Nhìn lại chuyến công du Châu Á của ông Trump

Thứ tư, 15/11/2017 10:52

Chuyến công du Châu Á lần này cho thấy, Tổng thống Donald Trump có thể tìm thấy thành công ở nước ngoài dễ hơn ở nhà.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trở về Mỹ hôm 14-11 sau chuyến công du Châu Á kéo dài mà ông nói đã “thành công to lớn”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Philippines về nước hôm 14-11. Ảnh: AP

Giới phân tích cho rằng, thời gian ở Châu Á giúp Tổng thống Trump củng cố hình ảnh của một nhà lãnh đạo thân thiện và cởi mở hơn là ở nhà, nơi mà ông chủ Nhà Trắng phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ đang xuống thấp và cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016 để đưa ông lên nắm quyền. Nhiều người nói vui rằng, xem ra, ông Trump dễ dàng “làm ăn” ở nước ngoài hơn là ở trong nước. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Saudi Arabia hồi tháng 5 cũng chứng minh điều này.

Những mối quan hệ mật thiết hơn

Ông Trump mở màn chuyến đi của mình tại Tokyo, nơi ông đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chào đón như một người bạn thân thiết. Ông Abe tràn ngập lời khen dành cho ông Trump, nói rằng, ông tin rằng “chưa bao giờ có mối liên hệ gần gũi như thế giữa lãnh đạo như chúng ta đang làm trong lịch sử liên minh Nhật-Mỹ”.

Trong khi đối với Thủ tướng Abe luôn là mối quan hệ dễ dàng, quan hệ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại là bài toán khó đối với ông Trump. Mọi việc trở nên căng thẳng hơn do vấn đề Triều Tiên và việc Tổng thống Trump công khai chỉ trích người đồng cấp Hàn Quốc. Việc thiếu mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo đã dẫn đến những thời điểm Hàn Quốc dường như bị bỏ qua trong các quyết định về chính sách Triều Tiên của Mỹ - dẫn đến những lo ngại tại Washington về một sự chênh lệch ngày càng tăng với Seoul.  Nhưng trong một cuộc họp báo tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon và người đồng cấp Trump dường như đã làm tốt “nhiệm vụ”.

Tại Trung Quốc, quốc gia mà ông Trump từng buộc tội “cưỡng bức” Mỹ, ông chủ Nhà Trắng đã được đón tiếp nồng hậu chưa từng có. Ông trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên được mời ăn tối tại Tử Cấm Thành. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc hân hoan đưa tin về chuyến thăm của ông Trump, trong đó một chuyên gia phân tích của Đài truyền hình Trung ương CCTV nói rằng, Tổng thống Mỹ “đã cho Trung Quốc những gì Bắc Kinh muốn, đó là sự tôn trọng trên sân khấu địa chính trị toàn cầu, như các quốc gia khác”. Ngôn ngữ của ông Trump về cách Bắc Kinh hành động để kiềm chế Triều Tiên và cả vấn đề thương mại cũng nhẹ nhàng hơn so với trước đây.

Quan hệ giữa Mỹ và hai quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam và Philippines cũng nâng lên tầm cao mới trong chuyến đi của ông Trump. Bản thân Tổng thống Trump khẳng định, ông đã hàn gắn mối quan hệ với Philippines, vốn xấu đi hồi năm ngoái khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của nhà lãnh đạo Philippines. Philippines là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Châu Á, và hai quốc gia này vẫn duy trì sự ràng buộc nhờ vào hiệp ước quốc phòng song phương.

Giải quyết vấn đề Triều Tiên

Trước chuyến đi của ông Trump, giới chuyên gia cho biết, nhà lãnh đạo này sẽ “tập trung 90% vào Triều Tiên, 10% về thương mại”. Dự đoán này được chứng minh là đúng, và Triều Tiên chiếm ưu thế trong tuần đầu tiên của ông Trump tại Châu Á. Cả Thủ tướng Abe và Tổng thống Moon đều ủng hộ cách tiếp cận của ông Trump về vấn đề Triều Tiên và tại Bắc Kinh, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại cam kết của Trung Quốc trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Trong chuyến thăm đầu tiên đến Đông Bắc Á với tư cách là tổng thống, ông Trump thành công trong việc truyền đạt cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và giải quyết vấn đề Triều Tiên”, CNN dẫn lời chuyên gia Scott Snyder nhận định. Cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, Tổng thống Trump đã tìm được một số “chiến lược chung” với Nhật, Hàn và Trung Quốc về việc đối phó với Triều Tiên trong chuyến công du Châu Á đầu tiên. “Mặc dù chúng tôi đánh giá cao sức ép tối đa và chính sách can thiệp nhưng thời điểm này ông Trump thể hiện một số chiều hướng mềm dẻo trong việc giải quyết vấn đề này. Ông ấy cho thấy một vài khả năng giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp ngoại giao”, ông Ban nói.

KHẢ ANH