Nhiều nội dung giám sát, phản biện xã hội đã mang lại kết quả tốt
Ngày 18-1, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; sơ kết 05 năm thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quy định số 06-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.
Cùng chủ trì hội nghị có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng và Trưởng Ban dân vận Thành ủy Lê Văn Trung.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết ghi nhận và biểu dương các kết quả mà các đơn vị đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh: Đã có nhiều nội dung giám sát, phản biện xã hội của các cấp Mặt trận và các đoàn thể đã mang lại kết quả tốt, sát với thực tiễn, nguyện vọng của người dân. Sau giám sát, các cơ quan liên quan đã có phản hồi, báo cáo, giải trình, kịp thời điều chỉnh những vấn đề còn tồn tại. Việc thực hiện các Quyết định, Quy định đã góp phần tăng cường sự gắn bó chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức Đảng, Chính quyền với các hội đoàn thể và nhân dân thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề tồn tại trong công tác giám sát, phản biện như: Một số cơ quan, đơn vị chưa xử lý, thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, phản biện; công tác kiểm tra sau giám sát chưa được quan tâm; nguồn nhân lực, vật lực cho công tác giám sát, phản biện còn hạn chế… Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung triển khai các Quyết định, Quy định về giám sát, phản biện trong thời gian tới, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận các cấp và các hội đoàn thể chính trị - xã hội. Ngoài ra, các cấp Mặt trận và các hội đoàn thể cần tăng cường đối thoại, tiếp thu, ghi nhận ý kiến của các tầng lớp nhân dân để góp ý, phản biện với các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần chủ động, đặt hàng Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội đoàn thể các vấn đề, công trình, dự án cần lấy ý kiến phản biện xã hội; cân đối ngân sách, bố trí kinh phí cho các hoạt động lấy ý kiến phản biện xã hội; chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện…
Báo cáo tại hội nghị cho thấy: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW trong hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường đảm bảo nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả. Nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác giám sát, phản biện xã hội được nâng lên. Vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng được thể hiện rõ nét và được các giai tầng trong xã hội ủng hộ. Nội dung đối thoại, giám sát, phản biện xã hội bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, có trọng tâm, trọng điểm và những vấn đề bức xúc, nảy sinh từ cơ sở gắn với quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Trong khi đó, hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã giúp cho cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở nhìn nhận được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân. Công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp, các ngành triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng chặt chẽ hơn; phối hợp, kết hợp thường xuyên trong việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân với hoạt động công tác giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ của chủ thể giám sát, phản biện xã hội với đối tượng được giám sát, cơ quan có văn bản đề nghị phản biện xã hội được thực hiện đồng bộ; hầu hết các nội dung kiến nghị sau giám sát đều có văn bản trả lời, phúc đáp và các ý kiến góp ý, phản biện có văn bản tổng hợp, báo cáo, giải trình. Khâu giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố ngày càng đi vào nề nếp và quy cũ, sâu sát cơ sở và nắm địa bàn, nhận định và kiến nghị qua giám sát ngày càng có chất lượng, phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo nhiệm vụ về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Với nhiệm vụ triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW, Quy định số 06-QĐ/TU trên địa bàn thành phố cũng đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên có sự chuyển biến tích cực. Trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống; nêu gương được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên đạt được nhiều kết quả, ngày càng có chất lượng và đi vào chiều sâu; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở cơ bản được phát huy, thể hiện được trách nhiệm của mình trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan đã phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương trong mọi hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, đơn vị.
Đáng chu ý, trong 10 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã ban hành 39 Kế hoạch giám sát chuyên đề, ban hành 5 Đề án phục vụ cho công tác giám sát, phản biện xã hội, về kinh phí hỗ trợ cho công tác giám sát, phản biện xã hội theo quy định của pháp luật. Mặt trận các cấp thành phố đã chủ trì tổ chức 1.104 đoàn giám sát với 448 chuyên đề và tham gia 1.865 cuộc giám sát với các cơ quan về các nội dung có liên quan. Về phản biện xã hội, Mặt trận các cấp thành phố đã tổ chức 174 Hội nghị phản biện xã hội, tham gia phản biện bằng văn bản 885 nội dung, 90 cuộc đối thoại trực tiếp giữa MTTQVN các cấp với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện...
Tại hội nghị, có 40 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định số 217, 218 và Quy định số 124-QĐ/TW được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen, biểu dương.
Công Hạnh-Huyền Ngân