Nhiều trở lực trong đánh giá học sinh tiểu học miền núi

Thứ sáu, 12/12/2014 13:10

(Cadn.com.vn) - Ở những trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khi triển khai thực hiện đánh giá học sinh (HS) tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh tiểu học, nhiều trường, giáo viên (GV) phải đối diện với nhiều khó khăn, trở lực lớn. Theo thầy Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng GD-ĐT H.Bắc Trà My (Quảng Nam), dù thời gian qua phòng đã mở 4 lớp tập huấn cho gần 300 lượt cán bộ, GV nhưng đến nay việc triển khai vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Thầy Tùng cho biết: "Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá để nghe ý kiến phản hồi từ các trường sau đó mới tính tiếp nhằm phù hợp với thực tế". Các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang là các địa phương tập trung hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, vì vậy, lâu nay chuyện học của con em địa phương gần như khoán trắng cho nhà trường, GV. Đây thực sự là trăn trở của các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện Thông tư 30.

Các trường học miền núi cần chủ động, linh hoạt đề ra nhiều giải pháp trong thực hiện đánh giá học sinh. Ảnh: ĐẠI KHẢI

Được biết, để thực hiện công tác đánh giá HS cần có mối liên hệ, trao đổi giữa phụ huynh và GV, tuy nhiên điều này ở các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số hầu như không có. Ngoài rào cản về ngôn ngữ giao tiếp,  hầu hết người dân đều không quan tâm đến chuyện học của con cái…

Theo cô Lê Thị Đào-cán bộ phụ trách giáo dục tiểu học thuộc Phòng GD&ĐT H. Nam Giang, một khó khăn khác mà nhiều trường miền núi gặp phải hiện nay là, GV từ miền xuôi lên thì không hiểu hết tiếng nói đồng bào, còn GV là người dân tộc thiểu số lại hạn chế về ngôn ngữ nhận xét, đánh giá HS. Cho nên khi triển khai thực hiện Thông tư 30, nhiều GV còn bỡ ngỡ, mất nhiều thời gian suy nghĩ viết lời nhận xét phù hợp với từng HS, hay những đánh giá HS của GV thì phụ huynh không tiếp thu được nên không có sự phối hợp để đánh giá quá trình học tập của HS.

Việc đánh giá HS ở những lớp ghép, nhất là tại các trường đang thiếu GV lại càng  khó khăn hơn. GV bộ môn (dạy 1 môn cho tất cả học sinh toàn trường) phải nhận xét tất cả HS mình đang giảng dạy nên mất rất nhiều thời gian. Điển hình ở Trường TH Zuooich với 100% HS đồng bào dân tộc Cơ Tu, có đến 1/3 lớp ghép nhiều trình độ, GV gặp rất nhiều khó khăn khi đánh giá HS…

Trên cơ sở phân tích tình hình, để có hướng giải quyết hiệu quả, ngành GD&ĐT các huyện miền núi và các trường trên địa bàn vùng khó khăn của tỉnh Quảng Nam đã kịp thời đề ra nhiều giải pháp thực hiện Thông tư 30. Theo cô Ka Ring Lưu-Hiệu trưởng Trường TH La Dê, chia sẻ: "Để công tác đánh giá HS mang lại hiệu quả, vấn đề cơ bản nhất hiện nay là cần có giải pháp phù hợp trên cơ sở những phân tích và chỉ rõ những khó khăn, điều kiện cụ thể mà nhà trường đang đối mặt khi thực hiện Thông tư".

Theo kinh nghiệm của thầy Nguyễn Nhụ- Hiệu trưởng Trường TH xã Zuooich (xã vùng biên giới H. Nam Giang), để đánh giá HS chính xác, trong quá trình giảng dạy trên lớp, GV phải luôn quan tâm đến tất cả HS mình giảng dạy. Từ đó, mới thực hiện được đánh giá HS một cách thực chất, toàn diện về tất cả các mặt, tạo ý chí vươn lên và ham thích học tập, nhất là đối với HS người dân tộc thiểu số, HS tiếp thu bài chậm.

Thầy Nhụ chia sẻ thêm: "Đối với học sinh lớp 1 việc GV ghi lời nhận xét trong vở sẽ không có tác dụng cao vì các em chưa biết đọc, còn phụ huynh thì ít quan tâm. Vì thế GV nên nhận xét bằng lời nói nhiều hơn (khen nhiều hơn chê)". Còn theo cô Lê Thị Đào, với điều kiện hơn 90% HS trên địa bàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, muốn thực hiện đánh giá HS hiệu quả, việc làm đầu tiên phải tăng cường dạy kỹ năng tiếng Việt cho HS, nhất là HS đầu cấp.

Theo đó, các trường, GV phối hợp với các tổ chức đoàn thể xuống từng gia đình HS, gặp gỡ phụ huynh trao đổi, tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp phụ huynh nắm bắt chủ trương này. GV cần dựa vào mục tiêu bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được theo cách học của HS, rồi xem xét, cân nhắc các đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh… của HS để có nhận xét xác đáng.

Đại Khải