Nhiều mô hình canh tác thích ứng với hạn hán
(Cadn.com.vn) - Trong đợt hạn hán lịch sử niên vụ 2015-2016, nhiều nông dân ở Đắc Nông áp dụng các mô hình canh tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi... không những tránh được hạn hán mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Không có nước sản xuất, nhiều nông dân H. Cư Jút, tỉnh Đắc Nông chuyển sang nuôi bò, dê... đem lại thu nhập cao. |
Bài học từ thực tiễn
Trước thực trạng hạn hán gay gắt, hàng trăm héc-ta diện tích cây lúa nước bị cắt giảm, nhiều nông dân H. Cư Jút đã chuyển hướng sang chăn nuôi bò, dê... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hoàng Văn Quang, TT. Ea T'linh, H. Cư Jút có 4 sào đất lúa, do hạn hán kéo dài không trồng được lúa nên hai năm nay chuyển qua nuôi dê. Với 60 triệu đồng vốn ban đầu, ông Quang đầu tư mua 15 con dê bố mẹ, sau hơn một năm đàn dê đã phát triển được hơn 35 con, vừa bán 12 con dê thịt, dê giống thu về hơn 40 triệu đồng. Ông Quang chia sẻ: "nuôi dê trong điều kiện nắng hạn, thiếu nước như hiện nay nông dân cũng gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên so với trồng lúa thì thu nhập từ nuôi dê hiện nay cũng khá cao, với giá bán từ 120 - 130 nghìn đồng/1kg dê thịt thì chăn nuôi dê vẫn lãi gấp nhiều lần so với trồng lúa".
Ở xã Nâm N'đir, H. Krông Nô, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch khoai lang vụ sớm; trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, nhưng ai nấy cũng nở nụ cười phấn khởi bởi khoai lang năm nay được mùa, được giá. Ông Lê Văn Hùng, thôn Nam Phong, xã Nâm N'đir có 6 sào đất lúa, do xa nguồn nước, trồng lúa thường xuyên bị hạn nặng thiệt hại hoặc mất trắng nên năm nay chuyển sang trồng khoai lang và đã "trúng đậm". "Khoai lang trồng trên vùng đất đồi ven sông sinh trưởng rất tốt, năng suất lại vượt trội so với các nơi khác trong vùng. Trồng khoai lang vụ đông xuân giảm được chi phí đầu tư, hạn chế được rủi ro mất mùa do hạn hán; trong khi đó, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa nước. Nếu chủ động xuống giống khoai lang sớm sẽ đón đầu được giá cao. Hiện nay 1héc-ta khoai lang đạt trên 30 tấn củ, với giá bình quân dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/1kg thì người nông dân có thể làm giàu từ cây khoai lang..."- ông Hùng phấn khởi.
Còn tại vùng trọng điểm cà-phê H. Đắc Min, trong khi hàng nghìn hộ dân như ngồi trên lửa vì vừa qua cà-phê thiếu nước, năng suất sụt giảm, có khi phải chặt bỏ để ghép cây mới thì vườn cà-phê của ông Nguyễn Văn Hoàng, thôn 10, xã Đắc Lao lại đang phát triển xanh tốt, không bị ảnh hưởng nhiều của nắng hạn. Ông Hoàng chia sẻ: "Nguồn nước khan hiếm, để cây cà-phê phát triển xanh tốt, tôi đã chủ động trồng hàng cây chắn gió. Trồng xen vào rẫy nhiều cây xanh tạo bóng mát, cũng như độ ẩm cho cây cà-phê. Hiện nay khi cà-phê của nhiều hộ dân trong vùng bị khô hạn nặng, mất trắng, thậm chí chết cây thì cà-phê của tôi vẫn xanh mơn mởn, năng suất không bị sụt giảm so với các năm trước". Theo ông Hoàng, trồng cây che bóng nên chọn các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ booth... vừa có tác dụng che bóng, giữ được độ ẩm, mực nước ngầm lại vừa tăng thu nhập. Hiện với 3 héc-ta đất sản xuất, bình quân mỗi năm ông Hoàng thu về khoảng 600 triệu đồng, trong đó thu từ cà-phê 400 triệu đồng, 200 triệu đồng thu từ các loại cây che bóng, cây chắn gió trồng xen trong cà-phê như bơ booth, sầu riêng, tiêu...
Nông dân xã Nâm N'đir, H. Krông Nô phấn khởi vì khoai lang được mùa, được giá. |
Cần những giải pháp cụ thể, đồng bộ
Kết quả từ thực tiễn cho thấy, nếu sản xuất tuân thủ đúng định hướng, đúng quy hoạch không chỉ tránh được thiệt hại do hạn hán, thiên tai gây ra mà hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn hẳn. Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn H. Krông Nô, cho biết: chỉ tính riêng vụ đông xuân năm nay toàn huyện đã chuyển đổi khoảng 255ha lúa nước sang trồng khoai lang vụ sớm, kết quả cho thấy chi phí đầu tư 1héc-ta khoai lang giảm gần 20%, trong khi đó năng suất cao gấp hơn 2 lần so với trồng lúa nước, hiện tại trồng 1ha khoai lang nông dân thu nhập hơn 100 triệu đồng. Đối với diện tích đất lúa chuyển sang trồng ngô lai, bí đỏ năng suất trên 1ha cũng cao hơn từ 15 đến 20 triệu đồng... Cũng theo ông Lộc, vấn đề đặt ra là chúng ta đang định hướng nông dân sản xuất đúng quy hoạch nhưng trên thực tế hiện nay quy hoạch còn chung chung, thậm chí quy hoạch chưa được phê duyệt. Chưa có các biện pháp, giải pháp hỗ trợ cụ thể; chưa có thông tin thị trường, đầu ra cho sản phẩm... nên nông dân vẫn chạy theo thời giá, lợi nhuận trước mắt, bất chấp khuyến cáo của các ngành chuyên môn, không lường những rủi ro hiện hữu nên khó tránh khỏi thiệt hại khi giá nông sản đổi chiều, thời tiết bất lợi hoặc cây bị bệnh chết hàng loạt.
Ông Lê Văn Điệp-Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn H. Đắc Min, đánh giá: Thời gian qua, tỉnh Đắc Nông đã có đề án tổng thể về quy hoạch nông nghiệp, nông thôn; các ngành cũng có quy hoạch về vùng cây ăn trái, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi... Thế nhưng chưa có cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào dám đứng ra thực hiện cam kết về giá, bảo đảm đầu ra với nông dân khi sản xuất tuân thủ theo vùng quy hoạch. Trên thực tế, nông dân sản xuất trong hay ngoài vùng quy hoạch đều tự làm, tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, nếu gặp rủi ro nông dân cũng tự chuốc lấy thất bại. Điều này cho thấy, từ việc quy hoạch đến tuân thủ đúng quy hoạch và áp dụng quy hoạch vào thực tiễn vẫn còn một khoảng cách quá xa. Cái cốt lõi để thực hiện quy hoạch, quản lý sản xuất bằng quy hoạch và để nông dân tuân thủ đúng quy hoạch trên hết phải bảo đảm lợi ích thiết thực, chính đáng cho nông dân.
Ông Đỗ Ngọc Duyên-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắc Nông cho biết, để chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng định hướng, đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng phát triển sản xuất tự phát ồ ạt, tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay, Sở đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đầu tư phát triển theo hướng đa dạng sinh học bền vững, tập trung thâm canh tăng năng suất cây trồng trong vùng quy hoạch; thống kê lại toàn bộ diện tích cà-phê, hồ tiêu, cây ngắn ngày... theo thực tế hiện có. Qua đó, cùng với các địa phương, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khu vực nào có điều kiện về đất đai phù hợp, bảo đảm nguồn nước tưới thì phát triển các loại cây trồng chủ lực như cà-phê, hồ tiêu; Đối với cây lúa nước chuyển đổi đưa các loại giống chịu hạn, ngắn ngày, năng suất cao vào sản xuất, chuyển đổi lịch thời vụ phù hợp để tránh hạn. Các khu vực còn lại định hướng cho nhân dân chuyển sang trồng cây ăn trái, trồng rừng và các loại cây trồng khác. Sở cũng sẽ xây dựng phương án cụ thể tham mưu UBND tỉnh Đắc Nông có những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với diện tích cây trồng sản xuất đúng theo quy hoạch.
Ngọc Giang