Nhiều nước tính chuyện sống chung với COVID-19
Trong bối cảnh việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất dường như không cho thấy tính hiệu quả như mong muốn, nhiều nước đang dần cho phép người dân quay lại nhịp sống hằng ngày, vì họ nhận ra rằng chúng ta phải học cách sống chung với đại dịch COVID-19. Liệu đây có phải là mộ chiến lược đúng đắn?
Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hàn Quốc vẫn còn thấp. Ảnh: Yonhap |
Thay đổi chiến lược
Chính phủ Hàn Quốc đã thông báo về các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt kéo dài, bao gồm quy định về mức trần số người được phép tập trung riêng tư và lệnh giới nghiêm vào 21 giờ bắt đầu từ ngày 23-8 đối với các quán ăn và quán cà phê. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này đã hạn chế đáng kể quyền tự do của người dân, đồng thời gây thiệt hại nặng nề về tài chính cho những người làm nghề tự do. Nhiều ý kiến cho rằng, chính phủ nên định hình lại chính sách kiểm soát dịch bệnh, cho phép người dân được cảm thấy thoải mái hơn để chuẩn bị cho khả năng đất nước có thể chỉ đơn giản là "sống chung" với virus SARS-CoV-2 trong tương lai.
Singapore là một trong các quốc gia đang chuẩn bị mở cửa trở lại. Theo tờ Strait Times, từ ngày 19-8, doanh nghiệp Singapore sẽ có 50% nhân viên được quay lại văn phòng. Các sự kiện như hòa nhạc, hội nghị, thi đấu thể thao, rạp chiếu phim cũng được đón đến 1.000 khách nếu toàn bộ người tham gia đã tiêm vaccine. Động thái này nằm trong kế hoạch 4 giai đoạn nhằm hướng tới việc trở thành quốc gia có khả năng chống chịu với COVID-19 của Singapore. Nhiều tháng trước, Singapore vẫn còn áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để đưa số ca nhiễm mới xuống gần mức 0 nhất có thể. Trong bối cảnh Tuy nhiên, đất nước này đã thay đổi giải pháp của mình bởi cuộc chiến chống COVID-19 không hề có dấu hiệu kết thúc mà còn tác động xấu đến nền kinh tế.
Bên cạnh Singapore, các quốc gia Châu Âu cũng đang chuẩn bị hướng tới “bình thường mới”. Anh gần đây đã dỡ bỏ quy định về việc đeo khẩu trang, nới lỏng các quy tắc về tụ tập riêng tư và các biện pháp tự cách ly. Đức từ tuần này cho phép người đã chủng ngừa, khỏi bệnh COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính đi đến nhà hàng, bệnh viện hoặc các địa điểm trong nhà. Tại Pháp và Italia, người có giấy chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 hay xét nghiệm âm tính được phép tham gia các hoạt động thường ngày.
Vẫn còn quá sớm?
Trong khi một số người cho rằng chính phủ Hàn Quốc nên bắt đầu chuẩn bị cho tình trạng "bình thường mới", những người khác cảnh báo không nên áp dụng các biện pháp nới lỏng hơn vì tỷ lệ tiêm chủng hiện tại ở Hàn Quốc vẫn đang ở mức thấp. Họ cho rằng việc coi COVID-19 tương tự như các bệnh nhẹ hơn hoặc có thể phòng ngừa được bằng vaccine như bệnh cúm là "rất rủi ro". Bà Chon Eun-mi, Giáo sư y học hô hấp tại Bệnh viện Mokdong thuộc Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc) nêu quan điểm: "Mức độ các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại nên được duy trì ít nhất là cho đến cuối năm nay bởi trên thực tế là phương pháp điều trị COVID-19 vẫn chưa được phát triển và có khoảng 80% dân số ở Hàn Quốc chưa được tiêm chủng đầy đủ".
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Kim Woo-joo của Bệnh viện Đại học Guro (Hàn Quốc) cho rằng, Hàn Quốc không thể áp dụng các biện pháp nới lỏng như ở Sigapore và các nước Châu Âu khác. Các nước đang chọn sống chung với COVID-19 nêu trên đều có tỷ lệ tiêm chủng cao. Theo Reuters, khoảng 75% dân số Singapore đã tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19. Dữ liệu từ Our World in Data cho thấy con số này ở Anh là 61,1%, ở Đức và Italia là hơn 55% và Pháp là 53%. "Tình hình COVID-19 ở Singapore rất khác so với ở Hàn Quốc. Singapore là một thành phố nhỏ và tỷ lệ tiêm chủng hiện đã cao hơn 70%", ông Kim Woo-joo nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) cho biết khả năng áp dụng một mô hình kiểm dịch mới là không thể bàn cãi, song nhấn mạnh rằng Hàn Quốc vẫn nên tập trung vào việc kiềm chế sự lây lan hiện nay của virus SARS-CoV-2, đồng thời tiến hành triển khai tiêm vaccine nhanh chóng.
T.NGỌC