Nhiều trường trả kinh phí được cấp do tuyển sinh không đạt chỉ tiêu

Thứ bảy, 21/04/2018 13:18

HĐND tỉnh Quảng Nam vừa có chuỗi ngày làm việc với nhiều trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh và ghi nhận tình trạng đáng báo động trong công tác tuyển sinh nơi đây. Số lượng tuyển sinh chỉ bằng 1/3 chỉ tiêu; nhiều học sinh bỏ học giữa chừng; đa số các trường phải trả lại kinh phí đào tạo cho nhà nước là những gì mà đoàn giám sát của HĐND tỉnh ghi nhận được. Phải làm gì để cứu vãn thực tế này vẫn đang là một câu hỏi khó.

Công tác tuyển sinh được xem là một bài toán khó, nhất là đối với các trường nghề.    (ảnh minh họa).

Tại Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam (TX Điện Bàn) từ năm 2015 đến 2017, theo báo cáo của nhà trường, trường đã đào tạo được 1.525 học sinh ở các trình độ trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng. So với chỉ tiêu và nguồn kinh phí đào tạo giao hàng năm, năm nào trường cũng phải trả lại kinh phí đào tạo cho ngân sách nhà nước do tuyển sinh không đủ hoặc học sinh bỏ học giữa chừng. Cụ thể, năm 2015 trả lại ngân sách hơn 350 triệu đồng, 2016 hơn 317 triệu đồng. Đặc biệt năm 2017 trả hơn 2 tỷ đồng, năm 2018 dự kiến trả lại hơn 2 tỷ đồng.

Lâu nay, việc đào tạo nghề cho lao động miền núi được xem là một trong những hướng đi thoát nghèo, thế nhưng đa số thanh niên không mặn mà với việc học nghề. Theo ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thanh niên, dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam (H. Nam Giang), hiện trường đang đào tạo các nghề trình độ trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng. Trong năm học 2015 - 2016, trường tuyển sinh bậc trung cấp đạt 123/150 chỉ tiêu giao, năm học 2016 - 2017 đạt 190/200 chỉ tiêu giao.

Cùng chung khó khăn, theo báo cáo của Trường Đại học Quảng Nam, công tác tuyển sinh trong các năm gần đây ngày càng đi xuống. Năm học 2015 - 2016, tuyển sinh đại học đạt 80% chỉ tiêu (996/1.250 chỉ tiêu), cao đẳng đạt 49% (296/600 chỉ tiêu) và năm học 2016 - 2017 đại học giảm xuống chỉ còn 46% (556/1.200 chỉ tiêu), cao đẳng 41% (165/400 chỉ tiêu). Do tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, năm 2017, trường phải hoàn trả ngân sách 283 triệu đồng kinh phí đào tạo.

Có qui mô nhỏ hơn với hơn 30 cán bộ đang làm việc với 18 biên chế, vì vậy trường Trung cấp văn hóa, nghệ thuật và du lịch Quảng Nam vẫn đang giữ mức tuyển sinh ổn định hơn so với các trường khác trên địa bàn. Thế nhưng, cũng không ngoài qui luật, nơi đây cũng đang phải nỗ lực để giữ vững hoạt động của trường. Thầy Hồ Văn Quang - Hiệu trưởng Trường Trung cấp văn hóa, nghệ thuật, du lịch Quảng Nam cho biết: "Trước thực tế tuyển sinh khó khăn, chúng tôi hiện vẫn có thể duy trì được là nhờ vào các khóa dạy nghề ngắn hạn. Song song với đó, trường cũng liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo lao động cho họ. Trước mắt, trường sẽ liên kết với chủ đầu tư dự án Nam Hội An để đào tạo 300 học viên, đổi lại họ sẽ hỗ trợ cho trường về các phương tiện vật chất, cơ sở hạ tầng. Đây cũng sẽ là hướng đi trong thời gian sắp tới của chúng tôi".

Theo chia sẻ của các trường, những năm gần đây, ngay từ đầu năm học, nhiều trường dạy nghề đã lên kế hoạch tuyển sinh nhưng công tác tuyển sinh vẫn không mấy khả quan. Nguyên nhân chủ yếu vì học nghề vẫn được xem là sự lựa chọn cuối cùng của học viên. Tâm lý sính bằng cấp của xã hội, coi trọng bằng đại học hơn là học nghề cũng là một thực tế dẫn đến công tác tuyển sinh của các trường nghề gặp khó khăn.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các trường và tham mưu cho HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Ông Minh đề nghị các trường, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần chủ động nâng cao chất lượng đào tạo nghề, xây dựng chương trình đào tạo theo sát nhu cầu của xã hội. Một điều quan trọng khác là tìm cách thúc đẩy sự vào cuộc thực chất của doanh nghiệp đối với công tác đào tạo nghề, thực hiện tốt việc dự báo thị trường, thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, giảng viên để làm cơ sở thúc đẩy số lượng tuyển sinh.

ĐỒNG DAO