Nhìn lại các khu công nghiệp Đà Nẵng (Bài cuối: Vực dậy thế nào?)
Đà Nẵng đã đầu tư nhiều cho du lịch, đã tạo được nền tảng và đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Nhưng kinh tế Đà Nẵng muốn phát triển bền vững phải đứng bằng 2 chân, cả dịch vụ du lịch và sản xuất công nghiệp. Chọn công nghiệp hiện đại, hàm lượng giá trị cao, thân thiện với môi trường để tránh mâu thuẫn với du lịch là cách tiếp cận của TP. Gần đây, thông điệp từ lãnh đạo TP càng thể hiện rõ quyết tâm đầu tư, vực dậy CNĐN theo hướng hiện đại.
Hạ tầng Khu CNTT trong Khu CNC đang được triển khai tích cực để cuối năm 2018 có thể thu hút được các nhà đầu tư. |
Chọn trọng tâm mới
Từ đầu năm 2018 Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có 3 lần làm việc với BQL Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ông Nghĩa khẳng định công nghiệp CNC, CNTT sẽ là hướng phát triển tới đây trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng. Bởi lẽ, tổng sản phẩm xã hội của Đà Nẵng hơn 60 ngàn tỷ trong đó du lịch khoảng 20 ngàn tỷ, nhưng đầu tư của xã hội cho lĩnh vực này rất lớn. Trong khi một công viên phần mềm Đà Nẵng đầu tư không đáng kể nhưng doanh thu xấp xỉ 17 ngàn tỷ đồng là điều rất đáng suy nghĩ. Không chỉ năm 2018 là năm đẩy mạnh thu hút đầu tư TP mới tập trung rà soát nguồn lực, hạ tầng, tháo gỡ những lực cản để có “vốn” kêu gọi nhà đầu tư, mà trong thời gian tới, “trục chiến lược đầu tư” của TP sẽ xoay về hướng công nghiệp chất lượng cao. Trọng tâm của chiến lược này là Khu CNC, CNTT, các KCN mới dành cho các dự án sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.
Khu CNC Đà Nẵng hiện là tâm điểm trong chiến lược mới về phát triển CNĐN. Đây là 1 trong 3 Khu CNC quốc gia có cơ chế ưu đãi vượt trội, ở một vị trí rất thuận lợi (kết nối các tuyến cao tốc, gần cảng biển, ga đường sắt, hàng không), có tầm chiến lược cho phát triển TP về phía Tây Bắc để trở thành khu đô thị CNC. Ngoài ra Đà Nẵng với lợi thế là trung tâm kinh tế xã hội của miền Trung, là TP có chất lượng sống tốt, có nguồn nhân lực chất lượng cao, thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư về hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển). Hiện Khu CNC đã có sẵn hơn 400 ha đất sạch phục vụ nhà đầu tư, có 10 dự án đã đầu tư, đặc biệt sắp tới sẽ có siêu dự án 1 tỷ USD vào Khu CNC. Ông Phùng Tấn Viết - Trưởng BQL Khu CNC cho biết, một nhóm nhà đầu tư Mỹ đã khảo sát, làm việc với BQL về việc đầu tư dự án Đà Nẵng Silicon tại Khu CNC trên diện tích 70 ha, tổng vốn 1 tỷ USD. Nhóm nhà đầu tư này đã đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng Công viên Saigon Silicon City tại Khu CNC TPHCM. Khi Đà Nẵng Silicon triển khai sẽ tạo điều kiện thu hút nhiều dự án trong các lĩnh vực điện tử, phần mềm, công nghệ nano... vào Khu CNC Đà Nẵng.
Khu CNTT rộng 131 ha (giai đoạn 1) nằm trong khuôn viên quy hoạch Khu CNC Đà Nẵng hiện cũng đang được triển khai mặt bằng tích cực, đảm bảo cuối năm 2018 sẽ hoàn thành, có thể thu hút các nhà đầu tư. Việc đầu tư, phát triển công nghiệp CNTT ở Đà Nẵng tuy sơ khởi, song cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Hiện nhu cầu DN đầu tư CNTT vào Đà Nẵng rất lớn song lại thiếu hạ tầng. TS Trần Du Lịch cho biết, hiện Đà Nẵng có hơn 700 DN CNTT đang hoạt động, thu hút 24,5 ngàn lao động, đóng góp khoảng 5,5% GRDP, xuất khẩu phần mềm khoảng 66,7 triệu USD. “Mặc dù số lượng DN chỉ thực hiện gia công, cung cấp dịch vụ phần mềm và phân phối, bán buôn các sản phẩm CNTT chiếm tỷ trọng lớn, hơn 62% số DN CNTT hiện tại của TP, tuy vậy ngành công nghiệp CNTT cùng các ngành công nghiệp CNC vẫn hứa hẹn trở thành một trong những đột phá phát triển KTXH của TP”- Ông Lịch nhận định.
Dự án vào Khu CNC và các KCN mới của Đà Nẵng phải là các dự án có hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường (Trong ảnh: Sản xuất tân dược tại Danapha Đà Nẵng). |
Làm gì với các KCN cũ?
Kiểm soát chặt môi trường, từng bước thí điểm chuyển đổi thành KCN sinh thái tiến tới mô hình KCN bền vững, đó là giải pháp chính mà Đà Nẵng sẽ triển khai với các KCN hiện hữu. Ông Tô Văn Hùng nói: Tôi cho rằng KCN dịch vụ thủy sản tại Thọ Quang về lâu dài không còn phù hợp giữa đô thị. KCN Hòa Cầm hiện nhà máy xử lý nước thải không xứng, nguy cơ gây ô nhiễm nhà máy nước Cầu Đỏ rất lớn. Các KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu sát khu dân cư phải chuyển đổi mô hình sản xuất không gây ô nhiễm. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo các ngành chức năng của TP cần rà soát thu hồi đất các dự án không triển khai, gây ô nhiễm nhưng không khắc phục, không còn năng lực sản xuất, không có khả năng đầu tư xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường trong các KCN đồng thời công khai các lô đất trống cho các DN có nhu cầu thực sự thuê để tránh lãng phí, sử dụng hiệu quả đất trong KCN.
Ông Nghĩa nói, KCN Thọ Quang, An Đồn không thể kéo dài như dự kiến cho đến năm 2040 được nữa. Khi mà cảng Đà Nẵng đang phải tập trung ép xuống để chuyển về Liên Chiểu, khi mà đường Ngô Quyền không cho phép vận chuyển ầm ầm như thế thì KCN An Đồn sẽ thành bất cập. Vì thế khẩn trương rà soát các KCN còn lại để khuyến khích DN trong KCN An Đồn di chuyển đến. Việc hỗ trợ họ hoàn toàn có cơ sở khi KCN An Đồn chuyển thành Khu đô thị sẽ có nguồn thu tương đối tốt. Về KCN thủy sản tại Thọ Quang, ông Nghĩa cho rằng phải sớm giải tỏa. Ông Nghĩa cũng cho rằng việc cải tạo, chuyển đổi các KCN thành sinh thái, đảm bảo môi trường rất cần thiết, phải khẩn trương tính tới. Đơn cử như Trường Hải hiện nay đã tạo ra các tour du lịch, khách tới mua sắm ô-tô và tham quan luôn dây chuyền sản xuất.
Ngành công nghiệp CNTT của Đà Nẵng tuy sơ khởi nhưng được đánh giá có triển vọng rất lớn trong thời gian tới nếu được tập trung đầu tư. |
Nhu cầu của DN vào KCN hiện rất lớn, bức thiết, vì thế để đầu tư cho công nghiệp, Đà Nẵng sẽ xây dựng thêm 3 KCN mới gồm Hòa Cầm giai đoạn 2 (125 ha), Hòa Nhơn (405 ha), Hòa Ninh (400 ha). Theo đó, các KCN mới này phải đảm bảo cách ly đúng tiêu chuẩn với các khu dân cư, hướng tới hình thành các cụm liên kết ngành nhằm nâng cao khả năng kết nối và năng lực cạnh tranh của các DN trong KCN. Các dự án khi vào KCN cũng phải là các dự án sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, không thu hút các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, nhiều lao động phổ thông, ô nhiễm môi trường... Để phục vụ các lĩnh vực công nghiệp này, TP cũng tập trung nâng cao nguồn nhân lực, trước mắt là nhân lực các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin. Ngoài ra các thiết chế văn hóa, nhà ở công nhân... theo mô hình KCN sinh thái bền vững cũng phải đảm bảo.
Với những động thái chuyển dịch mạnh mẽ, CNĐN sẽ trở lại với diện mạo hiện đại, hiệu quả hơn, đóng góp lớn vào cơ cấu kinh tế Đà Nẵng trong tương lai.
HẢI HẬU