Nhiều vấn đề “nóng” tại họp báo thường kỳ Chính phủ
Chiều 1-12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng, đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2017. Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành để làm rõ những vấn đề được dư luận và báo chí quan tâm trong thời gian qua.
Tại sao phải tăng giá điện?
Đề cập vấn đề tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Từ tháng 3-2015 đến nay, nghĩa là 2 năm 9 tháng, giá điện không có sự điều chỉnh, trong khi đầu vào của những thứ làm ra điện tăng rất nhiều, đặc biệt là than. Tại sao phải tăng giá điện và tăng vào thời điểm nào? Theo đánh giá, ngành Điện trong thời gian vừa qua đã có những cố gắng nhất định. Ví dụ, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiết kiệm điện năng năm 2016 chúng ta đứng thứ 96 các quốc gia và vùng lãnh thổ, đến 2017 đã đứng thứ 64. Như vậy đã tăng được 32 bậc trong vòng một năm.
Ông Đỗ Thắng Hải. |
Điểm nữa chúng tôi đánh giá là tính công khai, minh bạch khi chúng ta điều chỉnh giá điện hay là sản xuất kinh doanh của ngành Điện. Để đánh giá được tại sao tăng và tăng như thế nào về giá điện, Chính phủ đã thành lập tổ công tác bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Nguyên tắc kiểm tra là kiểm tra chi phí của năm 2016 tại sao lại tăng và ảnh hưởng đến giá điện như thế nào.
Trong quá trình đánh giá, chúng tôi thực hiện nhiều nguyên tắc, tôi chỉ nói một vài nguyên tắc chính. Nguyên tắc thứ nhất là chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác. Thứ hai là tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành. Thứ ba là kiểm tra chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hóa có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc Công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện. Đây không chỉ là đánh giá của tổ kiểm tra mà còn có sự giám sát của Công ty kiểm toán uy tín quốc tế Deloitte.
Đối với biến động của việc tăng giá này đã có sự tính toán hết sức kỹ lưỡng của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương và EVN.
Tiếp tục tuyên truyền để dân hiểu BOT Cai Lậy
Trả lời câu hỏi về các dự án BOT giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT tiến hành rà soát tất cả các dự án BOT và Bộ phải có trách nhiệm thực hiện. Hiện Bộ đã tiếp 107 đoàn làm việc của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ ngành, đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và có sự tham gia đầy đủ các thành phần trong đó có cả Kiểm toán Nhà nước. Tất cả đã được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, trong đó có đánh giá những mặt được và chưa được để có hướng khắc phục.
Ông Nguyễn Nhật. |
Đối với trạm thu phí, theo thông tư của Bộ GTVT về những trạm ách tắc từ 500 m thì không để trạm nào kéo dài thời gian. Tuy nhiên với trạm Cai Lậy có một số đối tượng quá khích, ví dụ như có trường hợp bỏ xe đi chơi... Đối với tất cả những vấn đề chung, Bộ GTVT sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Để tình trạng này không kéo dài, ngày 1-8-2017, Bộ GTVT đã rà soát tất cả, đặc biệt dựa vào lực lượng thanh tra và kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là nhân dân trong vùng và đã giảm phí theo Nghị định 35 của Chính phủ. Chúng tôi cũng tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân để hiểu thêm.
Gỡ “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản
Đề cập việc Liên minh Châu Âu (EU) phạt “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch hành động với những giải pháp cụ thể, chi tiết để thực hiện 9 khuyến cáo của EU đối với thủy sản Việt Nam. Để EU rút lại thẻ vàng thì thủy sản Việt Nam phải hoàn thành cả 9 khuyến cáo nhưng có 3 nhóm giải pháp cần tập trung nhiều hơn.
Ông Vũ Văn Tám. |
Thứ nhất là chúng ta cần hoàn thiện thể chế phù hợp với quy định của quốc tế trong đó có EU. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Luật Thủy sản sửa đổi đã được thông qua trong đó chúng ta đưa vào tối đa các khuyến cáo của EU. Bộ NN&PTNT cũng đang khẩn trương triển khai sửa các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản.
Nhóm vấn đề thứ hai là năng lực thực thi của hệ thống quản lý nhà nước và ngư dân. Đây là vấn đề yếu nhất của chúng ta và không thể đáp ứng ngay trong thời gian ngắn nhưng chúng ta cũng sẽ cố gắng làm những việc cấp bách trước mắt để vượt qua. Trong thực thi chúng ta phải thực hiện nghiêm Công điện 32 của Thủ tướng Chính phủ là chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp trên vùng biển các nước. Vừa qua các địa phương đã triển khai quyết liệt vấn đề này. Từ tháng 7 đến nay tình trạng vi phạm đã giảm. Đặc biệt với Quảng Ngãi, địa phương có nhiều tàu cá vi phạm nhất thì từ tháng 7 đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp vi phạm nào.
Nhóm giải pháp thứ ba là công tác tuyên truyền làm cho hệ thống quản lý nhà nước về thủy sản, các DN và đặc biệt là các chủ tàu, ngư dân hiểu được những nội dung chống đánh bắt bất hợp pháp, báo cáo không theo quy định là như thế nào trong thực tiễn. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho toàn xã hội cũng như hệ thống chính trị của chúng ta hiểu được và hành động. Bộ NN&PTNT đã ký hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam, một số cơ quan báo chí để triển khai cụ thể chiến dịch truyền thông.
Trong truyền thông cũng phải tăng cường đối thoại bởi EU vẫn chưa thừa nhận những nỗ lực của Việt Nam trong tiếp thu các khuyến cáo đưa vào Luật Thủy sản sửa đổi, bổ sung. Trong ba nhóm giải pháp này thì năng lực thực thi là quan trọng nhất vì EU muốn chúng ta hành động cụ thể, chuyển biến trên thực tế.
T.THỦY