Nhiều vướng mắc và bất cập tại dự án tuyến đường vành đai phía Tây

Thứ sáu, 13/08/2021 19:42

Dự án đường vành đai phía Tây là công trình trọng điểm của TP Đà Nẵng, với tổng kinh phí 1.134 tỷ đồng,  được khởi công vào tháng 10-2018, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 10-2020.  Tuy nhiên, đến nay thời điểm hoàn thành vẫn chưa xác định,  vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập tại dự án này…

Dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng vẫn còn dang dở, dù đã chậm tiến độ 10 tháng.

Dự án có tổng chiều dài 19,2 km, đi qua địa bàn 5 xã  gồm Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Liên (H. Hòa Vang).  Tổng diện tích đất phải thu hồi là hơn 1. 325. 703m2, tổng số hồ sơ giải tỏa đền bù là 1.602 hồ sơ, cho đến hiện nay số hồ sơ đã bàn giao mặt bằng 1.429 hồ sơ, chưa giao mặt bằng 171 hồ sơ.  Như vậy, dự án đã bàn giao mặt bằng 16,1 km, còn lại chưa có mặt bằng sạch 3,1 km.  Ông Nguyễn Hà Nam- Chủ tịch UBND H. Hòa Vang cho biết, tại dự án này UBND huyện và ngành chức năng đã rất nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng. Đối với đất nông nghiệp và di dời mồ mả, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đối với đất ở của người dân tại 5 xã, mặt bằng tuyến chính đến nay đã cơ bản thông tuyến công vụ điều phối đất dọc tuyến, đảm bảo tiến độ thi công của dự án, như trên đã nêu, hiện tại còn lại 71 hồ sơ chưa giao mặt bằng, cụ thể như sau: tại xã Hòa Khương, còn 15/55 hồ sơ đất chưa bàn giao mặt bằng, với chiều dài 450 mét dự án; xã Hòa Phong còn 6/25 hồ sơ  với chiều dài 350 mét dự án; xã Hòa Ninh còn 24/76 hồ sơ  với chiều dài 1.200 mét dự án. Các trường hợp tại các xã này đã thống nhất cho thông tuyến để điều phối đất.  Tại xã Hòa Liên còn 950 mét dự án, nhưng hiện nay đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Riêng tại xã Hòa Phú, còn 26/58 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng với chiều dài 1.100 mét dự án, vướng mắc chính là đoạn  đường nối lên phía Nam cầu Hội Phước, chưa thể triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư cho người dân, do chưa thống nhất phương án bổ sung đường gom, chưa bàn giao mốc giới, hồ sơ kỹ thuật thửa đất… 

Vướng mắc về mặt bằng dự án này hiện nay chính là đối với 71 hồ sơ đất nhà ở của người dân là những hộ dân gốc tại địa phương,  đang sinh sống thực sự tại địa điểm phải giải tỏa, do đó cần có đất thực tế để di dời chỗ ở.  Hiện nay các khu tái định cư chưa triển khai thi công, chưa có đất thực tế bố trí cho người dân, do vậy không thể giải tỏa và không thể tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 71 hộ dân này. Để tránh trường hợp các hộ giải tỏa tái sử dụng đất để trồng cây cối hoa màu, đồng thời đảm bào tiến độ thi công dự án,  UBND H. Hòa Vang đã đề nghị Thành ủy, UBND TP có ý kiến chỉ đạo với vấn đề này. 

Có đến 40 vị trí cống thoát nước trên toàn dự án xả thẳng vào khu dân cư, đất canh tác nông nghiệp của người dân gây nguy hiểm trong mùa mưa lũ.

Bất cập tại dự án này cũng liên quan đến công tác thi công. Theo UBND H.  Hòa Vang, với đoạn qua địa bàn Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, đối với diện tích đất nông nghiệp đã hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng từ ngày 30-9-2020, đối với đất ở đã cơ bản thông tuyến điều phối đất dọc tuyến, đảm bảo tiến độ thi công dự án. Tuy nhiên nhà thầu thi công tại các khu vực trên là Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco1) vẫn không triển khai khai thi công. Vấn đề này đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng và ngành chức năng cần phải xem xét năng lực và trách nhiệm đối với nhà thầu thi công.  Một vấn đề đặt ra hiện nay trên thực tế, trên toàn tuyến của dự án có đến 40 vị trí cửa xả của các cống thoát nước qua mặt đường, xả nước trực tiếp xuống các khu dân cư hoặc diện tích đất nông nghiệp người dân đang canh tác, rất nguy hiểm khi mùa mưa lũ đã đến gần.  UBND H. Hòa Vang đề nghị Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông  Đà Nẵng cần nhanh chóng có giải pháp cụ thể để khắc phục vấn đề này.

HỒNG THANH