Nhìn lại bản lĩnh Vladimir Putin

Thứ bảy, 07/11/2015 09:31

(Cadn.com.vn) - Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh bại Thủ tướng Đức Angela Merkel và cả Tổng thống Mỹ Barack Obama để lần thứ 3 liên tiếp được tạp chí danh tiếng Forbes tôn vinh là "nhân vật quyền lực nhất thế giới năm 2015" thật sự không có nhiều bất ngờ. Bởi trên thực tế, ảnh hưởng và vị thế của ông chủ Điện Kremlin đang ngày càng lan rộng và được củng cố thông qua các sự kiện chính trị nổi bật, đặc biệt là sau việc Nga tham chiến ở Syria chống khủng bố.

Câu chuyện về "Trung tá Putin"

Đây là câu chuyện kể về ông  Vladimir Putin, xảy ra ở Dresden ở Đức vào mùa thu năm 1989.

Lúc đó, người biểu tình giận dữ xuống đường kéo về trụ sở của Cơ quan Tình báo Nga (KGB), nơi Trung tá Putin, một sĩ quan tình báo trẻ tuổi, đang đứng nhìn ra ngoài cửa sổ. Nhìn thấy đám đông đến gần, ông Putin gọi điện cho Tư lệnh quân đội Liên Xô tại địa phương và yêu cầu tiếp viện. Nhưng không có cấp thẩm quyền cao hơn tiếp nhận điều này. "Moscow im lặng", ông  Putin kể lại.

Lúc đó, ông quyết định tự mình giải quyết tình hình. Trong bộ đồng phục quân sự, nhưng không mang theo súng, không có hỗ trợ, ông bước ra cửa, nơi đám đông tụ tập. Và ông nói to dõng dạc bằng tiếng Đức: "Ngôi nhà này được bảo vệ nghiêm ngặt. Các binh sĩ của tôi có vũ khí. Và tôi đã ra lệnh cho họ: Nếu bất cứ ai bước vào tòa nhà, họ phải nổ súng". Sau đó, ông quay trở vào tòa nhà. Người biểu tình giải tán.

Ông Putin thích câu chuyện này. Đó cũng là nguồn cảm hứng cho các nhà "Putin học", những người đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, điều gì khiến một người đàn ông này có khả năng lãnh đạo nước Nga trong 15 năm qua. Đó là câu hỏi quan trọng trong bối cảnh phe nổi dậy thân Nga ở Ukraine đang rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu với chính phủ ở miền đông và Moscow chủ động can thiệp vào cuộc nội chiến Syria.

Tổng thống Putin có công củng cố vị thế của nước Nga trên trường thế giới. Ảnh: AP

Người đàn ông bản lĩnh

Ngay khi lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 2000, ông Putin gây tiếng vang khi tiến hành cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Chechnya. Giờ đây, ảnh hưởng và vị thế của ông chủ Điện Kremlin đang ngày càng lan rộng và củng cố thông qua các sự kiện chính trị nổi bật, đặc biệt là sau việc Nga tham chiến ở Syria chống khủng bố.

Vậy ông Putin muốn gì? Có phải ông muốn khôi phục lại đế chế Liên Xô? Có phải là vì dầu mỏ và tối đa hóa vị thế của Nga như một cường quốc hàng đầu về dầu mỏ? Đó không phải là tất cả. 15 năm qua, người ta càng có cái nhìn sâu sắc về nhà lãnh đạo tài ba này. Đó là một người đàn ông đại diện cho đất nước, đại diện cho sự ổn định và trật tự, chống lại sự hỗn loạn trên các đường phố; một người đàn ông vẫn tin vào sức mạnh độc đáo của nhà nước có chủ quyền và đặc quyền để bảo vệ lợi ích của mình; một người đàn ông là hiện thân của sự bình tĩnh và bản lĩnh.

Đó là nền tảng để nhân vật quyền lực nhất thế giới này củng cố vị thế của nước Nga trên trường quốc tế và "dẹp loạn" ở trong nước. Trong 2 nhiệm kỳ đầu tiên, từ năm 2000-2008, ông đã trấn áp các đối tượng tham nhũng, lạm quyền, đập tan Tập đoàn dầu khí khổng lồ Yukos cũng như bắt giam giám đốc điều hành Mikhail Khodorkovsky, trả lại hai nguồn năng lượng quan trọng cho nhà nước. "Dân chủ không bị trói buộc" sẽ dẫn đến hỗn loạn, và do đó ông phát triển một nền "dân chủ được kiểm soát", một chuyên gia nhận định.

An Bình
(Theo NYT)