoạt phí, có khu vực dành riêng cho người cai nghiện tự nguyện tại các Trung tâm cai nghiện. Đồng thời, có chính sách thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất, gia công với trung tâm và ưu tiên bố trí việc làm tại trung tâm cho người cai nghiện tự nguyện để họ có thêm thu nhập...

Một vấn đề khác liên quan đến cai nghiện tự nguyện đó chính là sử dụng methadone. Nhiều người đặt câu hỏi, không đi cai nghiện tự nguyện, không thu gom được con nghiện sao không cho họ sử dụng Methadone? Đó chính là do Methadone chỉ phù hợp với người nghiện heroin để cắt cơn sau đó duy trì liều ổn định, còn đối với những người nghiện ma túy tổng hợp, ma túy đá thì không có biểu hiện lên cơn “đói” thuốc nên cũng không thể áp dụng biện pháp điều trị bằng methadone.

Người nghiện nhận methadone tại Cơ sở điều trị methadone số 2, Đà Nẵng.

Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hai cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone gồm: Cơ sở số 1 được đặt tại 91-Nguyễn Đức Trung (Q. Thanh Khê) đi vào hoạt động từ tháng 10-2010 và Cơ sở số 2 đặt tại 163-Hải Phòng (Q. Hải Châu) đi vào hoạt động từ tháng 5-2011. Với quy mô điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân, nhưng hiện tại chỉ mới có khoảng 320 bệnh nhân điều trị. Để được tham gia chương trình điều trị, bệnh nhân phải đáp ứng những tiêu chí xét chọn đề ra, thời gian trung bình để đối tượng tham gia chương trình kể từ ngày đăng ký là từ 15 ngày đến 1 tháng (thời gian lâu nhất là 3 tháng). Chính vì có nhiều tiêu chí đề ra nên nhiều người nghiện đã không đáp ứng được do vậy nhiều trường hợp vẫn tiếp tục tái nghiện...

Bác sĩ Nguyễn Phú Đoan Trinh, Trưởng cơ sở điều trị Methadone số 2 Đà Nẵng cho biết: “Hiện cơ sở có 154 bệnh nhân đang điều trị. Hầu hết các bệnh nhân đều chấp hành tốt việc điều trị, đến uống thuốc đúng giờ theo quy định và cơ sở cũng thực hiện nghiêm ngặt chế độ quản lý bệnh nhân tại cơ sở điều trị. Tuy nhiên, methadone chỉ dành cho người nghiện heroin nên với những người nghiện ma túy đá vẫn chưa được áp dụng”.

Việc bệnh nhân điều trị bằng methadone đúng liều lượng, đúng giờ giấc sẽ giúp họ có thể làm việc bình thường nên mang tính nhân văn cao, giúp nhiều người hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, khó khăn nữa mà bác sĩ Trinh phân vân là hiện dự án điều trị bằng mathadone tại Đà Nẵng nhận viện trợ của nước ngoài, đến đầu năm 2015, dự án chỉ hỗ trợ thuốc mà không hỗ trợ các chi phí khác thì sẽ phải tính đến chuyện xã hội hóa, người bệnh sẽ chịu một số chi phí nên đó có thể là gánh nặng đối với nhiều người bệnh.

Được biết, để giải quyết vấn đề này hiện Sở Y tế TP đang xây dựng Đề án xã hội hóa điều trị methadone trình HĐND và UBND TP phê duyệt, trong đó ngân sách TP sẽ chi phí cho nhân sự của cơ sở điều trị methadone và hỗ trợ một phần chi phí cho bệnh nhân nghèo, thuộc diện chính sách; Dự án VAAC-US.CDC cung cấp thuốc methadone; bệnh nhân chi trả các chi phí khác liên quan, bao gồm: xét nghiệm cơ bản ban đầu, khám sàng lọc ban đầu, xét nghiệm nước tiểu thường xuyên... và các chi phí thường xuyên khác như nước uống, cốc uống thuốc sử dụng một lần, bảo quản thuốc...       

Nguyễn Tuấn