Nhiều nước Châu Á "oằn mình" chống COVID-19

Thứ năm, 29/04/2021 14:53

Ấn Độ hiện là tâm điểm của đại dịch COVID-19 với trên 300.000 ca mắc mới mỗi ngày, trong khi tình hình tại  tình hình nhiều nước Châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia cũng căng thẳng. Cơn "sóng thần" COVID-19 mới khiến nhiều người lo ngại Châu Á có thể trở thành tâm dịch nóng nhất thế giới.

Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại Phnom Penh. Ảnh: Reuters

WHO cảnh báo sự lây lan của biến thể mới có nguồn gốc tại Ấn Độ

Ngày 27-4, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết hơn 10 nước trên thế giới đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc ở Ấn Độ và đang khiến số ca nhiễm tăng đột biến tại quốc gia Nam Á này. 
Trong báo cáo cập nhật tình hình dịch tễ hằng tuần, WHO cho biết đến nay biến thể B.1.617 có nguồn gốc tại Ấn Độ đã được phát hiện trong hơn 1.200 chuỗi trình tự gen có trên dữ liệu mở GISAID của ít nhất 17 nước. Đa số các chuỗi trình tự là của các nước Ấn Độ, Anh, Mỹ và Singapore. Mới đây, WHO đã phân loại  biến thể mới tại Ấn Độ là "biến thể cần quan tâm" và chưa tuyên bố đây là "biến thể gây quan ngại". Theo WHO, phân tích sơ bộ của tổ chức này dựa trên các chuỗi trình tự gen trên hệ thống dữ liệu GISAID cho thấy biến thể mới tại Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác phổ biến tại quốc gia Nam Á này, trong khi khả năng lây lan của các biến thể khác cũng gia tăng. Đây được xem là nguyên nhân dẫn tới sự tăng đột biến các ca mắc mới COVID-19 tại Ấn Độ thời gian qua. 

Ấn Độ: Trên 3.000 người từ vong/ ngày

Tình hình dịch COVID-19 tại Ấn Độ tiếp tục theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Ngày 28-4, Bộ Y tế nước này công bố số liệu mới nhất cho biết Ấn Độ đã ghi nhận 3.293 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 201.187 ca và đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 3.000 người.

Theo Bộ Y tế, với 360.000 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức kỷ lục thế giới về số ca nhiễm, đến nay tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ được ghi nhận là gần 18 triệu ca, đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Chỉ trong vòng tháng 4, Ấn Độ đã ghi nhận thêm gần 6 triệu ca mắc mới. Tốc độ lây nhiễm dịch tăng đột biến này một phần nguyên nhân là do các lễ hội tôn giáo và sự kiện chính trị đông người diễn ra từ đầu tháng. Ngoài ra, biến thể mới tại Ấn Độ, hiện đã lây lan sang 17 quốc gia trên thế giới, cũng được cho là có khả năng lây lan chóng mặt.

Khủng hoảng dịch bệnh tại thủ đô New Delhi càng trở nên trầm trọng khi số ca tử vong không ngừng tăng do thiếu bình ô-xy và trang thiết bị y tế. Cho đến nay, Ấn Độ đã triển khai tiêm chủng được 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Chương trình tiêm chủng sẽ được mở rộng kể từ ngày 30-4, tức là khoảng 600.000 triệu người có thể được tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện nhiều bang trong cả nước đang cảnh báo rằng các kho dự trữ vaccine không đủ để cung cấp và các chuyên gia đang kêu gọi chính phủ ưu tiên cho những nhóm người dễ bị tổn thương và những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Hàn Quốc: nhiều ca không thể truy vết

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong những ngày qua đang có chiều hướng tăng mạnh, khiến nhà chức trách hết sức lo ngại. Đáng chú ý, số ca không truy vết được nguồn gốc tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. KDCA ngày 28-4 xác nhận phát hiện thêm gần 800 ca mắc COVID-19, mức cao kỷ lục trong 4 ngày qua, trong khi số ca không truy vết được tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Trong số 775 ca mắc mới có 754 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 120.673 ca. Trước đó, Hàn Quốc lập kỷ lục 785 ca mắc mới trong ngày 24-4, tăng mạnh so với mức trung bình 500 ca/ngày trong hai ngày trước đó.
Trong khi đó, chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Hàn Quốc vẫn đang ở giai đoạn mới bắt đầu với số người đã tiêm cả 2 mũi đến nay là hơn 100.000 người, trong khi số người tiêm 1 mũi cũng chỉ khoảng hơn 2 triệu người (tức khoảng 4% dân số Hàn Quốc). Tiến độ tiêm chủng chậm chạp ở Hàn Quốc một phần do nguồn cung hạn chế, thiếu cơ sở tiêm chủng và tâm lý do dự của một bộ phận người dân. Trước tình hình trên, giới chức Hàn Quốc đã quyết định triển khai "Tuần lễ kiểm soát phòng dịch đặc biệt" từ ngày 26-4 đến 2-5. 

Đông Nam Á đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới 

Báo The Laotian Times ngày 27-4 dẫn lời Đơn vị phòng chống và kiểm soát Covid-19 của Lào cho biết nước này đã ghi nhận 75 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 511. Hầu hết tỉnh ở Lào đang bị phong toả nghiêm ngặt để phòng tránh dịch lây lan. Tại thủ đô Vientiane, 4 cơ sở xét nghiệm bổ sung vừa được thiết lập gồm trung tâm thể thao trong nhà Beungkhayong ở quận Sisattanak, sân vận động Chao Anouvong ở quận Chanthaboully, trường trung học Hồ Chí Minh ở Sikhottabong và trường trung học Lào - Việt ở Chanthaboully.

Cùng ngày 27-4, Bộ Y tế Campuchia báo cáo thêm 3 ca tử vong do Covid-19 và 508 ca mắc liên quan tới đợt bùng phát cộng đồng hôm 20-2. Số ca mắc mới có 11 người Trung Quốc, 1 người Thái Lan, 47 người Indonesia, còn lại là người Campuchia. Thủ đô Phnom Penh vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 249 ca. Tính đến ngày 27-4, Campuchia có tổng cộng 11.063 ca mắc Covid-19, 7.270 người đang điều trị và 82 ca tử vong.

Tại Thái Lan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trinuch Thienthong cho biết nước này quyết định dời ngày khai trường từ ngày 17-5 sang ngày 1-6 vì lo ngại dịch Covid-19. Bộ đã chuẩn bị hướng dẫn để đảm bảo việc trì hoãn sẽ không ảnh hưởng đến quá trình học tập và quyền lợi của học sinh. Các trường học ở vùng ngoại ô bị ảnh hưởng nhẹ có thể mở các khóa học bình thường. Trang worldometers.info thống kê tính đến trưa 27-4, Thái Lan có 59.687 ca mắc Covid-19, 163 ca tử vong và 33.551 trường hợp phục hồi.

Tại Philippines, số ca mắc Covid-19 đã vượt quá 1.000.000 tính đến ngày 27-4. Cụ thể, theo trang worldometers.info, tổng số ca mắc ở nước này là 1.013.618 và tổng số ca tử vong là 16.916, cao thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia. Philippines áp đặt lệnh phong toả đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái, buộc hàng triệu người ở nhà, đóng cửa mạng lưới giao thông công cộng và hầu hết doanh nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng vào tháng trước khiến Tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh phong toả chặt khu vực Manila - trung tâm tài chính và thương mại với hơn 25 triệu dân. Phát ngôn viên tổng thống Philippines, Harry Roque, cho hay ông Duterte có thể thông báo về lệnh phong toả mới trong ngày 28-4.

AN BÌNH