Nhiều nỗi lo ở làng di sản quốc gia
(Cadn.com.vn) - Làng đá Non Nước trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui với Đà Nẵng song bên cạnh đó vẫn tồn tại không ít nỗi lo.
Điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu giới thiệu về mẫu linh vật thuần Việt do ông nghiên cứu chuẩn bị đưa vào sản xuất. |
Sống nhờ linh vật ngoại lai
Làng đá Non Nước gắn liền với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn từ lâu đã trở thành địa điểm không thể bỏ qua với du khách khi ghé Đà Nẵng. Với lịch sử hơn 300 năm, đây là làng nghề hiếm hoi của Đà Nẵng còn duy trì, phát triển rực rỡ. Ngày nay, các sản phẩm của làng đá Non Nước được xuất đi nhiều nước trên thế giới từ Âu sang Á. Ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch làng nghề cho biết hiện có hơn 500 hộ sản xuất, kinh doanh với hơn 4 ngàn lao động tại Non Nước. Sở dĩ làng nghề vẫn phát triển dù trải qua nhiều thăng trầm là bởi các hộ sản xuất, kinh doanh luôn biết thích ứng với thị hiếu của khách hàng.
Trong gần chục năm trở lại đây, làng nghề sống được chủ yếu nhờ làm các linh vật ngoại lai như sư tử Anh, Pháp; lân Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm lưu niệm nhỏ gọn từ đá như vòng tay, dây chuyền... Ông Minh nói, hầu như cơ sở nào ở Non Nước cũng nhập các sản phẩm lưu niệm nhỏ gọn từ Trung Quốc để bán lại kiếm lời bởi vì mẫu mã đẹp, giá rẻ. Đơn cử như vòng đá, ở Trung Quốc người ta sản xuất dập khuôn mỗi mẻ hàng ngàn cái, trong khi ở mình phải làm thủ công, tiện gọt từng cái rất tốn thời gian, chi phí.
Nhiều du khách Trung Quốc sang tham quan, mua vòng đá cũng ngỡ ngàng khi biết nguồn gốc của nó. Với các linh vật, hiện 50% các cơ sở ở Non Nước sản xuất linh vật ngoại lai theo đơn hàng của khách, và sống được chủ yếu nhờ vào nguồn thu này. Ông Trần Văn Xuất- chủ cơ sở Xuất Ánh cho biết, trước đây người ta đặt mua rất nhiều sư tử Anh, Pháp vì quan niệm nó biểu trưng cho sức mạnh, uy nghi, trang trọng. Vào thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi cặp sư tử Anh, Pháp cao khoảng 40cm, thợ đá Non Nước đã có thể thu về nửa lượng vàng.
Tuy vậy khoảng 5-7 năm trở lại đây, xu hướng của khách lại chuyển sang các kiểu lân Trung Quốc, có khuôn mặt bầu bĩnh, dữ tợn hơn dùng để trấn giữ ở các cổng cửa của Cty, công sở, khách sạn, nhà hàng... Tùy theo kích cỡ, màu sắc, loại đá mà giá các cặp lân kiểu Trung Quốc cũng khác nhau từ vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng/cặp. Chẳng hạn nếu một cặp lân cao hơn 2 m thì thợ đá phải làm khoảng 3 tháng mới xong, chi phí cũng từ 200-300 triệu đồng.
Mặt hàng lân Trung Quốc nguồn thu chủ yếu của làng nghề đang bị chững lại. |
Theo ông Minh, hầu như từ trước tới nay làng nghề chỉ làm sư tử ngoại lai, chỉ có rồng và nghê mới là thuần Việt. Trước thông tin Bộ VH-TT&DL yêu cầu "dọn dẹp" linh vật ngoại lai tại các công sở, chùa chiền, tháp tự... đã ít nhiều tác động tới làng nghề. Cụ thể nhu cầu đặt mua lân Trung Quốc đã giảm rõ rệt, nhiều cơ sở không dám làm dự trữ như trước. Chẳng hạn trước đây mỗi cơ sở lớn có thể xuất 20-30 cặp lân/tháng nên sẵn sàng làm dự trữ, giờ thì không dám mạo hiểm nữa.
Ông Minh cũng nói thêm, thợ đá làm để mưu sinh, vì thế phải theo thị hiếu của khách hàng, cứ cái gì không cấm thì họ sẽ làm để tồn tại. Họ không có lỗi gì cả. Hiện nhiều cơ sở ở Non Nước cũng lo lắng, không dám đầu tư tiền bạc vì sợ rằng làm linh vật ngoại lai- nguồn sống chủ yếu sẽ không bán được. Các cơ sở cũng tính chuyện chuyển sang làm các linh vật truyền thống đậm bản sắc Việt, gắn bó với làng nghề từ 300 năm nay như hổ, nghê, rồng, rùa. "Nhưng không biết những sản phẩm này thị trường có ưa chuộng không?"- ông Minh trăn trở.
Nếu chỉ sản xuất theo kiểu nhân bản phục vụ thương mại thì giá trị tinh túy của làng nghề hơn 300 tuổi sẽ mai một. |
Bảo tồn bản sắc thế nào?
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Long Bửu- chủ một cơ sở lớn ở Non Nước nói, khi đã trở thành di sản phi vật thể, thì việc bảo tồn, phát huy các giá trị của làng nghề là quan trọng nhất, mà muốn làm được thế thì phải phát huy được vai trò sáng tạo trong từng sản phẩm của các điêu khắc gia. Thực tế thì hiện nay, số lượng những điêu khắc gia quá ít ỏi, các sản phẩm làm ra thường bị sao chép, làm na ná như nhau. Để duy trì các sáng tạo, bảo tồn được giá trị tinh hoa làng nghề trong từng sản phẩm thì phải quản lý thật chặt, dứt điểm loại bỏ tình trạng sao chép tràn lan như hiện nay. Ông Bửu nói, để làm ra một con nghê, con sư tử đúng bản sắc Việt cần phải nghiên cứu văn hóa, lịch sử công phu, tay nghề phải điêu luyện, như thế tinh hoa của làng nghề mới được lưu giữ, lan truyền song yếu tố thương mại đang là nỗi lo làm mai một làng nghề khi bây giờ đá đã phải nhập từ nơi khác, mẫu mã cũng nhập từ nơi khác, sản xuất lại theo kiểu nhân bản.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng cho rằng, việc làng đá Non Nước được công nhận là Di sản phi vật thể rất đáng mừng. Đặc biệt khi di sản này gắn liền với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ tạo thành điểm nhấn cho du lịch TP. Để bảo tồn, phát huy hơn giá trị của di sản, ông Cường cho rằng sẽ phải từng bước giải quyết những thách thức đang tồn tại như bán các sản phẩm Trung Quốc, sử dụng công nghệ, hóa chất gây ô nhiễm môi trường, giá cả tại các cơ sở chưa thống nhất... TP đã có dự án quy hoạch Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, theo đó sẽ sắp xếp lại tổng thể, phân ra từng khu sản xuất, khu trưng bày, khu buôn bán sản phẩm, từ đó sẽ quản lý giá cả thống nhất hơn, các cơ sở sẽ phải tuân thủ các quy trình về chất lượng, về môi trường, đảm bảo nơi đây trở thành một điểm du lịch tầm cỡ quốc gia.
Hải Hậu