Nhìn hiện tại, mơ tương lai

Thứ bảy, 14/01/2017 07:34

(Cadn.com.vn) - Mỹ đã bắt đầu đưa binh sĩ và xe tăng đến Ba Lan, như một phần trong kế hoạch triển khai quy mô lớn nhất đối với các lực lượng của Lầu Năm Góc tại Châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Theo sứ mệnh mang tên “Quyết tâm Đại Tây Dương” này, Lầu Năm Góc bố trí luân phiên hơn 3.000 binh sĩ cùng trang thiết bị hạng nặng tại Ba Lan và một số đối tác khu vực của NATO như Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Bulgaria và Hungary. Rõ ràng, đối với Mỹ, đây là sự kiện cho thấy tham vọng củng cố sức mạnh quân sự ở ngay sát rìa phía đông của Nga, như một cách để ngăn chặn sức ảnh hưởng đang ngày càng mở rộng của Moscow tại khu vực địa chiến lược quân sự của Châu Âu này.

Đối với Ba Lan, đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ bởi nước này chưa từng chứng kiến mức độ hiện diện luân phiên nào như vậy kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Anthony Macherevich thậm chí cho rằng, việc bố trí đội quân của Mỹ và NATO như thế này sẽ đặt dấu chấm hết cho sự thống lĩnh của Nga ở Châu Âu.

Nga tất nhiên không thể ngồi yên trước những động thái phô trương sức mạnh này và khiêu khích này của phương Tây. Moscow đã giận giữ và xem hoạt động này là “một mối đe dọa”. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, động thái này là nhằm trấn an các đồng minh Đông Âu của Washington sau khi Nga sáp nhập khu vực Crimea từ Ukraine.

Dù Washington cố trấn an Moscow, nhưng nỗi quan ngại của Nga không phải là thừa. Trên thực tế, Mỹ không chỉ củng cố sức mạnh ở gần biên giới của Nga ở Đông Âu mà còn đang gia tăng sự hiện diện quân sự khắp Châu Âu.

Hồi đầu tuần này, 4.000 lính Mỹ đến Đức như là một phần của phép luân chuyển quân đến Châu Âu, động thái mà Lầu Năm Góc tuyên bố mang ý nghĩa “gửi thông điệp rõ ràng đến Nga”. Cùng với sự tăng quân, 2.400 thiết bị quân sự bao gồm xe tăng, xe chiến đấu bọc thép, pháo binh, xe tải cũng được triển khai đến Đức để từ đó đến Ba Lan và 7 địa điểm khác trên khắp Đông Âu nhằm phục vụ các cuộc tập trận với các đồng minh Châu Âu.

Những động thái trên cho thấy diễn biến đang rất nóng trong mối quan hệ giữa Nga với phương Tây. Tuy nhiên, nhiều người lạc quan cho rằng, căng thẳng sẽ giảm đáng kể sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lên nhậm chức.

Thanh Văn