Nhìn lại cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam (Kỳ 1: Kiểm soát thành công)

Thứ sáu, 19/03/2021 16:20

Ngày 29-12-2019, các trường hợp mắc COVID-19 lần đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ngày 31-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 120 triệu ca mắc và hơn 2,6 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Trải qua hơn 1 năm ứng phó với đại dịch, nhiều biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội, phong tỏa đã được triển khai trên khắp thế giới. Chương trình tiêm chủng vaccine đã bắt đầu từ cuối năm 2020 và hiện đã có hơn 360 triệu liều được tiêm tại 149 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đến nay dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới của virus và tiếp tục tác động sâu rộng tới sức khỏe và đời sống của cộng đồng quốc tế, tới sự phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Đà Nẵng thiết lập các chốt chặn tại cửa ngõ ra vào thành phố để kiểm soát dịch Covid-19 hồi tháng 3-2020.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Việt Nam đối mặt 3 giai đoạn diễn biến đại dịch, trong đó giai đoạn đầu ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 23-1-2020, sau đó tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới là người trở về từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc; người nhập cảnh vào Việt Nam, người trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch như tại châu Âu và Mỹ...

Giai đoạn 2 được ghi nhận từ cuối tháng 7-2020 đến nay (sau 99 ngày không ghi nhận trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng) với các trường hợp mắc mới tại Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố khác. Giai đoạn 3 bắt đầu từ 25-1 đến nay với các ca bệnh được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố khác. Trong hơn 1 năm qua, tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam đều bị tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng, các chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...

Ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị Việt Nam đã vào cuộc chống dịch khẩn trương và quyết liệt. Cùng với sự đồng lòng, đoàn kết, chia sẻ của toàn dân, sự nỗ lực, bền bỉ của toàn quân, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tốt. Việt Nam đã kiểm soát thành công nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, được thế giới đánh giá cao mô hình phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả với chi phí thấp. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách kịp thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh và vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Chống dịch như "chống giặc"

Trong giai đoạn 1, Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp ở mức cao hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của WHO. Việt Nam áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập, cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch, được WHO và nhiều nước công nhận là biện pháp đúng đắn, hiệu quả.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, từ ngày 1-4-2020 cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là quyết định rất mạnh mẽ, đúng đắn và kịp thời giúp hạn chế được sự lây lan ra cộng đồng. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã áp dụng thực hiện truy vết các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh, đây là biện pháp được nhiều quốc gia đánh giá cao và học tập, thực tế một số nước có trình độ công nghệ cao đã áp dụng biện pháp này đạt hiệu quả rất cao. Việt Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm tự chủ việc sản xuất KIT thử, hoàn chỉnh phác đồ điều trị, kết nối khám chữa bệnh từ xa các cơ sở y tế trong điều trị COVID-19 và nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch được ra mắt.

Trước yêu cầu tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế, thương mại, hội nhập, không thể áp dụng các biện pháp cực đoan như dừng hoạt động nhập cảnh, dừng hoạt động bay quốc tế..., Việt Nam đã bắt đầu tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước và đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, lao động tay nghề cao nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy tạo lập trạng thái bình thường mới, thực hiện "mục tiêu kép", duy trì sự liên tục của các hoạt động kinh tế, hỗ trợ thiết thực cho người lao động mất việc, giảm sâu thu nhập và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ngay cả khi thực hiện giãn cách xã hội vẫn có biện pháp bảo đảm tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu...

Trong giai đoạn này, Việt Nam đã có 99 ngày liên tục không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng; đồng thời điều trị khỏi hầu hết các bệnh nhân, kể cả các bệnh nhân nặng, không để xảy ra trường hợp tử vong. Trong giai đoạn 2, dịch diễn biến nhanh, khả năng lây lan rộng và nguy cơ tử vong cao do xuất hiện các ổ dịch tại khoa điều trị bệnh nhân nặng trong bệnh viện. Tuy nhiên, các biện pháp ứng phó được thực hiện nhanh, quyết liệt, đồng bộ...

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Tại tỉnh Hải Dương, 10 ngày gần đây chỉ còn 4/12 huyện, thành phố (TP Hải Dương, TP Chí Linh, huyện Kim Thành và huyện Cẩm Giàng) ghi nhận rải rác 1-2 ca mắc mới trong ngày, đều là các trường hợp đã được cách ly từ trước; các địa phương khác đã qua 21 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.

T.T