Kết thúc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC:

Nhiều sáng kiến quan trọng, có ý nghĩa thiết thực được thông qua

Thứ sáu, 10/11/2017 08:59

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29 vừa kết thúc sau ba phiên họp toàn thể với nhiều đánh giá sâu sắc và toàn diện. Trong buổi họp báo chiều 9-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết, hội nghị này là dịp nhìn lại những thành quả hợp tác APEC cả năm qua và thảo luận hướng tháo gỡ nút thắt về tăng trưởng và liên kết còn tồn tại.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời báo giới.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều vấn đề phát sinh, tuy nhiên, tại hội nghị, các Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì đà hợp tác và liên kết của APEC. Theo đó, các Bộ trưởng đã thảo luận nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thương mại tự do và thuận lợi hóa đầu tư khu vực; tăng cường kết nối đầu tư, phát triển hạ tầng; chú trọng nâng cao năng lực liên kết quốc tế cho các thành viên... Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng nhất trí rằng xu hướng mới về công nghệ và toàn cầu hóa đòi hỏi APEC cần tạo những động lực tăng trưởng mới.

Cụ thể, các Bộ trưởng đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cải cách cơ cấu để nâng cao năng suất; thúc đẩy sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp; ứng dụng khoa học để đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. Một kết quả quan trọng khác cũng được Phó thủ tướng nêu ra, đó là nhiều sáng kiến quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đã được thông qua. Nổi bật là thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới; chiến lược APEC về các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; chương trình hành động về phát triển nông thôn, đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực, tăng trưởng chất lượng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao APEC năm nay chưa triển khai được tuyên bố Lima (Khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định đây là thực tế, phản ánh nhu cầu, tính ưu tiên cao của các nền kinh tế APEC. “Trong suốt năm 2017, tại nhiều diễn đàn, các nền kinh tế APEC đều đã nghiên cứu, phối hợp đưa ra kế hoạch hành động tuyên bố Lima. Tuy nhiên 21 nền kinh tế APEC ở 4 châu lục với trình độ phát triển kinh tế, xã hội khác nhau, đồng thời có những mối ưu tiên quan tâm rất đa dạng, ở nhiều lĩnh vực, vì vậy việc xây dựng một chương trình hành động cụ thể thực thi tuyên bố Lima thì chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Trên thực tế, dù có những nỗ lực lớn song vẫn còn những khoảng cách trong việc lựa chọn các lĩnh vực, nội dung cụ thể để đưa vào chương trình, kế hoạch hành động này. Vì vậy, Hội nghị Bộ trưởng APEC đã quyết định cần thêm thời gian, tiếp tục thảo luận, làm rõ trên cơ sở đồng thuận những nội dung và chương trình ưu tiên ở mỗi nền kinh tế thành viên để từ đó có thống nhất đưa vào chương trình của tuyên bố Lima về khu vực mậu dịch tự do Châu Á- Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC là sáng kiến của Việt Nam, tập trung vào 5 trụ cột chính và là một trong những nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017. Theo Bộ Công Thương, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam luôn tăng trưởng ở tốc độ cao trong các năm qua, đạt từ 25 - 35%/năm. Mức độ phổ cập thương mại điện tử trong cộng đồng và doanh nghiệp đã ngang tầm, thậm chí vượt một số nước trong khu vực.

Theo kết quả khảo sát về tình hình phát triển thương mại điện tử do Bộ Công Thương thực hiện, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 5 tỷ USD và dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Bên cạnh đó, thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nhanh, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu. Giao dịch thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp – doanh nghiệp) dự đoán tác động tới 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.

 V.THUẤN - D.HÙNG - X.ĐƯƠNG